Đến nay, có nhiều lý thuyết khác nhau về học: lý thuyết phản xạ có điều kiện, lý thuyết hành vi, lý thuyết nhận thức, lý thuyết hoạt động, lý thuyết thông tin, lý thuyết kiến tạo,…Trong luận án này, chúng tôi sử dụng lý thuyết kiến tạo làm nền tảng lý luận cho việc xác định KNTH SH11 và biện pháp hình thành.
Tư tưởng của lý thuyết này là đặt vai trò, vị trí của chủ thể nhận thức lên hàng đầu của quá trình chiếm lĩnh tri thức:“Mỗi cá nhân tự xây dựng nên tri thức riêng cho mình, không đơn thuần chỉ là tiếp nhận tri thức ở người khác”[12, tr.116]. Von Glaserfeld: “Tri thức được tạo nên một cách tích cực bởi chủ thể nhận thức chứ không phải tiếp thu thụ động từ bên ngoài”[70, tr.110].
Theo Piaget [11,12,46,69,70], cấu trúc nhận thức được phát triển dần dần trong quá trình chủ thể thích nghi với môi trường. Cấu trúc nhận thức được phát triển theo một quá trình kép đó là “đồng hóa” và “điều ứng”.
Đồng hóa là quá trình nếu gặp một tri thức mới thì tri thức này chẳng những được người học cấu trúc lại mà còn được kết hợp trực tiếp vào sơ đồ nhận thức đang tồn tại, hay nói cách khác HS có thể dựa vào kiến thức cũ để giải quyết một nhiệm vụ học tập mới.
Vốn kiến thức đã có Kiến thức mới thu nhận
Điều chỉnh và sáp nhập lại Phù hợp
Sáp nhập Tri thức mới
Không phù hợp Đồng hóa
Điều ứng là quá trình khi gặp một tri thức mới (có thể hoàn toàn khác với sơ đồ nhận thức đang có) thì sơ đồ nhận thức hiện có được thay đổi phù hợp với tri thức mới. Kiến thức được tạo thành từ quá trình điều chỉnh sự mất thăng bằng nhận thức để thích nghi với đòi hỏi và thách thức của môi trường. Sự điều chỉnh đó không dẫn tới việc lặp lại trạng thái cân bằng nhận thức cũ, mà dẫn đến sự cân bằng mới về nhận thức ở mức cao hơn - một sự cân bằng động hay “cân bằng tăng trưởng”.
Cơ chế điều ứng cho thấy, học là một quá trình biến đổi cấu trúc nhận thức, điều chỉnh sự mất thăng bằng nhận thức để thích nghi với môi trường.
Khi gặp một tri thức mới, chủ thể bao giờ cũng thực hiện quá trình đồng hóa trước, nếu không thành công thì sẽ thực hiện quá trình điều ứng. Quá trình đồng hóa và điều ứng luôn đan xen và bổ sung cho nhau.
Như vậy, theo quan điểm này cơ chế học là cơ chế “đồng hóa” và “điều ứng” biến đổi và cân bằng cấu trúc nhận thức, thích nghi với môi trường.
Có thể minh họa quá trình học tập theo tư tưởng lý thuyết kiến tạo bằng sơ đồ (sơ đồ 1.1):
Sơ đồ 1.1. Quá trình sáp nhập kiến thức mới thu nhận vào vốn kiến thức đã có theo tư tưởng lý thuyết kiến tạo.
Theo hướng nghiên cứu của luận án, chúng tôi hiểu rằng, kiến tạo đó chính là
quá trình tự thu nhận và sáp nhập để hợp nhất kiến thức mới với kiến thức đã có thành một cấu trúc thống nhất.