Nội dung các cam kết WTO đối với nhượng quyền thương mạ

Một phần của tài liệu TỰ DO HÓA THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ PHÂN PHỐI THEO CÁC YÊU CẦU CỦA WTO VÀ CÁC CAM KẾT CỦA VIỆT NAM (Trang 41 - 42)

Ở góc độ chung nhất, chúng ta đã phân tích những khác biệt và hạn chế mà Chính phủ Việt Nam đã và đang đặt ra nhằm hạn chế tự do thương mại trong thương mại dịch vụ từ hai góc độ chính: hạn chế tiếp cận thị trường và hạn chế đối xử quốc gia.

Đối với vấn đề nhượng quyền thương mại, cam kết WTO của Chính phủ Việt Nam được thể hiện tại Bảng 5: Cam kết WTO đối với nhượng quyền thương mại tại phần Phụ lục để ở cuối luận văn (tr. vii).

Sau đây xin giải thích thêm về nội dung cam kết:

Có thể nói, trong nội dung cam kết này, Chính phủ Việt Nam chỉ thuần túy xây dựng một rào cản đối với thương nhân nước ngoài (từ các quốc gia và lãnh thổ thành viên WTO). Cụ thể như sau:

Đối với phương thức (1) - cung cấp dịch vụ qua biên giới - và phương thức (2) - sử dụng dịch vụ ở nước ngoài - thì hoàn toàn không có bất kỳ một sự phân biệt đối xử nào giữa thương nhân Việt Nam và thương nhân nước ngoài (từ các quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên WTO). Tuy nhiên, vì nhượng quyền thương mại đồng nghĩa với việc ký kết hợp đồng nhượng quyền thương mại từ bên nhượng quyền đến bên nhận nhượng quyền tương ứng với thời gian đủ dài để bên nhận nhượng bù đắp lại chi phí đầu tư ban đầu, nên phương thức (2) - sử dụng dịch vụ ở nước ngoài - hầu như không được sử dụng trong nhượng quyền thương mại và cam kết này thực sự không có ý nghĩa thực tế.

Với phương thức (4) - hiện diện thể nhân - thì trên thực tế, đối với nhượng quyền thương mại, điều này rất khó sảy ra. Do đó, bên cạnh sự khác biệt trong tư duy về doanh nghiệp như đã phân tích tại phần chung, nội dung cụ thể về phương thức (4) trong cam kết nêu trên của Chính phủ Việt Nam về nhượng quyền không có ý nghĩa nhiều trên thực tế. Với phương thức (3) - hiện diện thương mại - thì cần nhấn mạnh sự khác biệt của nó với phương thức (1) - cung cấp dịch vụ qua biên giới - ở chỗ, nếu theo phương thức (1) thì bên nhượng quyền là một thương nhân nước ngoài trực tiếp ký hợp đồng nhượng quyền

thương mại với thương nhân Việt Nam hoặc ngược lại, còn theo phương thức (3) bên nhượng quyền sẽ thành lập một doanh nghiệp hoặc chi nhánh tại Việt Nam, và sử dụng doanh nghiệp hoặc chi nhánh đó cung cấp và ký hợp đồng nhượng quyền thương mại với các thương nhân Việt Nam.

Cam kết của Chính phủ Việt Nam đối với phương thức (3) trong vấn đề nhượng quyền thương mại có những rào cản từ các giác độ:

Trong rào cản tiếp cận thị trường, Nhà nước Việt Nam duy trì một lộ trình:

- Từ 11/1/2007 -1/1/2008, thương nhân nước ngoài (từ các quốc gia và lãnh thổ thành viên WTO) chỉ được thành lập công ty liên doanh với thương nhân Việt Nam mà quyền kiểm soát thuộc về phía thương nhân Việt Nam (vốn phía nước ngoài không quá 49%);

- Từ 1/1/2008, bãi bỏ quy định về quyền kiểm soát thuộc về phía thương nhân Việt Nam ;

- Từ 1/1/2009, thương nhân nước ngoài được thành lập doanh nghiệp 100% vốn của mình (một hình thức công ty con) để tiến hành các hoạt động nhượng quyền thương mại tại Việt Nam.

- Từ 11/1/2010 trở về sau, thương nhân nước ngoài được phép mở chi nhánh tại Việt Nam .

Trong đối xử quốc gia, tương tự như với góc độ hạn chế tiếp cận thị trường, thương nhận nước ngoài cấp hay ký hợp đồng nhượng quền thương mại với thương nhân Việt Nam theo các phương thức (1) và phương thức (2) được hưởng đối xử quốc gia. Tuy nhiên, với phương thức (3), hạn chế là trưởng chi nhánh của thương nhân nước ngoài phải là người cư trú tại Việt Nam (không phân biệt yếu tố quốc tịch). Đây thực chất cũng là một dạng hạn chế bổ sung đối với tiếp cận thị trường sau ngày 11/1/2010, thời điểm mà thương nhân nước ngoài có quyền mở chi nhánh tại Việt Nam để hoạt động nhượng quyền.

Một phần của tài liệu TỰ DO HÓA THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ PHÂN PHỐI THEO CÁC YÊU CẦU CỦA WTO VÀ CÁC CAM KẾT CỦA VIỆT NAM (Trang 41 - 42)