Quan niệm về Trung tâm Thương mại, Siêu thị và Chợ

Một phần của tài liệu TỰ DO HÓA THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ PHÂN PHỐI THEO CÁC YÊU CẦU CỦA WTO VÀ CÁC CAM KẾT CỦA VIỆT NAM (Trang 30 - 32)

Theo quan niệm của các nước châu Âu, trung tâm thương mại được định nghĩa là một nơi tập trung các cửa hàng kinh doanh giải trí, dịch vụ bán lẻ, được quy hoạch, xây dựng và quản lý như một tổng thể thống nhất nhằm phục vụ dân cư khu vực xung quanh. Cụ thể, trung tâm thương mại thường bao gồm một cửa hàng bán lẻ tổng hợp (là một siêu thị hay một đại siêu thị...) chuyên bán thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu hàng ngày cùng với nhiều cửa hàng chuyên doanh như hiệu thuốc, cửa hàng thời trang, giày dép và đủ loại dịch

vụ như dịch vụ ngân hàng, du lịch, bưu điện... Tất cả tập trung trên một khu vực lớn nằm ở ngoại ô các thành phố và kèm theo là những bãi đỗ xe rất rộng, có bán xăng cho khách hàng. [31]

Theo Quyết định 1371/2004/QĐ-BTM ngày 24/9/2004 ban hành quy chế siêu thị, trung tâm thương mại (sau đây gọi tắt là Quyết định 1371/2004) thì: Trung tâm thương mại là loại hình tổ chức kinh doanh thương mại hiện đại, đa chức năng, bao gồm tổ hợp các loại hình cửa hàng, cơ sở hoạt động dịch vụ; hội trường, phòng họp, văn phòng cho thuê… được bố trí tập trung, liên hoàn trong một hoặc một số công trình kiến trúc liền kề; đáp ứng các tiêu chuẩn về diện tích kinh doanh; trang bị kỹ thuật và trình độ quản lý, tổ chức kinh doanh; có các phương thức phục vụ văn minh, thuận tiện đáp ứng nhu cầu phát triển hoạt động kinh doanh của thương nhân và thoả mãn nhu cầu về hàng hoá, dịch vụ khách hàng. [32]

Còn đề cập đến siêu thị, người ta thường nhấn mạnh yếu tố cửa hàng bán lẻ hoặc tổng hợp hoặc chuyên doanh, với phương thức phục vụ tự chọn, với số mặt hàng đa dạng, kinh doanh các sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của con người (ăn, uống, hàng tiêu dùng (cả cao cấp lẫn thường nhật)..., có chi phí thường cao hơn so với sản phẩm cùng loại bán trong chợ, nguồn gốc hàng hoá được xác định, chất lượng sản phẩm được đảm bảo hơn. Trong Quyết định 1371/2004/QĐ-BTM đã định nghĩa “Siêu thị là loại cửa hàng hiện đại; kinh doanh tổng hợp hoặc chuyên doanh; có cơ cấu chủng loại hàng hoá phong phú, đa dạng, bảo đảm chất lượng; đáp ứng các tiêu chuẩn về diện tích kinh doanh, trang bị kỹ thuật và trình độ quản lý, tổ chức kinh doanh; có phương thức phục vụ văn minh thuận tiện nhằm thoả mãn nhu cầu mua sắm hàng hoá của khách hàng.” [33]

Chuỗi siêu thị (hay chuỗi bán lẻ) là một nhóm các siêu thị, cửa hàng bán lẻ có cùng một thương hiệu được quản lý tập trung, với phương thức kinh doanh thống nhất. Đại siêu thị có quy mô lớn hơn nhiều so với các siêu thị; đại siêu thị phải có bãi đỗ xe rộng; bán nhiều loại thực phẩm và nhiều loại hàng hóa khác với mức độ phong phú hơn hẳn các siêu thị khác và phương thức kinh doanh mang tính công nghiệp cao độ. Tóm lại, có thể có rất nhiều định nghĩa khác nhau về siêu thị nhưng từ các định nghĩa khác nhau này, người ta vẫn thấy rõ nội hàm của siêu thị là: (1) dạng cửa hàng bán lẻ, (2) áp dụng phương thức tự phục vụ, (3) kinh doanh những hàng hóa tiêu dùng phổ biến.

Chợ là nơi gặp nhau giữa cung và cầu hàng hoá, dịch vụ, vốn, là nơi tập trung hoạt động mua bán hàng hoá giữa người sản xuất, người buôn bán và người tiêu dùng. Chợ là nơi công cộng để nhiều người đến mua bán vào những buổi hoặc những ngày nhất định; chợ là nơi gặp gỡ nhau giữa cung và cầu các hàng hóa, dịch vụ, vốn...là nơi tập trung hoạt động mua bán hàng hóa giữa người sản xuất, người buôn bán và người tiêu dùng; chợ là nơi tụ họp để mua bán trong những buổi ngày nhất định. Trong thương mại, chợ là loại hình thương nghiệp truyền thống phát triển khá phổ biến ở nước ta; chợ là hiện thân của hoạt động thương mại, là sự tồn tại của không gian thị trường mỗi vùng, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xã, vùng biên giới và tập trung nhiều nhất ở các vùng đô thị các thành phố lớn.

Khái niệm về chợ được quy định từ rất sớm, Thông tư 15-TM/CSTTTN ngày 16/10/1996 của Bộ Thương mại hướng dẫn tổ chức và quản lý chợ đã xác định: “Chợ là mạng lưới

thương nghiệp hình thành và phát triển cùng với sự phát triển của nền kinh tế - xã hội”. Sau đó, Nghị định 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ nêu những khái niệm chi tiết khác:

+ Phạm vi chợ: là khu vực kinh doanh dành cho hoạt động chợ, bao gồm diện tích để bố trí các điểm kinh doanh, khu vực dịch vụ (như: bãi để xe, kho hàng, khu ăn uống, vui chơi giải trí và các dịch vụ khác) và đường bao quanh chợ.

+ Điểm kinh doanh tại chợ: bao gồm quầy hàng, sạp hàng, ki-ốt, cửa hàng được bố trí cố định trong phạm vi chợ theo thiết kế xây dựng chợ, có diện tích quy chuẩn tối thiểu là 3m²/điểm.

Bên cạnh đó, Nghị định 02/2003/NĐ-CP thực hiện việc phân loại về chợ theo 03 cấp độ: loại I, loại II và loại III. Chợ loại I (cấp lớn nhất) là chợ có qui mô từ 400 điểm kinh doanh trở lên, được đầu tư xây dựng kiên cố, có vị trí trung tâm, điểm kinh doanh tại chợ có diện tích tối thiểu là 3m2/điểm kinh doanh. Trong khái niệm chợ cấp I, người ta còn sử dụng loại hình chợ đầu mối, tức là chợ có vai trò chủ yếu, thu hút, tập trung lượng hàng hóa từ các nguồn, sản xuất, kinh doanh của khu vực kinh tế hoặc của ngành hàng để tiếp tục phân phối tới các chợ và các kênh lưu thông khác.

Phân biệt trung tâm thương mại, siêu thị, với chợ, có thể nhận thấy như sau:

+ Về cấu trúc xây dựng: Trung tâm thương mại và siêu thị đều có cấu trúc khép kín trong một công trình kiến trúc, trong khi chợ thường có cấu trúc không gian mở.

+ Về mục đích hoạt động: Trung tâm thương mại, siêu thị và chợ đều với mục đích chính là bán hàng hay chi tiết hơn là bán lẻ hàng hoá, sản phẩm và cung cấp dịch vụ.

Một phần của tài liệu TỰ DO HÓA THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ PHÂN PHỐI THEO CÁC YÊU CẦU CỦA WTO VÀ CÁC CAM KẾT CỦA VIỆT NAM (Trang 30 - 32)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(49 trang)
w