Nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước

Một phần của tài liệu Luận văn: Sự tác động của kinh tế thị trường tới việc xây dựng đạo đức mới cho thanh niên ở thành phố Tuyên Quang hiện nay (Trang 74)

- Một bộ phận thanh niên thiế uý thức rèn luyện đạo đức

3.3.4.2. Nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Đạo đức nói chung và đạo đức của thanh niên nói riêng chịu sự quy định của sự phát triển kinh tế - xã hội cho nên muốn định hướng các giá trị đạo đức cho thanh niên trước tiên phải định hướng ngay trong cơ sở kinh tế - xã hội sản sinh ra nó. Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để nền kinh tế đó vận hành theo đúng quy luật kinh tế thị trường và đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa là yếu tố quyết định sự hình thành đạo đức mới của thanh niên.

Hiện nay, nền kinh tế thị trường ở nước ta vẫn là một nền kinh tế thị trường chưa phát triển đầy đủ, còn tồn tại nhiều thành phần kinh tế của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Các thành phần kinh tế vừa tác động hỗ trợ nhau, vừa mâu thuẫn nhau, thậm chí còn cản trở nhau phát triển. Cho nên, đòi hỏi chúng ta phải nhanh chóng hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa góp phần làm lành mạnh hóa đời sống tinh thần của xã hội và tạo cơ sở kinh tế vững chắc cho sự phát triển đạo đức của thanh niên.

Qua gần 30 năm đổi mới, tính thụ động ỷ lại do cơ chế nhà nước bao cấp tuy đã có sự thay đổi đáng kể nhưng nó vẫn còn ăn sâu, vẫn tồn tại trong xã hội làm cản trở cái mới, cái tiến bộ, kìm hãm sức sáng tạo của thanh niên. Tồn tại đó là do thể chế kinh tế thị trường đang trong quá trình hình thành chưa thể xoá bỏ, khắc phục hoàn toàn cơ chế kinh tế cũ, còn nhiều bất cập. Đây là một bài toán khó, đòi hỏi toàn Đảng và toàn dân tộc Việt Nam phải tự đi tìm lời giải cho mình. Trong quá trình phát triển kinh tế, chúng ta vừa phải tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm vừa phải lựa chọn cách làm phù hợp với điều kiện của đất nước để nhanh chóng xoá bỏ những tồn tại khuyết tật của kinh tế tập trung, xây dựng và hoàn thiện cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo tiền đề cho sự hình thành các giá trị đạo đức mới đáp ứng đòi hỏi của sự phát triển đất nước.

Để làm được điều đó cần chú trọng thực hiện những vấn đề sau:

Một là, nhà nước định hướng phát triển hoàn chỉnh các loại thị trường mà

nước ta còn thiếu hoặc yếu hoặc không đồng bộ như thị trường vốn, thị trường lao động, thị trường khoa học công nghệ…

Hai là, nhà nước phải thể chế hóa, phải ban hành, hoàn thiện và đồng bộ hóa

hệ thống pháp luật, các sắc lệnh tạo ra hành lang pháp lý cho mọi hoạt động kinh tế - xã hội, tạo ra môi trường thuận lợi cho giới kinh doanh, khắc phục khuyết tật của cơ chế thị trường, tăng cường sự kiểm tra, kiểm soát của nhà nước đối với toàn bộ nền kinh tế - xã hội. Mặt khác, cần tích cực trong việc xóa bỏ tàn dư của cơ chế quan liêu bao cấp, tạo môi trường thông thoáng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và thiết lập một thị trường kinh doanh lành mạnh.

Ba là, nhà nước cần hoàn thiện các chính sách xã hội. Nhà nước là trung tâm

tổ chức thực hiện các chính sách xã hội, xóa đói giảm nghèo, các hoạt động từ thiện, trợ giúp các đối tượng có cuộc sống khó khăn, dùng chính sách phân phối lại (như thuế thu nhập) để rút ngắn khoảng cách giữa người giàu, người nghèo. Trong điều kiện hiện nay để hoàn thiện các chính sách xã hội cần tiếp tục làm tốt các công tác như tăng cường công tác xóa đói giảm nghèo, thực hiện chính sách điều tiết thu nhập, cải cách căn bản chính sách tiền lương, tiếp tục hoàn thiện hệ thống bảo hiểm xã hội… Cùng với việc hoàn thiện các chính sách đảm bảo bình đẳng xã hội, cần phải tăng cường công tác quản lý thị trường, lành mạnh hóa các quan hệ xã hội, đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu và các tệ nạn xã hội khác.

Thứ hai, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách để tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho thanh niên

Con người hiện thực là một thực thể thống nhất giữa mặt sinh học và mặt xã hội, thống nhất giữa cá nhân với cộng đồng. Trong cuộc sống của mỗi con người cụ thể luôn gắn với những công việc nhất định. Thông qua hoạt động lao động, sáng tạo những nhu cầu của con người được thỏa mãn và con người được sống, được cống hiến nhiều nhất cho người khác. Từ lao động, con người mới có thể tồn tại, hình thành và phát triển nhân cách, thể hiện được giá trị của mỗi cá nhân, khẳng định mình trong xã hội. Nhờ lao động con người mới thấy rõ ý nghĩa của cuộc đời, mới yêu mến cuộc sống, đồng thời tự rèn luyện cho mình những phẩm chất đạo đức trong quá trình lao động như cần cù, siêng năng, tiết kiệm, kiên trì, chịu khó, tự tin, năng động, sáng tạo, có tinh thần trách nhiệm,…

Thanh niên với sự dồi dào về sức lực, nhiều hoài bão và ước mơ, nhưng ước mơ chân chính và thiết thực nhất là việc làm. Trong điều kiện thiếu việc làm hoặc do không được sự tin tưởng giao việc làm, thanh niên dễ trở nên thụ động và không có ý thức rèn luyện đạo đức.

Khủng hoảng của kinh tế thế giới thời gian qua tác động mạnh đến việc làm và đời sống của người lao động. Số lượng thanh niên thất nghiệp ngày càng nhiều, tình trạng thiếu việc làm ngày càng tăng, mức thu nhập của số thanh niên có việc làm giảm đáng kể.

Sở dĩ hiện tượng thất nghiệp ngày càng nhiều là do tình trạng khủng hoảng kinh tế và các chính sách giải quyết việc làm của Nhà nước còn chưa hiệu quả, nhưng nguyên nhân chủ yếu là trình độ chuyên môn kỹ thuật còn yếu về chất lượng và thiếu về số lượng. Một bộ phận không nhỏ lao động đã qua đào tạo nhưng được sử dụng không đúng ngành nghề đào tạo hoặc phải đào tạo lại mới có thể làm việc được; thiếu nghiêm trọng lao động có trình độ kỹ thuật cao. Mặt khác, hầu hết người lao động ở Tuyên Quang hiện nay kỹ năng và kỷ luật lao động còn hạn chế, do đó nguy cơ mất sức cạnh tranh trên thị trường là rất lớn khi tham gia vào quá trình phân công lao động quốc tế. Để khắc phục những nguyên nhân trên, cần phải có hệ thống giải pháp.

Trước hết, nâng cao nhận thức về trách nhiệm của toàn xã hội đối với tạo việc làm cho thanh niên. Trách nhiệm này không chỉ thuộc về nhà nước mà còn là trách nhiệm của doanh nghiệp, xã hội và của chính bản thân người lao động.

Các bộ phận và ban ngành chức năng cần có chính sách hỗ trợ những thanh niên nghèo lập nghiệp, cơ chế bảo vệ quyền lợi chính đáng của thanh niên trong tìm kiếm việc làm và tham gia lao động để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Bên cạnh đó, việc xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cần gắn với giải quyết việc làm, trong đó có giải quyết việc làm cho thanh niên.

Đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho thanh niên theo hướng chuẩn hóa và hiện đại bằng cách phát triển mạnh hệ thống dạy nghề, xây dựng cơ chế chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp trở thành chủ thể quan trọng trong đào tạo nghề; kết hợp đào tạo nghề với giới thiệu việc làm và hướng nghiệp.

Đặc biệt, cần điều chỉnh chính sách tiền lương theo năng lực và sự cống hiến, khắc phục sự cào bằng để khuyến khích thanh niên nổ lực cống hiến sức trẻ làm việc với năng suất và chất lượng cao. Thực tế hiện nay, chính sách tiền lương bị ảnh hưởng bởi tư tưởng “sống lâu lên lão làng”, chủ yếu là dựa vào thâm niên nên nhiều thanh niên có năng lực, cống hiến nhiều nhưng thu nhập vẫn thấp. Đó là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến chảy máu chất xám, thui chột tài năng, kìm chế lòng nhiệt huyết, say mê sáng tạo của thanh niên. Và chính vì thu nhập thấp làm cho đời sống vật chất và tinh thần của thanh niên bị hạn chế, không có điều kiện để phát triển hoàn thiện nhân cách.

Thứ ba, tăng cường đầu tư và sử dụng có hiệu quả kinh phí cũng như cơ sở vật chất cần thiết cho quá trình xây dựng đạo đức của thanh niên.

Trước tiên, cần đầu tư kinh phí thỏa đáng cho việc nghiên cứu, xác định hệ chuẩn mực đạo đức, mẫu hình lý tưởng đạo đức khoa học, khách quan, phù hợp với điều kiện hiện nay. Đồng thời, đầu tư đào tạo giáo viên chuyên dạy môn đạo đức học; nâng lương cho giáo viên nói chung và giáo viên dạy đạo đức học nói riêng để giáo viên toàn tâm toàn ý vào công tác giảng dạy và chống tệ nạn trong nhà trường. Hơn nữa, cần kinh phí đầu tư cho việc đổi mới phương pháp giáo dục đạo đức như xây dựng hệ thống phim ảnh, bài hát, dụng cụ học tập,…phục vụ công tác giảng dạy; đầu tư cho các buổi học ngoài giờ, cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, xuất bản theo đặt hàng của ngành giáo dục, v.v…

Nhà nước cần có hệ thống chính sách phát triển hơn nữa môi trường văn hóa xã hội, và tạo điều kiện thuận lợi để thanh niên có thể tham gia các hoạt động văn hóa xã hội: Phát triển khu văn hóa, bảo tàng cách mạng, đền tưởng niệm, nhất là cần xây dựng nhiều nhà văn hóa thanh thiếu niên, những khu liên hợp thể thao cho thanh niên ở tất cả các vùng miền, khu vực trên cả nước, hoạt động thường xuyên và chi phí thấp để thu hút rộng rãi các tầng lớp thanh thiếu niên. Đó là nhu cầu cấp bách của thanh niên hiện nay để có cơ sở vật chất tổ chức các hoạt động giao lưu, vui chơi giải trí, du lịch, dã ngoại, về nguồn, và các hoạt động xã hội khác. Thu hút thanh niên vào những hoạt động lành mạnh này là cách tốt nhất để giúp thanh niên tránh xa những tụ điểm tệ nạn xã hội, đồng thời, tạo môi trường cho thanh niên tự nhận thức và rèn luyện những phẩm chất đạo đức tốt đẹp cho mình.

Đối với thanh niên công nhân, thu nhập thấp, không có điều kiện kinh tế thỏa mãn đời sống tinh thần, Đảng, Nhà nước và các tổ chức đoàn thể cần đầu tư kinh phí và thu hút sự tài trợ của các doanh nghiệp để khuyến khích tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, vui chơi giải trí cho họ tham gia.

Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước cần có chính sách ưu tiên về thuế, về quỹ đất để đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục theo hướng đa dạng các hình thức giáo dục. Không chỉ chú trọng mở trường dạy kiến thức mà khuyến khích mở các loại trường huấn luyện sức khỏe, rèn luyện ý chí cho thanh niên; trường quản lý, giữ trẻ vui chơi, giải trí lành mạnh. Trong điều kiện cha mẹ lo làm ăn kinh tế, không có nhiều thời gian chăm sóc, dạy bảo con thì đây chính là biện pháp hữu hiệu.

Một phần của tài liệu Luận văn: Sự tác động của kinh tế thị trường tới việc xây dựng đạo đức mới cho thanh niên ở thành phố Tuyên Quang hiện nay (Trang 74)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(95 trang)
w