các thể chế có liên quan chưa hoàn thiện
Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam mới được xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ XX, trên nền tảng kinh tế thấp kém, chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Sự chưa hoàn thiện của kinh tế thị trường thể hiện trước hết ở tình trạng thực tế kinh tế thị trường nước ta vẫn là thị trường sơ khai, còn nhiều yếu tố tự phát, chưa đồng bộ. Môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng, hạn chế độc quyền chưa được tạo lập một cách đầy đủ.
Tình trạng trên do nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do thể chế kinh tế thị trường - những luật lệ, quy tắc, bộ máy quản lý, cơ chế vận hành nhằm điều chỉnh kinh tế theo quy luật thị trường - còn nhiều bất cập. Cơ chế quản lí mới bước đầu đã hình thành
nhưng chưa đồng bộ, đang ở giai đoạn sơ khai, còn mang dấu ấn của một cơ chế cũ. Việc thể chế hóa các quan hệ kinh tế thành các văn bản pháp lý chưa kịp thời, đồng bộ, thậm chí có lúc đi ngược lại tư duy kinh tế làm cho năng lực sản xuất bị kìm hãm. Chính tình trạng chưa hoàn chỉnh của thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay là một trong những nguyên nhân của những hạn chế về đạo đức xã hội nói chung và đạo đức của thanh niên nói riêng bởi vì chưa có cơ sở kinh tế thì chưa thể hình thành phẩm chất đạo đức tương ứng.
Hơn nữa, yêu cầu thiết yếu của nền kinh tế thị trường là hệ thống pháp luật chặt chẽ và mọi vấn đề đều căn cứ theo luật. Nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung, quan liêu và bao cấp bước đầu sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn nhiều bất cập về thể chế và pháp luật, gây nên tình trạng lừa đảo, chụp giật, tham nhũng, hối lộ, buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất - buôn bán hàng giả, trốn thuế, chiếm đoạt thuế giá trị gia tăng… Chính sự giàu có từ những việc làm phi pháp mà không bị trừng trị thích đáng đã tạo điều kiện cho lối sống sa đọa, buông thả, đi ngược lại truyền thống dân tộc.
Để phát triển kinh tế thị trường không chỉ cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng nhà nước pháp quyền mà còn phải hoàn thiện các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức xã hội. Các tổ chức này tạo điều kiện phát huy vai trò dân chủ trong quá trình phát triển kinh tế, đảm bảo cho sự cạnh tranh công bằng, bình đẳng, cùng với nhà nước điều tiết nền kinh tế theo hướng có lợi cho xã hội. Các tổ chức này ở nước ta đã, đang hình thành ngày càng thích ứng với nền kinh tế thị trường của đất nước, có xu hướng ngày càng phát triển và hoạt động ngày càng có hiệu quả nhưng chủ yếu cùng với nhà nước giải quyết các vấn đề dân sinh, từ thiện nhằm hướng tới xóa đói giảm nghèo, phát triển nghề nghiệp và nâng cao đời sống tinh thần cho người dân nhưng lại ít hướng tới các vấn đề pháp lý, thể chế để tham gia vào việc giáo dục thanh niên trong điều kiện mới.