Tổ chức hướng dẫn học sinh giải quyết vấn đề

Một phần của tài liệu vận dụng sáng tạo, linh hoạt một số phương pháp nhằm nâng cao hiệu quả bài học khi dạy học phần lịch sử việt nam từ năm 1930 đến năm 1954, lớp 12 thpt (Trang 41)

5. Cấu trúc khóa luận

2.2.2.3.Tổ chức hướng dẫn học sinh giải quyết vấn đề

Giáo viên cần kết hợp khéo léo việc tổ chức hoạt động nhận thức của học sinh với những kiến thức khoa học, phong phú, tạo điều kiện gợi mở, cung cấp tài liệu… nhằm giúp học sinh tự giác, tích cực giải quyết các vấn đề từng bước, từng phần. Giáo viên từ vai trò người truyền đạt kiến thức có sẵn thành người hướng dẫn, tổ chức, điều chỉnh con đường cho học sinh tìm đến tri thức mới bằng việc giải quyết các tình huống có vấn đề. Sau khi đặt vấn đề, nếu thấy học sinh gặp khó khăn, giáo viên phải biết cách chia nhỏ vấn đề, tổ chức cho học

sinh thảo luận, tranh luận với nhau để bổ sung, khẳng định kết quả nhận thức. Sau đó thầy đưa ra kết luận đúng nhất làm cơ sở cho học sinh tự hoàn thiện những điều mà các em vừa nhận thức.

Ví dụ: Khi dạy về chiến dịch Biên giới thu – đông năm 1950, giáo viên nêu câu hỏi: “Tại sao chúng ta chủ động mở chiến dịch Biên giới thu – đông 1950?”, giáo viên yêu cầu học sinh đọc SGK, suy nghĩ rồi trả lời. Nếu học sinh thấy khó khăn trước câu trả lời, giáo viên gợi ý học sinh xem tình hình trong nước và thế giới lúc đó ra sao? Đảng và Chính phủ ta đã giải quyết vấn đề đó như thế nào?

Sau khi học sinh trả lời, giáo viên nhận xét và đi đến kết luận. Tình hình thế giới:

+ Cách mạng Trung Quốc thành công trong khi đó cách mạng Việt Nam nối liền với đại hậu phương là các nước Xã hội Chủ nghĩa

+ Liên Xô, Trung Quốc các nước Xã hội Chủ nghĩa đã công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với ta.

Ở trong nước:

+ Lực lượng cách mạng đã lớn mạnh

+ Mĩ can thiệp trực tiếp vào chiến tranh Đông Dương

+ Pháp – Mĩ thiết lập hệ thống phòng thủ đường số 4 và “Hành lang Đông – Tây” để cô lập, tiêu diệt Việt Bắc.

Để thoát khỏi mưu đồ nhan hiểm của địch, Đảng và Chính phủ ta quyết định mở chiến dịch Biên giới thu – đông tháng 6/1950, nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch khai thông đường sang Trung Quốc và thế giới, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc, tạo đà thúc đẩy cuộc kháng chiến tiến lên.

Giúp học sinh hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của chiến dịch Biên giới, giáo viên cho các em xem đoạn phim tư liệu Chủ tịch Hồ Chí Minh họp với Ban thường vụ Trung ương Đảng mở chiến dịch Biên giới thu – đông năm 1950, đồng thời hướng dẫn học sinh quan sát Hình 49: Bác Hồ thăm một đơn vị tham

gia chiến dịch Biên giới để các em thấy được tầm quan trọng của chiến dịch, cũng như quyết tâm giành thắng lợi của ta.

Tiếp đó giáo viên nêu diễn biến, kết quả và ý nghĩa chiến dịch thông qua câu hỏi: “Chiến dịch Biên giới diễn ra như thế nào. Vì sao ta lại chọn Đông Khê làm nơi tấn công đầu tiên? Chiến dịch này có ý nghĩa như thế nào đối với cuộc kháng chiến chống Pháp.”

Để học sinh tiếp thu kiến thức nhanh hơn giáo viên tiến hành tường thuật diễn biến trên bản đồ chiến dịch Biên giới, cần nêu tầm quan trọng của vị trí Đông Khê qua câu hỏi: “Em có nhận xét gì về vị trí Đông Khê?”

Học sinh theo dõi bản đồ, ghi nhớ các địa danh, kí hiệu, trả lời câu hỏi. Giáo viên nhận xét, bổ xung về tầm quan trọng của Đông Khê. Thực hiện kế hoạch “đánh điểm diệt viện”, ta đã chọn Đông Khê là một cứ điểm then chốt trong tuyến phòng thủ của địch trên đường số 4 về phía Đông Bắc, nơi tập trung 14 tiểu đoàn lính Âu – Phi tinh nhuệ, gần 30 khẩu pháo và 8 máy bay. Nếu ta chiếm được Đông Khê trước thì quân địch còn lại trên đường số 4 ở các cứ điểm khác như: Thất Khê, Na Sầm, Đình Lập sẽ vô cùng hoang mang, quân ở Cao Bằng sẽ bị cô lập, chúng phải nhờ các cánh quân khác lên giải vây, khi đó quân ta dễ dàng phục kích, chặn đánh chúng.

Học sinh theo dõi, ghi tóm tắt diễn biến. Kết quả, ý nghĩa của chiến dịch giáo viên trình bày theo sách giáo khoa.

Lưu ý rằng, giáo viên phải tôn trọng nhân cách, ý kiến của các em. Trong giai đoạn đầu, nhận thức của các em có thể chưa chính xác, đầy đủ cho nên ý kiến của các em có thể sai, vì thế giáo viên không được phủ nhận ngay mà phải giúp học sinh tìm thấy chỗ sai. Trong mọi ý kiến của các em khi giải quyết vấn đề, giáo viên cần cố gắng tìm ra phần nào hợp lí để nâng cao lòng tự tin của học sinh về khả năng của mình, khuyến khích sự nỗ lực vươn lên tìm ra câu trả lời đúng nhất.

Cuối cùng là tổ chức kiểm tra hoạt động nhận thức của học sinh và ra bài tập về nhà nhằm tìm hiểu mức độ lĩnh hội tài liệu nghiên cứu, thái độ hiểu biết và kết quả hoạt động nhận thức của học sinh qua bài học. Giáo viên có thể kiểm

tra bằng cách gợi lại những vấn đề đã đặt ra đầu giờ học để học sinh hệ thống lại, rút ra kết luận cuối cùng trong những vấn đề nêu trên, giáo viên làm nhiệm vụ kết luận cuối cùng này. Thời gian dành cho việc này khoảng 5 đến 10 phút cuối giờ học. Ngoài ra để tiếp tục hoàn thiện kiến thức, giáo viên có thể ra bài tập về nhà để học sinh tìm hiểu ở cuối bài để chuẩn bị cho tiết, bài, nội dung ngày hôm sau.

Việc tạo tình huống có vấn đề và hướng dẫn học sinh giải quyết các vấn đề trong dạy học lịch sử, không chỉ giúp các em chủ động nắm kiến thức một cách thông minh, sáng tạo mà còn là hình thức khoa học có ý nghĩa sư phạm lớn, vì qua đó học sinh sẽ năng động, mạnh dạn hơn, dần dần tự nâng mình lên trong nhận thức và sáng tạo. Nếu thực hiện tốt các biện pháp này trong dạy học lịch sử ở trường phổ thông sẽ là khâu đột phá căn bản trong việc thực hiện quan điểm đổi mới dạy học “lấy học sinh làm trung tâm” và là xu hướng đầu tư chiều sâu có hiệu quả cho yêu cầu đổi mới công nghệ dạy học.

Các biện pháp và hình thức tổ chức để thực hiện việc dạy và học tích cực môn lịch sử rất đa dạng. Mỗi địa phương, mỗi nhà trường, mỗi lớp học, mỗi giáo viên đều có điểm riêng biệt. Do đó trong dạy và học lịch sử, không thể cứng nhắc thực hiện theo một phương án sư phạm đúc sẵn. Hơn ai hết, người giáo viên trực tiếp giảng dạy mới hiểu rõ nhất những đặc điểm cụ thể, mới lựa chọn được một phương án sư phạm thích hợp nhất, đạt hiệu quả cao nhất cho sự phát triển nhân cách học sinh.

Như vậy, trong việc triển khai giảng dạy môn Lịch sử nói chung, phần lịch sử Việt Nam từ năm 1930 đến năm 1954, lớp 12, THPT nói riêng, sử dụng nguyên tắc dạy học nêu vấn đề có ý nghĩa quan trọng, ảnh hưởng đến việc nâng cao hiệu quả bài học lịch sử. Đối với học sinh, các em chủ động nắm kiến thức một cách thông minh, sáng tạo đẩy lùi phương pháp học thụ động đọc – chép. Đối với giáo viên, nâng cao tri thức, rèn luyện kĩ năng sư phạm, điều chỉnh phương pháp giảng dạy phù hợp từ đó đi đến nâng cao hiệu quả bài học.

Một phần của tài liệu vận dụng sáng tạo, linh hoạt một số phương pháp nhằm nâng cao hiệu quả bài học khi dạy học phần lịch sử việt nam từ năm 1930 đến năm 1954, lớp 12 thpt (Trang 41)