* Đơn giá BT đất nông nghiệp theo quy định được căn cứ theo khung giá đất nông nghiệp được UBND Thành phố công bố hàng năm. Tuy nhiên từ năm 2008 đến nay giá BT đất nông nghiệp vẫn ở mức là 252.000 đồng/m2. Điều này đã tạo thuận lợi cho việc lên phương án BT, HT vì không phải điều chỉnh phương án do đơn giá được ổn định bởi thực tế có nhiều dự án GPMB bị vắt qua hơn 1 năm, nếu đơn giá BT có sự biến động sẽ phải điều chỉnh bổ sung phương án để đảm bảo quyền lợi cho những người bị thu hồi đất như vậy sẽ gây chậm trễ
cho công tác BT GPMB.
Tuy nhiên về phía người dân bị thu hồi đất lại không đồng ý với việc đơn giá BT đất nông nghiệp hiện nay. Họ cho rằng đơn giá này không tăng qua mấy năm liền không phản ánh được sự trượt giá và lạm phát của nền kinh tế cho nên quá thấp so với mức sống hiện nay.
* Đối với những thửa đất nông nghiệp, vườn, ao nằm trong cùng một thửa đất có nhà ở của hộ gia đình cá nhân thì được hỗ trợ như sau:
- Bằng 70% giá đất ở đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ở trước ngày 15/10/1993 và có một trong các điều kiện được bồi thường theo giá đất ở;
- Bằng 40% giá đất ở đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ở không có giấy tờ từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày 01/7/2004 và có một trong các điều kiện được bồi thường theo giá đất ở.
Diện tích hỗ trợ tính theo diện tích thực tế bị thu hồi nhưng tối đa không quá 05 lần hạn mức giao đất ở mới
* Vì Tây Hồ có địa giới hành chính cấp quận nên việc thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân tại các phường thuộc quận ngoài việc được bồi thường theo giá đất nông nghiệp cùng mục đích sử dụng quy định tại bảng giá đất do UBND Thành phố ban hành hàng năm còn được hỗ trợ bằng 30% giá đất ở trung bình của khu vực; diện tích được hỗ trợ theo diện tích đất thực tế bị thu hồi nhưng không quá 05 lần hạn mức giao đất ở mới
Giá đất ở trung bình của khu vực được xác định theo địa bàn xã, phường, thị trấn và bằng trung bình cộng của giá đất quy định đối với các vị trí 3 của các đường hoặc đường phố có tên trong xã, phường, thị trấn tại bảng giá đất do UBND Thành phố ban hành hàng năm. Trường hợp trên địa bàn xã, phường, thị trấn không có đường, đường phố có tên trong bảng giá đất do UBND Thành phố ban hành hàng năm thì xác định theo giá đất ở của thửa đất liền kề.
Ví dụ đối với dự án xây dựng đường Vành đai II, UBND quận Tây Hồ có Quyết định số 03/QĐ-UBND ngày 4/1/2010 phê duyệt giá đất ở trung bình của khu vực phường Xuân La năm 2010 là 11.955.000đ/m2. Do vậy trong phương án BT, HT và TĐC của dự án xây dựng đường vành đai II người bị thu hồi đất nông nghiệp còn được hỗ trợ thêm 30% x 11.955.000đ x diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi không quá 5 lần hạn mức giao đất ở mới.
Đặc biệt tại dự án cầu Nhật Tân, nhằm đẩy nhanh công tác BT GPMB Thành phố cũng tạo điều kiện đền bù, hỗ trợ ở mức tối đa; riêng đất nông nghiệp, ngoài mức bồi thường theo giá đất nông nghiệp còn được hỗ trợ bằng 30% giá đất ở theo mức trung bình của vị trí 2 trên địa bàn phường chứ không phải vị trí 3 như các dự án khác.
* Đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân thuê, nhận đấu thầu sử dụng đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của phường khi Nhà nước thu hồi thì không được bồi thường về đất, chỉ được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại (nếu có) hoặc được hỗ trợ 10% giá đất nông nghiệp được công bố hàng năm (tức = 252.000đ/m2 x 10%= 25.200đ/m2)
Nhiều dự án BT GPMB trên địa bàn quận gặp phải sự phản ứng của một số hộ gia đình đang canh tác trên phần đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của phường về mức hỗ trợ khi bị Nhà nước thu hồi đất. Thực tế họ không được bồi thường về đất mà chỉ được hỗ trợ với mức 25.200đ/m2 thấp hơn nhiều so với những hộ gia đình đang sử dụng đất nông nghiệp giao theo Nghị định 64/CP (được bồi thường về đất 252.000đ/m2 và được hỗ trợ thêm 30% x giá đất ở trung bình trên địa bàn phường/m2). Điều này dẫn đến việc các hộ gia đình sử dụng đất nông nghiệp công ích khiếu kiện đòi được BT, HT giống như những người sử dụng đất nông nghiệp Nghị định 64 vì họ cho rằng mình canh tác lâu dài và nộp sản lượng hàng năm giống như người được giao đất Nghị định 64 nên phải
được hưởng quyền lợi giống như vậy khi bị thu hồi đất.
* Đối với trường hợp hộ gia đình cá nhân tự chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp được giao sử dụng lâu dài sang làm nhà ở trước ngày 01/7/2004 nhưng không có văn bản xử lý ngăn chặn của cấp có thẩm quyền, được UBND cấp xã xác nhận, hiện đang có nhà ở ổn định thường xuyên, không tranh chấp thì ngoài việc được bồi thường theo giá đất nông nghiệp, còn được hỗ trợ 70% giá đất ở đối với phần diện tích nằm trong hạn mức giao đất ở mới đối với trường hợp tự chuyển đổi trước 15/10/1993, hỗ trợ bằng 40% giá đất ở đối với phần diện tích nằm trong hạn mức giao đất ở đối với trường hợp tự chuyển đổi từ 15/10/1993 đến ngày 01/7/2004 (hạn mức tính trên toàn bộ diện tích thực tế đang sử dụng của một chủ sử dụng đất)
Thực tế trên địa bàn quận Tây Hồ số hộ gia đình cá nhân tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp được giao sang làm nhà ở từ trước ngày 01/7/2004 là khá lớn. Do hiệu quả canh tác nông nghiệp không cao và nhu cầu ăn ở tăng nên người dân tự ý chuyển đổi xây dựng các căn nhà cấp 4 nhưng không bị chính quyền xử lý dỡ bỏ. Những đối tượng này khi bị Nhà nước thu hồi đất chỉ được bồi thường theo giá đất nông nghiệp và bồi thường phần tài sản nhà trên đất chứ không được hỗ trợ thêm 70% hay 40% giá đất ở như theo quy định ở trên. Nguyên nhân là do UBND phường không xác nhận cho những trường hợp này đã tự ý chuyển đổi xây dựng nhà trước 01/7/2004 và không có văn bản ngăn chặn xử lý của cấp có thẩm quyền. Bởi nếu xác nhận những vấn đề này chứng tỏ chính quyền đã có lỗi trong việc thực thi nhiệm vụ, để cho công trình xây dựng không phép trên đất nông nghiệp tồn tại không xử lý. Do đó vì e ngại trách nhiệm, UBND phường không xác nhận và những hộ gia đình này bị mất đi một khoản hỗ trợ rất lớn đáng lẽ họ được nhận khi Nhà nước thu hồi đất và bản thân họ cũng không biết rằng mình bị mất quyền lợi.