- Trực tiếp làm chủ dự án (ngân hàng bán buôn), quản lý và cho vay tiếp toàn
2.2.3. Phân tích thực trạng quy trình thẩm định dự án thủy điện nhỏ tại ngân hàng
Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã tổ chức lại bộ máy hoạt động theo mô hình TA2 từ cuối năm 2008. Theo đó tại các chi nhánh của ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, cấp tín dụng cho khách hàng sẽ qua các bộ phận quan hệ khách hàng lập đề xuất thẩm định, bộ phận quản lý rủi ro đánh giá rủi ro khoản vay. Bộ phận
quản trị tín dụng căn cứ vào quyết định cấp tín dụng lập tờ trình giải ngân, nhập máy, và lưu trữ hồ sơ tín dụng. Công tác tổ chức thẩm định dự án cũng là một nội dung trong quá trình cấp tín dụng cho khách hàng, nên có cùng bộ phận thực hiện.
Cấp tín dụng được chia ra hai trường hợp, cấp tín dụng phải qua thẩm định rủi ro và cấp tín dụng không phải qua thẩm định rủi ro. Tuy nhiên, cấp tín dụng tài trợ dự án là cấp tín dụng phải qua thẩm định rủi ro và tuân theo quy trình cấp tín dụng như sau:
Bước 1: Tiếp nhận hồ sơ tín dụng của dự án gồm giấy đề nghị cấp tín dụng, hồ sơ pháp lý; hồ sơ về tình hình tài chính; hồ sơ về dự án, phương án tín dụng; hồ sơ đảm bảo tiền vay/nghĩa vụ bảo lãnh của khách hàng. Bộ phận quan hệ khách hàng tiếp nhận và hướng dẫn khách hàng hoàn thiện hồ sơ cũng như có trách nhiệm chăm sóc, giải thích quy chế, điều kiện tín dụng và yêu cầu khách hàng hoàn thiện hồ sơ vay vốn.
Bước 2: Sau khi tiếp nhận hồ sơ cán bộ quan hệ khách hàng thực hiện phân tích đánh giá và lập báo cáo đề xuất tín dụng gồm những nội dung về đánh giá chung về khách hàng, về tình hình tài chính của khách hàng, chẩm điểm tín dụng khách hàng, phân tích đánh giá về DAĐT, khả năng trả nợ của khách hàng, đánh giá về tài sản đảm bảo, đánh giá toàn diện rủi ro và các biện pháp phòng ngừa rủi ro bao gồm rủi ro khách quan, rủi ro xuất phát từ chủ quan của khách hàng, rủi ro xuất phát từ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, các biện pháp phòng ngừa rủi ro của khách hàng và ngân hàng. Bộ phận quan hệ khách hàng tiến hành thẩm định dự án, khi thấy dự án có hiệu quả và dự án này là vấn đề thiết yếu tạo lợi thế cạnh tranh, sự phát triển cho doanh nghiệp đồng thời doanh nghiệp có khả năng trả nợ thì bộ phận quan hệ khách hàng lập báo cáo đề xuất tín dụng với sự kiểm soát của trưởng bộ phận quan hệ khách hàng, sau đó trình Phó giám đốc quan hệ khách hàng phê duyệt. Sau khi báo cáo đề xuất tín dụng được phê duyệt, cán bộ quan hệ khách hàng chuyển toàn bộ hồ sơ tín dụng cho phòng Quản lý rủi ro để tiến hành thẩm định rủi ro.
Bước 3: Bộ quản lý rủi ro sau khi tiếp nhận hồ sơ tín dụng và đề xuất tín dụng từ bộ phận quan hệ khách hàng tiến hành thẩm định rủi ro và lập báo cáo thẩm định rủi ro. Trong đó một nội dung quan trọng là thẩm định lại tài chính dự án và đưa ra các cảnh báo rủi ro khi thực hiện tài trợ dự án.
Bước 4: Báo cáo thẩm định rủi ro được trưởng phòng quản lý rủi ro kiểm soát và trình Phó giám đốc phụ trách quản lý rủi ro phê duyệt.
Nếu dự án có giá trị vay vốn thuộc thẩm quyền phê duyệt của Phó giám đốc quản lý rủi ro thì dự án được cấp tín dụng khi có sự phê duyệt của Phó giám đốc quản lỷ rủi ro trên báo cáo thẩm định rủi ro của phòng quản lý rủi ro.
Nếu dự án có giá trị vay vốn vượt mức thẩm quyền phán quyết tín dụng của Phó giám đốc quản lý rủi ro và thuộc mức phán quyết của Giám đốc, thì dự án được cấp tín dụng khi có sự phê duyệt của Giám đốc trên báo cáo thẩm định rủi ro của phòng quản lý rủi ro.
Nếu dự án có mức đề nghị vay vốn vượt thẩm quyền của Giám đốc nhưng nằm trong mức thẩm quyền phán quyết tín dụng của Sở Giao dịch III - Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, thì Phòng quản lý rủi ro là đầu mối tập hợp hồ sơ và trình lên Hội đồng tín dụng chi nhánh. Hội đồng tín dụng chi nhánh tiến hành họp và dự án được cấp tín dụng khi có sự đồng ý cấp tín dụng trên biên bản họp Hội đồng tín dụng chi nhánh.
Nếu mức đề nghị vay vốn vượt thẩm quyền phán quyết tín dụng của Sở Giao dịch III - Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam thì Phòng quản lý rủi ro là đầu mối tập hợp hồ sơ và trình lên Ban quản lý rủi ro tín dụng của Hội sở chính Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam. Tại đây Ban Quản lý rủi ro tín dụng sẽ tiến hành thẩm định lại dự án và tùy theo mức thẩm quyền phán quyết tín dụng mà trình Giám đốc Ban, Phó Tổng Giám đốc, Tổng Giám đốc hay Hội đồng tín dụng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam phê duyệt.
Bước 5: Sau khi dự án được phê duyệt cấp tín dụng, hồ sơ tín dụng được chuyển cho phòng Quản trị tín dụng thực hiện giải ngân và lưu trữ hồ sơ.
Sơ đồ 2.1. Sơ đồ quy trình thẩm định dự án
Bước 1: Tiếp nhận hồ sơ dự án
Bước 2: Bộ phận
Quan hệ khách hàng
- Thẩm định dự án
- Lập báo cáo đề xuất tín dụng
- Nếu dự án không hiệu quả, không đồng ý cho vay thì thông báo từ chối cho vay
gửi khách hàng
- Nếu đồng ý cho vay dự án, chuyển bước 3
Bước 3: Bộ phận Quản lý rủi ro
- Thẩm định lại dự án
- Lập báo cáo thẩm định rủi ro
Bước 4: Thông qua báo cáo thẩm định rủi ro và chuyển cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án
Bước 5: Hoàn tất công việc thẩm định
Thời gian thẩm định dự án được tính từ ngày Sở Giao dịch III - Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam nhận đủ hồ sơ dự án theo quy định đến thời điểm có văn bản thông báo kết quả thẩm định, thời gian thẩm định dự án được chia theo thẩm quyền phê duyệt tín dụng của các cấp:
Tại Sở Giao dịch III - Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam:
- Phó giám đốc phụ trách quan hệ khách hàng: Tối đa không quá 10 ngày làm việc
- Giám đốc/Phó giám đốc phụ trách rủi ro tín dụng: Tối đa không quá 20 ngày làm việc
- Hội đồng tín dụng chi nhánh: Tối đa không quá 22 ngày làm việc Tại hội sở chính
- Tổng giám đốc/Phó tổng giám đốc phê duyệt rủi ro: Tối đa không quá 25 ngày làm việc
- Các Hội đồng: Tối đa không quá 27 ngày làm việc
Nhận xét về quy trình thẩm định dự án của Sở Giao dịch III - Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam
Tính hợp lý: Quy trình thẩm định được đưa ra nhằm đảm bảo công tác thẩm định diễn ra thống nhất, khoa học, tạo cơ chế giám sát hiệu quả, hạn chế, phòng ngừa rủi ro, xác định công việc của từng khâu, từng bước trong quá trình thẩm định.
Tính bất hợp lý: Quy trình thẩm định dự án phải qua hai bộ phận thẩm định là bộ phận quan hệ khách hàng và bộ phận quản lý rủi ro vì vậy mất nhiều thời gian thẩm định. Mặt khác khi quy định như vậy thì cán bộ quan hệ khách hàng tiếp xúc trực tiếp với khách hàng và là đầu mối yêu cầu khách hàng bổ sung hồ sơ, yêu cầu giải trình những vấn đề còn vướng mắc của dự án, còn bộ phận quản lý rủi ro chỉ thẩm định trên những tài liệu dự án cung cấp. Chính điều này đã gây khó khăn không nhỏ cho cán bộ quản lý rủi ro khi tiến hành thẩm định dự án, cán bộ quản lý rủi ro không nắm bắt được các thông tin thực tế của khách hàng cũng như của dự án, không có được các thông tin một cách kịp thời nhất, toàn diện do đó không hiểu sâu về dự án… Việc thực hiện thẩm định song song ở cả hai bộ phận quan hệ khách hàng và quản lý rủi ro khiến cho có sự ỷ lại trong quá trình thẩm định, bộ phận này lại cho rằng bộ phận kia sẽ thẩm định dự án cẩn trọng. Ngoài ra, việc thực hiện theo quy trình trên cũng gây ách tắc chẳng hạn trong quá trình thẩm định chỉ cần ở một khâu xử lý chậm nào đó ví dụ các lãnh đạo đi công tác không thể duyệt trên báo cáo của bộ phận mình quản lý là công tác thẩm định bị dừng lại và mất nhiều thời gian.