Những hạn chế và nguyên nhân

Một phần của tài liệu hoàn thiện tổ chức công tác hạch toán kế toán trong các đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc kho bạc nhà nước (Trang 63 - 70)

KHO BẠC NHÀ NƯỚC

2.4.2.Những hạn chế và nguyên nhân

* Tổ chức chứng từ kế toán

Các đơn vị sự nghiệp có thu thuộc Kho bạc Nhà nước vận dụng hệ thống chứng từ kế toán bắt buộc và hướng dẫn theo quy định của Bộ Tài chính. Đó là quy định chung cho tất cả các đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc Bộ Tài chính trên toàn quốc. Phạm vi hoạt động của đơn vị sự nghiệp vó thu thuộc Kho bạc Nhà nước là giáo dục, đào tạo; văn hoá thông tin. Mỗi loại hình có đặc điểm riêng biệt. Trong tổ chức chứng từ kế toán đã có một số mẫu chứng từ đặc thù nhưng chưa đủ so với các nghiệp vụ đặc thù chuyên dùng của đơn vị.

Các đơn vị sự nghiệp có thu thuộc Kho bạc Nhà nước chưa mở sổ đăng ký mẫu chữ ký của thủ quỹ, thủ kho, các nhân viên kế toán, kế toán trưởng, thủ trưởng đơn vị theo quy định của Luật Kế toán.

* Hệ thống tài khoản kế toán

Theo cơ chế hiện nay các đơn vị sự nghiệp có thu chủ yếu thực hiện chức năng quản lý nhà nước, hoạt động sự nghiệp, kinh doanh thêm một phần để giảm bớt gánh nặng ngân sách nhà nước. Điều đó phù hợp hơn với các đơn

vị sự nghiệp được một phần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên nghiên cứu hệ thống tài khoản áp dụng cho các đơn vị sự nghiệp có thu cho thấy một số vấn đề sau:

- Hạch toán tài sản cố định: theo chế độ kế toán hành chính sự nghiệp, tách bạch giữa tài sản cố định do nhà nước cấp và tài sản cố định được hình thành từ nguồn vốn tự có từ hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị. Nguồn hình thành tài sản cố định do nhà nước cấp được hạch toán qua tài khoản 461- Nguồn kinh phí hoạt động và tài khoản 466 – Nguồn kinh phí hình thành tài sản cố định. Khi tính giá trị hao mòn định kỳ không phản ánh vào tài khoản chi phí mà tiếp tục phản ánh qua nguồn kinh phí hoạt động. Như vậy so với chế độ kế toán doanh nghiệp, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị sự nghiệp có thu chưa được phản ánh hết.

- Tài sản cố định vô hình bao gồm giá trị quyền sử dụng đất, tuy nhiên phần lớn các quyết định giao đất của Bộ Tài chính cho các đơn vị sự nghiệp có thu chỉ là quyết định bàn giao tài sản nội bộ, còn để được tính là tài sản ghi vào giá trị quyền sử dụng đất thuộc tài sản vô hình phải được sự đồng ý của UBND tỉnh, thành phố. Hiện nay trên hệ thống kế toán của các đơn vị hành chính sự nghiệp có thu thuộc KBNN không có mục này.

Mặc dù tách bạch giữa tài sản hình thành từ vốn nhà nước và từ kết quả hoạt động sự nghiệp, sản xuất kinh doanh nhưng khi xác định giá trị phần vốn nhà nước tại các đơn vị thì số dư trên tài khoản 461, 466, 411 được tính vào giá trị phần vốn nhà nước tại đơn vị.

- Mặc dù theo cơ chế của Bộ Tài chính, các đơn vị sự nghiệp có thu được quyền huy động vốn, vay vốn tín dụng, hoạt động liên doanh liên kết nhưng với hệ thống tài khoản là sự kết hợp giữa hệ thống tài khoản doanh nghiệp và hệ thống tài khoản nhà nước sẽ rất khó trong việc lập báo cáo tài chính, phản ánh đúng, trung thực, hợp lý kết quả hoạt động sự nghiệp, sản

xuất kinh doanh của đơn vị để làm các thủ tục liên doanh, liên kết, huy động vốn đầu tư.

- Cách hạch toán với các nghiệp vụ liên quan đến tỷ gía hối đoái hiện nay còn nhiều bất cập. Khi các đơn vị mua nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ, TSCĐ… bằng ngoại tệ nhưng trên hoá đơn được người bán quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế hoặc tỷ giá bình quân liên ngân hàng tại thời điểm nghiệp vụ phát sinh khác với tỷ giá do Bộ Tài chính công bố hàng tháng. Cách hạch toán này làm cho số tiền trên hoá đơn mua nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ, TSCĐ được quy đổi theo tỷ giá thực tế sẽ khác với số tiền ghi sổ kế toán quy đổi theo tỷ giá do Bộ Tài chính công bố.

* Hệ thống sổ sách kế toán

Hệ thống sổ kế toán theo quy định tại Quyết định số 19/2006/QĐ-BTC ngày 30/3/2006 và Quyết định 2345/QĐ ngày 11/7/2007 của Bộ Tài chính quy định khi Báo cáo quyết toán năm được duyệt hoặc khi công việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán kết thúc và có kết luận chính thức nếu có quyết định sửa chữa lại số liệu trên báo cáo tài chính có liên quan đến số liệu đã ghi sổ kế toán thì đơn vị phải sửa lại sổ kế toán và số dư của những tài khoản kế toán có liên quan theo phương pháp quy định. Việc sửa chữa được thực hiện trực tiếp trên sổ kế toán của năm đã phát hiện sai sót, đồng thời phải ghi chú vào trang cuối (dòng cuối) của sổ kế toán năm trước có sai sót để tiện đối chiếu, kiểm tra. Thực tế đơn vị cấp trên chỉ thực hiện quyết toán nguồn vốn ngân sách nhà nước, chưa đi sâu kiểm tra cách hạch toán tại đơn vị. Do vậy đơn vị áp dụng chưa đúng, áp dụng thiếu theo quy định nhưng vẫn chưa được phát hiện, sửa chữa kịp thời.

* Hệ thống báo cáo kế toán

Hệ thống báo cáo kế toán tại các đơn vị sự nghiệp có thu bao gồm báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách. Dưới đây là một số hạn chế của báo cáo tài chính lập tại các đơn vị này.

Theo quy định chế độ kế toán hành chính sự nghiệp, bảng cân đối tài khoản là một loại báo cáo tài chính tổng hợp. Tuy nhiên so sánh với Chuẩn mực kế toán số 21 của Việt Nam, chuẩn mực kế toán công quốc tế, bảng cân đối tài khoản chỉ là bảng tổng hợp nội bộ, được lập khi có yêu cầu nội bộ, cơ quan quản lý. Nhìn vào bảng cân đối tài khoản chỉ thấy được số dư đầu kỳ, số phát sinh và số dư cuối kỳ của các đầu tài khoản, chưa thấy được mức độ biến động của tài sản, nguồn vốn, cơ cấu phân loại tài sản, nguồn vốn... Do vậy bảng này thực chất là báo cáo quản trị phục vụ công tác nghiệp vụ là chủ yếu.

Báo cáo thu chi hoạt động sự nghiệp và hoạt động sản xuất kinh doanh là báo cáo tài chính phản ánh tình hình thu, chi hoạt động sự nghiệp tại đơn vị. Báo cáo này so với báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh theo chế độ kế toán doanh nghiệp có một số điểm khác biệt sau:

+ Chưa phân biệt nguồn thu từ các hoạt động sự nghiệp, sản xuất kinh doanh; hoạt động thu thường xuyên và thu bất thường, không tách bạch các nghiệp vụ ghi giảm nguồn thu; chưa chi tiết cơ cấu chi hoạt động trong kỳ; chi thường xuyên và chi bất thường... Như tại Trường Nghiệp vụ Kho bạc, Dịch vụ đào tạo, cho thuê cơ sở vật chất; tại Tạp chí là dịch vụ quảng cáo, phát hành, hỗ trợ ... Quan hệ giữa cân đối thu - chi và kết quả tài chính chỉ được thực hiện trên tổng số, không thể hiện trên từng hoạt động cụ thể. Do vậy nhìn vào báo cáo thu chi này các nhà quản lý chưa thấy cơ cấu thu nhập của đơn vị, không thấy được khả năng tạo lãi của từng hoạt động để từ đó đánh giá hiệu quả của từng hoạt động của đơn vị.

+ Các đơn vị sự nghiệp có thu thường phân phối, sử dụng chênh lệch thu lớn hơn chi trong kỳ ngay khi kết thúc năm tài chính theo quy định của Bộ Tài chính. Với báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của theo chế độ doanh nghiệp, lợi nhuận sau thuế sẽ được phân phối, sử dụng sau khi có quyết định của người đứng đầu doanh nghiệp...

Các đơn vị sự nghiệp có thu không bắt buộc phải lập bảng cân đối kế toán do vậy trong quy định cuả Bộ Tài chính không quy định biểu mẫu bắt buộc đối với loại báo cáo này. Tuy nhiên nếu thiếu bảng cân đối kế toán, nhà quản lý không thể xem xét quan hệ cân đối của từng bộ phận vốn và nguồn vốn cũng như các mối quan hệ khác và thông qua nghiên cứu các mối quan hệ đó giúp cho người quản lý thấy rõ tình hình huy động nguồn vốn chủ sở hữu và nguồn vay nợ để mua sắm từng loại tài sản hoặc quan hệ giữa công nợ và khả năng thanh toán... Từ đó có phương hướng và biện pháp kịp thời đảm bảo mối quan hệ cân đối cho hoạt động tài chính thực sự trở nên có hiệu quả, tiết kiệm và có lợi.

Thuyết minh báo cáo tài chính trong các đơn vị hành chính sự nghiệp có thu chưa phù hợp với chuẩn mực kế toán Việt Nam. Báo cáo này chỉ là báo cáo về lao động, quỹ lương, tổng tài sản, tăng giảm các quỹ và thực hiện nghĩa vụ với ngân sách. Như vậy bản thuyết minh này chưa phải là bản giải trình chi tiết các nội dung mà các báo cáo tài chính khác không ghi rõ được như chuẩn mực kế toán Việt Nam quy định. Bản thuyết minh báo cáo tài chính trong các đơn vị hành chính sự nghiệp có thu chỉ phục vụ cho cơ quan quản lý nhà nước, còn nhiều vấn đề mà các nhà đầu tư, quản lý khác quan tâm nhưng chưa được cụ thể trên bảng báo cáo này.

* Bộ máy kế toán

Bộ máy kế toán ở các đơn vị sự nghiệp có thu thuộc Kho bạc Nhà nước được áp dụng theo 2 mô hình: mô hình tập trung và mô hình hỗn hợp. Tại các

đơn vị có đơn vị trực thuộc việc quy định về chế độ hạch toán áp dụng cho các đơn vị trực thuộc là chế độ hạch toán phụ thuộc. Quy định như vậy nhưng đơn vị trung tâm không quy định rõ, hướng dẫn cách hạch toán phụ thuộc cho đơn vị cấp dưới. Qua phần mô tả thực trạng hạch toán trên có thể thấy khái niệm phụ thuộc chỉ là sự ràng buộc trách nhiệm nộp báo cáo tài chính cuối năm với đơn vị trung tâm, chưa phản ánh đúng bản chất của hạch toán phụ thuộc. Bộ phận kế toán trực thuộc hoạt động độc lập, tự chịu trách nhiệm quyết toán với các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương. Trách nhiệm của Phòng kế toán Trung tâm thực chất chỉ đơn thuần là những hướng dẫn về mặt nghiệp vụ, kiểm tra giám sát thực hiện quy chế quản lý tài chính của đơn vị trực thuộc.

Với quy định hạch toán phụ thuộc trên, về mặt danh nghĩa kế toán trưởng tại đơn vị trung tâm chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của hệ thống kế toán toàn đơn vị trong đó có bộ phận kế toán chi nhánh. Nhưng với cách thực hiện chế độ hạch toán phụ thuộc như trên sẽ không có sự phân công rõ ràng, mức độ chịu trách nhiệm giữa kế toán trưởng Trung tâm và kế toán trưởng đơn vị trực thuộc.

Một trong những căn cứ để tổ chức bộ máy kế toán có hiệu quả là khả năng, tố chất nghiệp vụ của nhân viên kế toán. Nhân viên kế toán tại Phòng kế toán trung tâm, tại bộ phận kế toán của các đơn vị trực thuộc là những người có trình độ chuyên môn, đã được đào tạo căn bản về kế toán. Với cách thức tổ chức hoạt động kinh doanh gần với mô hình doanh nghiệp (hạch toán độc lập, tự chủ về tài chính), số lượng nhân viên kế toán ít, phải đảm nhiệm nhiều phần hành kế toán khác nhau như kế toán tiền mặt, kế toán công nợ, kế toán thuế, kế toán tài sản... nên không có thể đi sâu, phân tích để cung cấp thông tin cho các nhà quản lý.

Tổ chức bộ máy kế toán tại các đơn vị sự nghiệp có thu thực sự chưa căn cứ trên yêu cầu chất lượng, tính chất công việc. Với cách tổ chức này dường như kế toán mới chỉ thực hiện chức năng kiểm tra, cung cấp thông tin sơ bộ nhưng để phân tích sâu hơn về các mặt tài chính của đơn vị thì chưa đáp ứng được.

Kế toán trưởng tại đơn vị sự nghiệp có thu ngoài quyền và nghĩa vụ quy định tại Luật kế toán còn có chức năng giám sát tài chính tại đơn vị. Với phạm vi hoạt động rộng, ngành nghề kinh doanh đa dạng bản thân các quy định quản lý tài chính của nhà nước áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu không thể bao quát hết được. Lúc đó vai trò của Kế toán trưởng và người đứng đầu đơn vị này cần được phát huy.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 2

Chương hai tập trung vào việc phản ánh thực trạng tổ chức hạch toán kế toán tại các đơn vị sự nghiệp có thu thuộc Kho bạc Nhà nước . Để nghiên cứu vấn đề này tác giả đã đi từ tổng quan các đơn vị hành chính sự nghiệp có thu thuộc Kho bạc Nhà nước trong đó nêu rõ cách phân loại, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, đặc điểm tổ chức quản lý và phân cấp quản lý tài chính và hạch toán. Tiếp theo, tác giả đi vào nội dung chính của chương hai là phản ánh nội dung của công tác tổ chức hạch toán kế toán tại các đơn vị hành chính sự nghiệp có thu thuộc Kho bạc Nhà nước . Phần trình bày này đi vào những nội dung chủ yếu gồm tổ chức bộ máy kế toán, tổ chức chứng từ kế toán, tổ chức hệ thống sổ sách kế toán, hệ thống tài khoản kế toán và hệ thống báo cáo kế toán với những dẫn chứng điển hình tại Trường Nghiệp vụ Kho bạc và Tạp chí Quản lý Ngân quỹ Quốc gia. Với những nội dung trên, chương hai chính là nền tảng cơ sở của chương ba để đưa ra những đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn thiện tổ chức hạch toán kế toán các đơn vị sự nghiệp có thu thuộc Kho bạc Nhà nước . (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

CHƯƠNG 3

Một phần của tài liệu hoàn thiện tổ chức công tác hạch toán kế toán trong các đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc kho bạc nhà nước (Trang 63 - 70)