7. Cấu trúc đề tài
1.5.1. Tình hình dạy học phân môn Địa lí ở trường tiểu học
Qua dự giờ và quan sát việc dạy, học ở trường tiểu học cho thấy: Mặc dù đội ngũ giáo viên đã có nhiều cố gắng cải tiến phương pháp dạy học, song nhìn chung, phần lớn giáo viên vẫn dạy Địa lí bằng hệ thống phương pháp cũ, chủ yếu giảng giải và hỏi đáp (chiếm tỉ lệ 90%). Thực chất của phương pháp này là: Giáo viên giảng giải - học sinh nghe, giáo viên ghi bảng - học sinh chép vào vở, giáo viên chỉ bản đồ - học sinh theo dõi, giáo viên hỏi - một vài học sinh trả lời. Giáo viên cố gắng chủ động truyền thụ tri thức một cách rõ ràng, mạch lạc nội dung bài học Địa lí đã soạn sẵn, còn trò chủ động tiếp thu và ghi nhớ nội dung mà giáo viên truyền đạt, đồng thời kết hợp trả lời câu hỏi mà giáo viên nêu ra. Về nhà trò học thuộc lòng những ý chính tóm tắt giáo viên ghi trên bảng. Quá trình dạy và học cứ thế bình lặng diễn ra mà không tạo được không khí học tập sôi nổi, kích thích hứng thú cũng như tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động học tập một cách tích cực, chủ động.
Giáo viên lên lớp không có tài liệu tham khảo, chủ yếu truyền thụ tri thức trong sách giáo khoa mà chưa nâng cao, mở rộng tri thức của bài học.
Đặc biệt tình trạng dạy chay còn khá phổ biến, chỉ có một số ít giáo viên có thói quen chuẩn bị đồ dùng dạy học Địa lí.
Địa lí là môn học mới nên lượng kiến thức trang bị và tích lũy cho giáo viên chưa nhiều. Nên một bộ phận nhỏ giáo viên chưa hiểu và nắm nội dung, mục đích của việc dạy học Địa lí một cách đầy đủ.Do đó hạn chế giáo viên trong việc thiết kế, tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động học tập dưới nhiều hình thức như: thảo luận nhóm, học ngoài hiện trường...
Một số giáo viên đã cố gắng làm cho lớp học sinh động hơn bằng cách tạo không khí học tập sôi nổi trong tiết học, thông qua tổ chức một số trò chơi liên
quan đến nội dung bài học Địa lí, đưa ra nhiều câu hỏi để học sinh trả lời. Song phần lớn các câu hỏi chỉ mang tính hình thức, chưa thực sự tác động, kích thích tư duy học sinh.