Năm 1968, bộ quốc phòng Mỹ bắt đầu nghiên cứu và thiết lập hệ thống mạng đầu tiên – thực hiện kết nối các máy tính ở các cơ sở là: Viện nghiên cứu Stanford; Đại học Los Angenes; Đại học California và Đại học tổng hợp Utah.
Năm 1983, bộ giao thức (protocol) TCP/IP được hoàn thiện và được coi là bộ giao thức chuẩn cho mạng. Một giao thức bao gồm nhiều quy tắc mà các máy tính và các thiết bị mạng cần phải tuân theo các quy tắc đó thì chúng mới có thể truyền tin qua lại được với nhau (nên giao thức là tối cần thiết).
Ở đây sẽ giải thích thêm về giao thức thông qua một ví dụ. Chẳng hạn bạn có một chiếc máy điện thoại để bàn, không may máy đó bị hỏng nên bạn đi mua về một chiếc mới của hãng khác. Tuy nhiên khi bạn lấy giắc cắm của đường dây cũ cắm vào máy điện thoại mới thì lại không vừa, do đó bạn không thể dùng được chiếc máy mới mua! Tình huống này xảy ra khi các nhà sản xuất thiết bị khác nhau không tuân theo cùng một chuẩn nên các thiết bị của họ sẽ không “giao tiếp” được với nhau. Vì vậy trong môi trường mạng rộng lớn, để giao tiếp được với nhau thì các thiết bị mạng của các nhà sản xuất khác nhau phải tuân theo các chuẩn về mặt thiết kế vật lý của thiết bị (như ví dụ trên trên là khe cắm dây của các điện thoại phải như nhau) và các chuẩn trong việc xử lý dữ liệu – Một bộ giao thức mạng bao gồm nhiều giao thức, mỗi giao thức chứa một tập các quy tắc chuẩn như thế.
Năm 1990, kỹ sư Tim Berners-Lee một nhân viên của CERN (Viện nghiên cứu nguyên tử Châu Âu, Thụy Sỹ) giới thiệu công nghệ Web (hay WWW) – Từ công nghệ nền tảng này, các website đã được tạo ra.
Một website bao gồm nhiều trang (web page) có liên kết với nhau, trong đó có một trang bắt đầu gọi là trang chủ. Mỗi trang chứa các tài liệu siêu văn bản để hiển thị chữ, ảnh, video cũng như các đường liên kết để đi tới các trang khác. Những trang này có thể được truy cập (xem) thông qua mạng. Để xem một trang cần sử dụng một phần mềm đặc biệt gọi là trình duyệt web (web browser).
Hiện nay ta thấy các thông tin được trao đổi thông qua các website là rất lớn.
Năm 1997 (ngày 19/11/1997) được coi là ngày đầu tiên Việt Nam kết nối vào mạng toàn cầu Internet. Ông Rob Hurle, giáo sư tại Đại học Quốc gia Australia được xem là người đầu tiên đặt nền móng cho sự phát triển Internet tại Việt Nam. Ông trình bày ý tưởng của mình với các sinh viên Việt Nam đã từng du học tại Úc; Năm 1991 ông mang một chiếc "modem" sang Việt Nam, cùng với ông Trần Bá Thái tại Viện Công nghệ thông tin Hà Nội tiến hành thí nghiệm kết nối các máy tính ở Úc và Việt Nam thông qua đường dây điện thoại và đã thành công.
Tháng 11 năm 1997, VNPT, NetNam, và 3 công ty khác được chính quyền cấp phép và trở thành những nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) đầu tiên tại Việt Nam.