Định nghĩa hệ điều hành:
Hệ điều hành (Operating System – OS) là một tập hợp các phần mềm
mà các phần mềm này quản lý phần cứng của máy tính và cung cấp các dịch vụ chung nhất cho các phần mềm ứng dụng. (Một hệ điều hành nào đó chạy trên một máy tính sẽ quản lý phần cứng của máy tính này và cung cấp các dịch chung nhất cho các phần mềm ứng dụng trên máy tính đó)
Ý nghĩa của hệ điều hành:
Theo định nghĩa trên, tức là hệ điều hành sẽ có thể “nhận diện” các thiết bị phần cứng cơ bản của một máy tính là thiết bị gì, điều khiển và kiểm soát hoạt động của các phần cứng đó. Còn các phần mềm ứng dụng thì bắt buộc sẽ phải sử dụng các dịch vụ lõi (dịch vụ chung nhất) của hệ điều hành thì mới “chạy” được trên máy tính để từ đó cung cấp các lợi ích cho người dùng. Những dịch vụ lõi phổ biến nhất như quản lý bộ nhớ, truy xuất tới các thiết bị phần cứng.
Nếu không có hệ điều hành nhận diện, quản lý và tổ chức thì các thiết bị phần cứng chẳng thể vận hành tính năng vốn có của chúng. Nếu không có hệ điều hành “làm nền” (trên phần cứng) thì các phần mềm ứng dụng không có “đất” để chạy – nghĩa là hệ điều hành đứng giữa phần cứng và phần mềm ứng dụng. Trước đây ta đã đề cập rằng hệ điều hành thuộc loại phần mềm hệ thống.
Nếu coi phần cứng là một mảnh đất màu mỡ, thì hệ điều hành biết rõ và phân chia ra chỗ đất nào có thể trồng rau, chỗ đất nào có thể trồng hoa, chỗ đất nào có thể nuôi dê – khi đó phần mềm ứng dụng là anh trồng rau, anh trồng hoa hay anh nuôi dê (muốn cung cấp rau, hoa, dê đến người dùng) đều phải cần đến hệ điều hành, và phải trả tiền cho hệ điều hành. Người sáng lập tập đoàn Microsoft và phát triển hệ điều hành nổi tiếng Windows là Bill Gates liên tục giữ vị trí là người giàu nhất thế giới. Theo ước tính của tạp chí Mỹ
Các hệ điều hành có trên các máy tính khác nhau và cả trên các thiết bị như điện thoại di động, vv... Các hệ điều hành phổ biến hiện đại như: Microsoft Windows, Mac OS X, Linux - Ubuntun, Backtract, IBM z/OS, Windows Phone và Android. Ngoại trừ Windows và z/OS, các hệ điều hành còn lại phát triển từ gốc là hệ điều hành UNIX.
Ta đã biết các phần mềm ứng dụng cung cấp các tiện ích cho người dùng, mà các phần mềm này lại phải có hệ điều hành mới “chạy” được. Do vậy một máy tính mới (phần cứng đầy đủ) muốn đưa vào sử dụng cần phải cài đặt hệ điều hành trước nhất, sau đó mới cài đặt các phần mềm ứng dụng trên “nền” của hệ điều hành này (tùy người chủ cần phần mềm ứng dụng gì thì chọn để cài đặt). Thêm nữa khi hệ điều hành trên một máy tính bị hỏng (chẳng hạn do bị các chương trình độc hại phá hoại) thì dĩ nhiên các phần mềm ứng dụng đã cài đặt trên máy tính này không thể chạy được nữa. Lúc đó bắt buộc người dùng máy tính phải tiến hành cài đặt lại hệ điều hành, rồi tiếp đó cài đặt lại các phần mềm ứng dụng cần thiết.
(Thông thường khi người dùng mua mới một máy tính thì máy tính đó sẽ được nhân viên kỹ thuật của cửa hàng bán máy cài đặt hộ hệ điều hành và một số phần mềm ứng dụng cần thiết. Khi hệ điều hành hỏng thì cũng có nhiều nhân viên kỹ thuật hỗ trợ việc cài đặt lại với giá rẻ. Nhưng đối với người dùng máy tính chuyên nghiệp thì không những cần sử dụng thành thạo hệ điều hành mà còn cần thiết phải tự mình biết các kỹ thuật cài đặt hệ điều hành và các phần mềm ứng dụng)