Nhân vật diễn xướng

Một phần của tài liệu những khúc hát lễ hội nàng hai của người tày ở thạch an - cao bằng (Trang 120 - 121)

7. Bố cục luận văn

3.2.3. Nhân vật diễn xướng

Qua nghiên cứu, khảo sát những khúc hát lễ hội Nàng Hai của người Tày ở Thạch An, Cao Bằng, dễ dàng nhận thấy nhân vật diễn xướng và người diễn xướng đồng nhất làm một.

Người diễn xướng các bài hát Lượn Nàng Hai không chỉ có Mẻ Cốc, hai nàng tiên Gường và Sở, các Mụ Nàng, Mụ Nọi mà còn là những người đến dự hội.

Như đã trình bày ở phần trên, những người được chọn vào đội hát chính của lễ hội, trừ Mẻ Cốc là người đứng tuổi ra, còn lại đều là những thiếu nữ thanh tân, múa hay, hát giỏi. Trong số những người đó, Gường và Sở đảm nhiệm vai trò là người hát chính.Vì giữ vai trò là người đại diện tiếng nói cho cả người trần và người cõi tiên, nên các nàng không chỉ xinh đẹp mà quan trọng hơn là phải nắm vững những bài Lượn gốc thông thạo vần luật Lượn Hai, đặc biệt có khả năng ứng tác linh hoạt. Chính vì vậy, trước ngày bản làng mở hội chính, các cô gái được Mẻ Cốc tận tình dạy hát, múa cho thật thuần thục.

Trong những ngày hội chính, thường thường sân hát là nơi dành cho các cô gái trẻ còn Mẻ Cốc sẽ lui về hậu trường để quan sát và nếu các cô chẳng may quên lời hay chưa ứng đối ngay được thì nhân vật này sẽ hát trợ giúp cho họ. Lúc này, Mẻ Cốc sẽ là người hát xướng lên câu đầu tiên của khúc ca đó, mọi người sẽ bắt nhịp hoà theo. Như vậy, không thể phủ nhận

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu - Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn 121 được vai trò của Mẻ Cốc trong hát Lượn Hai. Họ là người dẫn dắt, tổ chức các bước của quá trình diễn xướng, đồng thời là những nghệ nhân diễn xướng quan trọng trong việc hát Lượn Hai. Trong không gian diễn xướng của lễ hội, tiếng hát của riêng Mẻ Cốc cất lên không hề lạc lõng, không hề bị chìm đi trước cái mênh mông của núi rừng. Giọng hát chan chứa trong đó sự từng trải của cuộc đời, tha thiết trong đó cái mê say của ngọn lửa tình yêu văn nghệ chưa bao giờ tắt ấy vang lên như kéo chân người dự hội mải mê tìm về.

Với hình thức diễn xướng tập thể, nên nhiều bài ca cầu mùa được nhiều người hát lên. Người diễn xướng không chỉ là các diễn viên trên sân khấu mà còn là bà con đến dự hội cũng tham gia hát.

Như vậy, nhân vật diễn xướng Lượn Hai trong lễ hội Nàng Hai của người Tày ở Thạch An - Cao Bằng không giới hạn ở số lượng người. Ngoài những nhân vật chính được tuyển chọn, luyện tập ngay từ đầu, người đến chơi hội cũng có thể góp lời ca tiếng hát của mình vào hội xuân. Chắc chắn, tiếng ca của họ góp phần không nhỏ vào kho dân ca Lượn Hai, giúp nó ngày càng đầy lên. Hơn nữa, đây cũng chính là một nét đẹp thể hiện sự đoàn kết, yêu chuộng văn nghệ của người Tày ở vùng đất này.

Một phần của tài liệu những khúc hát lễ hội nàng hai của người tày ở thạch an - cao bằng (Trang 120 - 121)