8. BỐ CỤC CỦA LUẬN ÁN
1.3.4. Cường độ âm thanh
"Cường độ - trị số chỉ năng lượng sóng âm đạt được, đo bằng decibel. Cường độ tương quan với đại lượng về mặt cảm thụ là độ vang (loudness)"
(định nghĩa của R. L. Trask trong Dictionary of Phonetics and Phonology, tr 181)
Khi dao động trong quá trình truyền sóng, sóng âm tạo ra một áp lực lên không khí. Để đo áp lực âm thanh, người ta dùng công thức:
P (áp lực) = F(lực) /A (diện tích)
Đơn vị của áp lực là Pascal (Pa) hoặc Newton trên diện tích 1 mét vuông (N/m2). Nhưng áp lực âm thanh tác động vào tai người nghe chỉ là rất nhỏ, do vậy người ta không sử dụng các đơn vị Pa hay N/m2 mà lập ra một hệ đo cường độ âm thanh tương ứng với áp lực âm thanh theo tỉ lệ logarit 1:10 được gọi là hệ đo Bel. Nguyên tắc của hệ này là: nếu áp lực tăng lên 10 lần so với áp lực ban đầu thì giá trị của cường độ âm thanh tăng lên 1 Bel (tương tự: áp lực tăng 100 lần bằng cường độ 2 Bel; 1000 lần bằng 3 Bel…). Trong thực tế, người ta thường dùng đơn vị Decibel (1dB = 1/10 Bel).
Cường độ của âm thanh không ảnh hưởng đến những đặc điểm về phẩm chất, tức về âm sắc của nguyên âm. Cường độ của nguyên âm tùy thuộc trước hết vào mức độ to nhỏ của toàn câu nói, ngoài ra cũng tùy thuộc vào vị trí của nguyên âm đối với trọng âm từ và trọng âm câu. Nếu trọng âm là trọng âm lực thì nguyên âm có trọng âm sẽ mạnh hơn nguyên âm không có trọng âm, và ngược lại. Ngoài ra, cường độ của nguyên âm còn gắn liền với phẩm chất của nó; chẳng hạn các nguyên âm hẹp thường yếu hơn nguyên âm rộng. Sự khác nhau về cường độ bao giờ cũng do những nhân tố bên ngoài nào đó gây nên và bao giờ cũng lệ thuộc vào những nhân tố đó, cho nên nó không có giá trị âm vị học được. Không có một ngôn ngữ nào mà trong đó một đôi âm vị nguyên âm lại chỉ khu biệt với nhau về cường độ. Cường độ không phải trước sau như một trong suốt thời gian phát âm nguyên âm, nhưng phần nhiều sự thay đổi cường độ lệ thuộc vào những điều kiện nhất định (vị trí của nguyên âm so với trọng âm, sự tiếp cận với các loại phụ âm khác nhau…).
Song cũng có những ngôn ngữ trong đó sự thay đổi về cường độ ở bên trong nguyên âm có một tính chất độc lập.
Nghiên cứu cường độ là một công việc không đơn giản nhưng có thể thực hiện bằng những phương pháp ngữ âm học thực nghiệm. Trên quan điểm ngữ âm học chỉ cần khảo sát cường độ tương đối. Nghiên cứu cường độ tương đối là xác định xem nguyên âm nào trong từ mạnh hơn nguyên âm nào yếu hơn.