2.3. Giá trị của múa tín ngưỡng trong đời sống văn hóa cộng đồng
2.3.1. Giá trị sáng tạo văn hóa
Nghệ thuật múa của người Dao Quần Chẹt ở Ba Vì là sự sáng tạo ra các thể loại, các hình thái múa khác nhau. Những thể loại, những hình thái múa đã hiện diện trong nhiều loại hình sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, lễ nghi, tôn giáo… và là một thành tố không thể thiếu trong các loại hình văn hóa, sinh hoạt văn hóa của cộng đồng. Rõ nét nhất là nghệ thuật múa được thể hiện trong tín ngưỡng. Sự sáng tạo đó được thể hiện qua nhiều thế hệ, được lưu
truyền từ đời này qua đời khác và sáng tạo mới như, với việc dàn dựng các tác phẩm để tham dự các hội diễn, hội thi. Mỗi dân tộc trải qua quá trình hình thành và phát triển lâu dài, theo tiến trình lịch sử sẽ có sự tương đồng và khác biệt trong sáng tạo nghệ thuật múa, để phù hợp với môi trường và tâm sinh lý, tư duy thẩm mỹ, cấu trúc nghệ thuật múa trong các mối quan hệ của cộng đồng. Ví dụ có thể thấy sự sáng tạo và phong phú trong thể loại múa như múa đơn, đôi, tập thể, tổ khúc múa… Nội dung múa cũng phong phú hơn mới đầu chỉ tập trung phục vụ thần linh trong các nghi lễ về sau mở rộng nội dung biểu diễn ra nhiều lĩnh vực như lao động sản xuất, tình yêu, ước muốn chinh phục tự nhiên… phán ánh toàn bộ tâm tư, ước vọng của con người.
Tín ngưỡng là một bộ phận quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của các dân tộc khác nói chung và của người Dao nói riêng. Trong các sinh hoạt tín ngưỡng của mình người Dao Quần Chẹt đã lồng ghép rất nhiều loại hình múa khác nhau như múa trong Tết nhảy, múa trong cấp sắc, đám ma, lễ hội… Tất cả các loại hình tín ngưỡng này, hoạt động múa là khơng thể thiếu. Múa góp phần tạo nên bản sắc, giá trị văn hóa của tín ngưỡng. Qua các loại hình múa cuộc sống hằng ngày của đồng bào được phác thảo một cách rõ nét, sinh động, các động tác được sáng tạo từ những động tác trong sinh hoạt, lao động sản xuất hằng ngày như tra ngô, hái quả… Động tác mềm dẻo, linh hoạt hơn, yếu tố tạo hình đặc sắc và tinh tế, thành phần tham gia phong phú đa dạng.