Trong xu hướng toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế, nhiều quốc gia đang phát triển đã thực hiện các chính sách nhằm thu hút kiều hối, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các dòng vốn ra, vào nói chung và kiều hối nói riêng. Để tối ưu hóa nguồn vốn kiều hối cho phát triển kinh tế, ngoài việc thu hút kiều hối về nước, các quốc gia cần có những chính sách quản lý và sử dụng nguồn kiều hối
đòi hỏi phải có một hệ thống chính sách kiều hối đồng bộ và khoa học, phù hợp với diễn biến và tình hình mới của nền kinh tế, thậm chí phải có chiến lược về kiều hối để phát huy vai trò của nó đối với phát triển kinh tế xã hội.
Chính sách kiều hối là hệ thống các biện pháp, các chính sách vĩ mô và vi mô nhằm thu hút, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn kiều hối phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Nội dung của chính sách kiều hối bao gồm:
*) Chính sách quản lý ngoại hối
Xuất phát từ bản chất của kiều hối là dòng tiền gửi bằng ngoại tệ của thân nhân ở nước ngoài chuyển về nước nên chính sách quản lý ngoại hối nới lỏng hay thắt chặt của Nhà nước có tác động trực tiếp đến dòng tiền kiều hối. Chính sách quản lý ngoại hối là một bộ phận hợp thành của chính sách tài chính tiền tệ của một quốc gia, là công cụ quản lý vĩ mô của Nhà nước đối với nền kinh tế. Mục tiêu của chính sách quản lý ngoại hối nhằm điều tiết tỷ giá, thực thi chính sách tiền tệ, quản lý dự trữ ngoại hối, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế. Chính sách quản lý ngoại hối bao gồm những quy định mang tính pháp lý điều chỉnh hoạt động ngoại hối như mua bán, đầu tư, vay, cho vay và các giao dịch khác về
ngoại hối của các bên liên quan nhằm thực hiện được các mục tiêu quản lý ngoại hối trong từng thời kỳ.
*) Chính sách khuyến khích người định cư nước ngoài và lao động nước ngoài đầu tư về nước
Kiều hối là dòng tiền ngoại tệ của thân nhân ở nước ngoài chuyển tiền về nước với nhiều mục đích khác nhau như tìm kiếm cơ hội đầu tư, cải thiện cuộc sống cho người thân nơi quê nhà, trang trải các khoản nợ…Tuy nhiên, cho dù là với mục đích nào thì việc thu hút kiều hối về nước cũng nhằm mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, để đạt được điều đó thì những chính sách ưu đãi về cơ hội đầu tư luôn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Từ những phân tích vai trò của kiều hối cho thấy kiều hối là nguồn ngoại tệ quan trọng thứ hai sau đầu tư trực tiếp nước ngoài, vì vậy cần tăng cường những chính sách ưu đãi khuyến khích người định cư nước ngoài và lao động nước ngoài đầu tư về nước. Trước hết là Nhà nước thông qua nhiều kênh khác nhau quảng bá những cơ hội đầu tư để những người định cư nước ngoài và lao động nước ngoài có thể tìm hiểu, lựa chọn và
tiếp cận các cơ hội đầu tư. Sau đó Nhà nước tạo mọi điều kiện giúp cho người định cư nước ngoài và lao động nước ngoài có thể thực hiện được những cơ hội đầu tư một cách thuận lợi nhất, một mặt tạo lợi nhuận cho nhà đầu tư, một mặt qua đó tạo dựng lòng tin đối với thị trường đầu tư trong nước, từ đó có tác động tích cực đến phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
*) Chính sách xuất khẩu lao động
Xuất khẩu lao động là một giải pháp quan trọng trong quá trình triển khai thực hiện chương trình mục tiêu giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững. Những chính sách nhằm khuyến khích xuất khẩu lao động không chỉ là giải pháp giải quyết việc làm mà còn là nguồn thu nhập quan trọng cho bản thân người lao động và gia đình của họ thông qua việc chuyển tiền lương về quê nhà. Nhằm khuyến khích xuất khẩu lao động, Nhà nước tăng cường một số các biện pháp sau đây:
+ Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương chính sách về hoạt động xuất khẩu lao động. Giúp người dân nâng cao nhận thức, nắm rõ thông tin về thị trường lao động ngoài nước, số doanh nghiệp có đủ tư cách pháp nhân và được phép tuyển dụng lao động xuất khẩu, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xuất khẩu lao động và phòng chống thiệt hại cho người dân lao động.
+ Đẩy mạnh mô hình liên kết xã, phường, thị trấn với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động. Tổ chức các phiên giao dịch việc làm vừa và nhỏ. Quan tâm tuyển chọn, cung ứng nguồn lao động có chất lượng… Các doanh nghiệp xuất
khẩu lao động được giới thiệu tuyển dụng làm tốt công tác giáo dục định hướng, dạy nghề, ngoại ngữ và giải quyết kịp thời các vướng mắc rủi ro nếu có trong quá trình thực hiện hợp đồng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.
+ Hệ thống các ngân hàng thương mại tạo điều kiện thuận lợi trong việc vay vốn của số lao động khi có hợp đồng xuất khẩu lao động, đồng thời thông báo rộng rãi, phổ biến rõ các thủ tục cho người lao động được vay vốn dễ dàng thuận tiện. + Các ngành chức năng đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp làm công tác xuất khẩu lao động, các cơ sở giới thiệu việc làm, tăng cường trách nhiệm quản lý trên từng địa bàn, kiên quyết loại trừ các doanh nghiệp, cá nhân không đủ điều kiện, thiếu thủ tục pháp nhân hoạt động giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động.
+ Phân cấp các đối tượng xuất khẩu lao động để có các biện pháp hỗ trợ phù hợp. Trong đó, người lao động thuộc vùng dân tộc thiểu số, các vùng xa xôi nghèo cần được hỗ trợ toàn bộ chi phí học nghề, ngoại ngữ, tiền sinh hoạt tiêu dùng, đi lại đến chi phí làm thủ tục trước khi đi làm việc ở nước ngoài.
+ Các địa phương cần đẩy mạnh phát triển mô hình liên kết xã, phường, thị trấn với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động. Tổ chức các Phiên giao dịch việc làm vừa và nhỏ. Quan tâm tuyển chọn, cung ứng nguồn lao động có chất lượng...Các doanh nghiệp xuất khẩu lao động được giới thiệu tuyển tập trung làm tốt công tác giáo dục định hướng, dạy nghề, ngoại ngữ và giải quyết kịp thời các vướng mắc, rủi ro (nếu có) trong quá trình thực hiện hợp đồng đưa lao động đi làm việc ngoài nước.
*) Chính sách về tự do hoá các dịch vụ tài chính ngân hàng.
Tự do hoá các dịch vụ tài chính - ngân hàng là quá trình giảm thiểu sự kiểm soát của Nhà nước đối với hoạt động của hệ thống tài chính, làm cho hệ thống tài chính hoạt động theo hướng tự do hơn và hiệu quả hơn theo quy luật thị
trường. Nội dung cơ bản của tự do hoá các dịch vụ tài chính - ngân hàng bao gồm tự do hóa về lãi suất, tự do hóa các hoạt động cho vay của các ngân hàng thương mại, tự do hóa hoạt động ngoại hối, tự do hóa các hoạt động tài chính trên thị trường tài chính. Bản chất của tự do hóa tài chính là hoạt động tài chính theo cơ chế nội tại vốn có của thị trường và chuyển vai trò điều tiết tài chính từ chính phủ sang thị trường với mục tiêu tìm ra sự phối hợp có hiệu quả giữa Nhà nước và thị trường trong việc thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ kinh tế xã hội. Khi các dịch vụ tài chính ngân hàng được thực hiện theo hướng tự do hóa, các ràng buộc về thủ tục vay vốn sẽ được đơn giản hóa, lãi suất huy động tương đối thấp do sự cạnh tranh của các tổ chức đầu tư tài chính, từ đó sẽ có tác động tích cực đến việc chuyển các khoản tiết kiệm sang đầu tư đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực đầu tư. Tự do hoá các dịch vụ tài chính - ngân hàng sẽ có tác động tích cực đến việc chuyển các khoản tiền kiều hối về nước thuận lợi hơn từ đó góp phần thu hút dòng tiền kiều hối; chuyển các khoản tiền từ tiết kiệm sang đầu tư từ đó tác động tích cực đến phát triển kinh tế; góp phần nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực đầu tư.
*) Cạnh tranh dịch vụ kiều hối
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút nguồn tiền kiều hối, hệ thống ngân hàng xây dựng hàng loạt những dịch vụ kiều hối, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh về dịch vụ kiều hối là một trong những chính sách quan trọng về kiều hối. Với các tổ chức kinh tế, dịch vụ kiều hối rất quan trọng vì là một kênh huy động ngoại tệ đặc biệt mà không cần phải trả nhiều chi phí. Đây là dịch vụ không chỉ đem lại nguồn thu phí mà còn giúp ngân hàng mua được ngoại tệ, tăng nguồn tiền gửi và bán chéo được các sản phẩm khác cho người nhận tiền kiều hối, đồng thời nâng cao được uy tín và thương hiệu của ngân hàng với khác hàng. Để tăng thêm lợi nhuận từ dịch vụ kiều hối, các ngân hàng tiếp tục tăng
cường hợp tác với các Công ty xuất khẩu lao động cung ứng gói sản phẩm trọn gói cho người lao động như: Cho vay vốn, mở tài khoản, quản lý tiền ký quỹ, chuyển thu nhập về nước, gửi tiết kiệm kiều hối… nhằm thu hút nguồn vốn kiều hối về ngân hàng.