Thành phố Đà Nẵng nằm ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, là một trong 05 tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Đà Nẵng được xác định là trung tâm của vùng vì có vị trí địa lý kinh tế rất quan trọng trong giao lưu khu vực và quốc tế, nằm trên trục giao thông Bắc-Nam về đường bộ (quốc lộ 1 A), đường sắt, đường biển và đường hàng không. Ngoài lợi thế này, Đà Nẵng còn có nguồn tài nguyên nhân văn phong phú và nguyồn nhân lực khá dồi dào (nguồn lao động chiếm hơn 50% dân số ). Đây là những điều kiện căn bản để thu hút đầu tư và du lịch.
Trong những năm qua, bên cạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng khá hoàn chỉnh để phát huy yếu tố lợi thế truyền thống. Đà Nẵng đặc biệt quan tâm xây dựng yếu tố “mềm” như chính sách, cách làm, tinh thần, thái độ nhằm tạo đựng môi trường đầu tư kinh doanh thật sự thông thoáng, thân thiện với cộng đồng DN trong nước cũng như nước ngoài.
Đà Nẵng đã triển khai thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” từ năm 2001, đồng thời là một trong những địa phương đi đầu thực hiện cơ chế “một cửa liên thông” trong tiếp nhận, giải quyết hồ sơ ĐKKD, đăng ký mã số DN và khắc dấu, trả kết quả tại một đầu mối duy nhất là bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư, còn đối với các dự án đầu tư nước ngoài (ngoài KCN) là do Trung tâm xúc tiến đầu tư thực hiện. Đến đầu năm 2012, Đà Nẵng có trên 12.000 doanh nghiệp dân doanh, tổng vốn đăng ký đạt 28,5 ngàn tỷ đồng và 212 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, tổng vốn đầu tư 3,16 tỷ USD.
-Bên cạnh việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Chính phủ, Đà Nẵng đã triển khai nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ tốt hơn cho DN trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Cụ thể, Đà Nẵng là một trong những địa phương làm tốt trong công tác hỗ trợ dịch vụ công cho DN gồm: hỗ trợ thông tin thị trường, tìm kiếm đối tác kinh doanh, xúc tiến xuất khẩu và hội chợ thương mại, KCN và CCN, công nghệ và các dịch vụ liên quan. Từ năm 2005, thành phố đã thực hịên việc hỗ trợ các DN có sản phẩm công nghiệp chủ lực đến năm 2010. Theo đó, các DN được hỗ trợ 50 % lãi suất vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước trong thời hạn 3 năm; hỗ trợ 50 % kinh phí thực hịên các đề tài, dự án nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, 30 % giá trị các hợp đồng tư vấn đổi mới công nghệ; hỗ trợ 100% kinh phí đăng ký mới nhãn hiệu hàng hoá trong nước và 10 triệu đồng với nhãn hiệu đăng ký nước ngoài
Đà Nẵng đã nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi cho DN, người dân trên địa bàn được cung cấp thông tin pháp lý một cách tốt nhất thông qua những kênh thông tin như website, báo, đài. Trong công tác quản lý đất đai, từ qui hoạch tổng thể đến qui hoạch chi tiết, nội dung dự án đến khung giá loại đất, kết quả kiểm định áp giá đều công khai để người dân, DN xem xét và góp ý
Các chế độ công khai, minh bạch về hoạt động công vụ cũng được các đơn vị thực hiện nghiêm túc. Ngoài ra, một trong những đặc điểm khá nổi trội của Đà Nẵng là lãnh đạo thành phố thường xuyên dành thời gian để gặp gỡ, tiếp xúc và đối thoại trực tiếp với người dân và DN, lắng nghe ý kiến của họ để điều chỉnh các chính sách khi cần thiết.
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Đà Nẵng đã triển khai nhiều chính sách về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Trình độ học vấn của người dân thành phố Đà Nẵng tương đối cao, là một trong hai địa phương đầu tiên của cả nước hoàn
thành phổ cập trung học cơ sở, đã có 47/56 xã, phường hoàn thành phổ cập giáo dục trung học. Qua 5 năm thực hiện đề án đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động dạy nghề, toàn thành phố đến nay đã có 53 cơ sở dạy nghề, đào tạo 117.641 học viên (trung bình 23.528 học viên/năm), tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đã tăng từ 25.5% lên 37%, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý tính đến năm 2010 có 2032 người tăng 58.25% so với năm 2005.
Bên cạnh các chính sách đào tạo lao động cho DN, thành phố cũng đẩy mạnh đào tạo lực lượng cán bộ, công chức cho khu vực công. Chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo Đề án 393 (đào tạo 100 thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài từ nguồn cán bộ, công chức) Đề án 47 (đào tạo đại học trong nước và nước ngoài từ nguồn học sinh thuộc các trường phổ thông trung học trên địa bàn thành phố) và Đề án 89 (đào tạo dự nguồn cho các chức danh cán bộ chủ chốt tại các phường, xã) là những chính sách mang tính đặc thù trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực của thành phố
Đồng thời với chính sách đào tạo, Đà Nẵng đã ban hành chính sách thu hút nguồn nhân lực trình độ cao về công tác tại thành phố. Trong khoảng 10 năm thực hiện chính sách này, thành phố đã thu hút được 711 đối tượng, trong đó có 01 phó giáo sư, 05 tiến sĩ và 112 thạc sĩ [57].