Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, viết tắt là PCI do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam của Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID/VNCI) hợp tác xây dựng công bố đầu tiên vào năm 2005 và từ đó đến nay đã trở thành hoạt động được triển khai thường niên. Đây là chỉ số đánh giá và xếp hạng môi trường kinh doanh và chính sách phát triển tư nhân của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước sau khi loại trừ những điều kiện khác biệt về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, quy mô thị trường…
Bằng việc điều tra, khảo sát hàng ngàn doanh nghiệp dân doanh với quy mô và lĩnh vực sản xuất kinh doanh đa dạng, PCI là công cụ góp phần phản ánh được tỉnh, thành phố nào có chất lượng điều hành tốt và được các doanh nghiệp hài lòng. Qua đó giúp các tỉnh, thành phố nhận rõ những điểm mạnh, điểm yếu trong môi trường kinh doanh hiện tại, nhận biết những tồn tại cần phải khắc phục để trở nên cạnh tranh hơn so với các tỉnh, thành khác ở Việt Nam.
Không chỉ cung cấp thông tin tham khảo cho các nhà đầu tư, cộng đồng DN trong hoạt động đầu tư, kinh doanh, PCI còn sử dụng để hỗ trợ chính quyền Trung ương xây dựng và hoàn thiện chính sách cũng như là công cụ tham khảo cho các chương trình hỗ trợ kỹ thuật của các nhà tài trợ.
Sử dụng dữ liệu điều tra DN, là đánh giá và cảm nhận của DN đối với môi trường kinh doanh địa phương, kết hợp với các dữ liệu tin cậy và có thể so sánh được thu nhập từ các nguồn chính thức và các nguồn khác về địa phương, chỉ số PCI xếp hạng năng lực cạnh tranh các tỉnh trên thang điểm 100. Chỉ số PCI là chỉ số tổng hợp bao gồm 9 chỉ số thành phần phản ánh những khía cạnh quan trọng khác nhau của môi trường kinh doanh cấp tỉnh, những khía cạnh này chịu tác động trực tiếp từ thái độ và hành động của cơ quan chính quyền địa phương. Các chỉ số thành phần PCI bao gồm:
(1) Chí phí gia nhập thị trường: là chỉ số thành phần xác định về thời gian hoàn thành các thủ tục và giấy tờ cần thiết để DN chính thức đi vào hoạt động (gia nhập thị trường). Gồm các chỉ tiêu đo lường về: Thời gian DN phải chờ để ĐKKD và xin cấp đất; thời gian chờ nhận đủ các loại giấy tờ cần thiết để tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh; số giấy phép, giấy đăng ký, quyết định chấp thuận cần thiết để chính thức hoạt động; mức độ khó khăn theo đánh giá của DN để có đủ giấy đăng ký, giấy phép và quyết định chấp thuận.
Mục đích của việc xây dựng chỉ số thành phần này là đánh giá sự khác biệt giữa các tỉnh về chi phí gia nhập thị trường của các DN mới ở tỉnh. Theo Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành, trình tự, thủ tục đăng ký kinh doanh thống nhất ở các tỉnh nhưng thực tế vẫn có sự khác biệt
(2) Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất: là chỉ số thành phần xác định khả năng tiếp cận đất đai và mức độ ổn định trong sử dụng đất. Gồm các chỉ tiêu đo lường về hai khía cạnh của vấn đề đất đai mà DN phải đối mặt: Mức độ khó khăn tiếp cận đất đai của DN; mức độ ổn định khi đã có được mặt bằng kinh doanh.
Chỉ số thành phần này xây dựng xuất phát từ đất đai hay mặt bằng sản xuất kinh doanh là một trong những yếu tố sản xuất cơ bản đối với các doanh nghiệp. Các chính sách liên quan đến đất đai còn có sự không đồng đều giữa các tỉnh.
(3) Tính minh bạch và tiếp cận thông tin: là chỉ số thành phần xác định khả năng tiếp cận các văn bản pháp lý và mức độ tham gia của DN vào các chính sách, qui định mới. Gồm các chỉ tiêu đo lường khả năng tiếp cận các kế hoạch của tỉnh và các văn bản pháp lý cần thiết cho sự hoạt động sản xuất kinh doanh của DN; các chính sách và qui định mới có được tham khảo ý kiến của DN và khả năng tiên liệu trong triển khai thực hịên các chính sách, qui định đó; mức độ tiện dụng trang Web tỉnh đối với DN
Chỉ số thành phần này được xây dựng do tính minh bạch là một trong những yếu tố quan trọng nhất để phân biệt môi trường kinh doanh nào thuận lợi cho sự phát triển của DN. Chỉ số về tính minh bạch phải hội tụ đủ các thuộc tính: tính sẵn có của thông tin; tính công bằng; tính dự đoán trước được và tính cởi mở.
(4) Chi phí thời gian để thực hiện các qui định của Nhà nước: là chỉ số thành phần xác định thời gian DN bỏ ra để thực hiện các thủ tục hành chính; mức độ thường xuyên mà DN phải tạm dừng kinh doanh để các cơ quan nhà nước địa phương thực hiện việc thanh tra, kiểm tra.
Xuất phát từ nghiên cứu chi phí giao dịch trên cơ sở thời gian bỏ ra là một nội dung quan trọng trong nghiên cứu về các nền kinh tế đang chuyển đổi. Các nhà quản lý DN thường bỏ dở công việc kinh doanh để giải quyết các vấn đề sự vụ giấy tờ liên quan đến quản lý hành chính của các cơ quan quản lý nhà nước- thời gian mà lẽ ra đã có thể dành cho hoạt động quản lý kinh doanh.
(5) Chi phí không chính thức: là chỉ số thành phần xác định chi phí không chính thức DN phải trả. Gồm các chỉ tiêu đo lường các khoản chi phí không chính thức DN phải trả và các trở ngại do các chi phí không chính thức này gây ra đối với hoạt động kinh doanh của DN, việc trả những chi phí không chính thức có đem lại kết quả hay “dịch vụ” như mong đợi và liệu các cán bộ Nhà nước có sử dụng các qui định của địa phương để trục lợi không
Chỉ số này xây dựng nhằm đánh giá số tiền mà DN phải bỏ ra để chi trả các khoản chi phí không chính thức, các khoản chi phí bất thường khác trong điều kiện hoạt động kinh doanh bình thường
(6) Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh: là chỉ số thành phần đánh giá sự năng động, tiên phong của lãnh đạo tỉnh trong quản lý, điều hành nền kinh tế tỉnh. Gồm các chỉ tiêu đo lường tính sáng tạo, sáng suốt của lãnh đạo tỉnh trong thực thi chính sách TW cùng như trong việc đưa ra các sáng kiến riêng nhằm phát triển kinh tế địa phương; khả năng hỗ trợ và áp dụng những chính sách chưa rõ ràng của TW theo hướng có lợi cho DN
Chỉ số này được xây dựng dựa trên cơ sở hệ thống qui định pháp luật liên quan hoạt động kinh doanh và đầu tư còn chưa hoàn chỉnh và thiếu rõ ràng trong khi vận dụng vào điều kiện hoàn cảnh cụ thể của tỉnh. Trong điều kiện đó, chính quyền các tỉnh có những cách thức xử lý khác nhau và mang lại những kết quả khác nhau. Kết quả ấy có thể tạo cơ hội, hỗ trợ hoặc trở thành rào cản sự phát triển cho DN trên địa bàn tỉnh.
(7) Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp: là chỉ số thành phần đánh giá các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh. Gồm các chỉ tiêu đo lường sự sẵn có của các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh như xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin kinh doanh, tư vấn pháp luật cho DN, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm đối tác kinh doanh, các dịch vụ công nghệ; số lượng các nhà cung cấp dịch vụ tư nhân và chất lượng của các dịch vụ này.
Các dịch vụ hỗ trợ DN là sản phẩm cuả các ngành hỗ trợ và liên quan trên địa bàn tỉnh. Đối tượng cung cấp các dịch vụ này có thể do khu vực tư nhân hoặc nhà nước cung cấp. Tuy nhiên, theo sự phát triển nền kinh tế thị trường cơ hội tiếp cận với các dịch vụ của khu vực tư nhân ngày càng lớn nên việc tập trung vào các dịch vụ do nhà nước cung cấp không có nhiều ý nghĩa bằng. Nhà nước chủ yếu đóng vai trò định hướng phát triển chi các ngành hỗ trợ và liên quan trên địa bàn tỉnh cả về số lượng và chất lượng nhằm tạo điều kiện các DN tiếp cận nhiều hơn các dịch vụ do tư nhân cung cấp
(8) Chất lượng đào tạo lao động: là chỉ số thành phần đánh giá đào tạo nghề và phát triển kỹ năng người lao động. Gồm các chỉ tiêu đo lường các nỗ lực của lãnh đạo tỉnh để thúc đẩy đào tạo nghề và phát triển kỹ nằng nhằm hỗ trợ cho các ngành công nghiệp tại địa phương và giúp người lao động tìm kiếm việc làm. Tuy nhiên thực tế những năm qua các DN gặp rất nhiều khó khăn tìm kiếm và tuyển dụng lao động đã qua đào tạo chuyên nghiệp hoặc bán chuyên nghiệp. Vì vậy, chính quyền địa phương tập trung vào việc nâng cao chất lượng lực lượng lao động địa phương có ý nghĩa quan trọng đối với môi trường kinh doanh trên địa bàn.
(9)Thiết chế pháp lý: là chỉ số thành phần đánh giá thiết chế pháp lý ở địa phương. Gồm các chỉ tiêu đo lường lòng tin của DN đối với hệ thống toà án, tư pháp của tỉnh mức độ hiệu quả của thiết chế pháp lý này trong giải quyết tranh chấp hoặc khiếu nại của DN với các hành vi nhũng nhiễu của cán bộ công quyền ở địa phương. Chỉ số này được xây dựng trên cơ sở cho rằng phát triển pháp luật và giải quyết tranh chấp một cách chính qui luôn là một mắt xích yếu trong quá trình cải cách, chuyển đổi ở Việt Nam. Đồng thời, hầu hết các cá nhân và DN vẫn lựa chọn giải quyết tranh chấp thông qua các cơ chế không chính thức.
Đối với một tỉnh, để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh thì không chỉ một chỉ số thành phần nào mà cần đảm bảo đồng bộ các chỉ tiêu cấu thành các chỉ số thành phấn ấy. Do bản thân các chỉ tiêu mang tính động và mở nên các chỉ số thành phần cũng động và mở theo thời gian. Điều quan trọng là khi xây dựng hệ thống chỉ tiêu đánh giá cần phải xác định được những nhân tố ảnh hưởng (phản ánh qua trọng số) tới năng lực cạnh tranh một tỉnh theo thời gian để phản ánh kịp thời. Trọng số được áp dụng cho tất cả các chỉ số thành phần. Đóng góp của từng chỉ số thành phần lên những yếu tố đo lường sự phát triển DN (như số DN đang thực sự hoạt động; qui mô vốn đầu tư hoặc đầu tư trên đầu người của DN; lợi nhuận bình quân) là trọng số được tính trong đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Cơ sở xác định trọng số là thông qua phương pháp hồi qui để tính toán và phân chia trọng số thành các nhóm khác nhau, thông thường theo 3 mức: cao, trung bình và thấp [15-20]
Việc xác định rõ ràng nội dung chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh có ý nghĩa quan trọng để đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh các tỉnh ở Việt Nam