3.1.1.1 Vị trí địa lý, địa hình
- Vị trí địa lý: Việt Xuân là xã nằm phía bắc Huyện Vĩnh Tường;
Phía bắc giáp xã Sơn Đông huyện Lập Thạch;
Phía nam giáp xã Bồ Sao và xã Lũng Hoà Huyện Vĩnh Tường; Phía đông giáp xã Yên Lập huyện Vĩnh Tường;
Phía tây giáp với phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Tổng diện tích tự nhiên 277,47ha.
Dân cư sống không tập trung, sinh sống chủ yếu làm nghề nông nghiệp, một số hộ sinh sống bằng nghề dịch vụ vận tải thuỷ và ngành nghề khác. Địa phương có nhiều cơ quan và công trình nhà nước đóng trên địa bàn như: Ga Bạch Hạc, tuyến đường sắt Hà Nội- Lào Cai chạy qua trung tâm xã, xã còn có tuyến đê trung ương, hệ thống kênh thuỷ lợi liễn Sơn, hệ thống cáp quang quân đội. Từ những đặc điểm trên đã mang lại rất nhiều thuận lợi cho việc tìm kiếm và giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn xã, với thuận lợi nằm cạnh tuyến quốc lộ 2 đã giúp lao động trên địa bàn có thể giao lưu và tìm được những công việc mới,góp phần lớn trong công cuộc giải quyết việc làm.
- Địa hình: Việt Xuân là xã có địa hình khá bằng phẳng, lại có hệ thống đê trung ương (đê sông Phó Đáy) che chắn.
Vùng đất bãi nằm ngoài con đê sông Phó Đáy: chạy dọc suốt một dải phía bắc, tây bắc và phía tây của xã. Đất ở đây màu mỡ do hàng năm được phù sa của con sông bồi đắp tạo nên một vùng bãi rộng lớn và trù phú, rất phù hợp với các loại cây dâu, mía, cỏ voi, ngô, đậu và các cây rau màu khác.
Vùng đất phù sa châu thổ bên trong đê: nối liền miền đất phù sa cổ, kéo dài xuống phía nam. Địa hình khá bằng phẳng, thuận lợi cho điều tiết thuỷ lợi, tạo điều kiện để nhân dân thâm canh cây lúa ở trình độ cao.
3.1.1.2 Khí hậu, thủy văn
- Khí hậu:Việt Xuân thuộc khu vực nhiệt đới gió mùa, nắng lắm mưa nhiều. Nhưng do nằm khá sâu trong đất liền, đồng thời có sự che chắn của hai dãy núi: dãy Tam Đảo (phía Đông Bắc) và dãy Ba Vì (phía Tây) nên khí hậu ở Việt Xuân không quá khắc nghiệt và ít bị bão lốc đe dọa. Nhiệt độ trung bình trong năm là 23,60c.Giữa nhiệt độ trung bình tháng cao nhất với nhiệt độ trung bình tháng thấp nhất chênh lệch 120C (có tháng nhiệt độ lên tới 28,80C nhưng có tháng nhiệt độ chỉ 16,80C.
Độ ấm trung bình trong năm là 82%.Lượng mưa trung bình 1.500 mm/năm với số ngày mưa trung bình là 133 ngày/năm. Mùa mưa thường từ tháng 4 đến tháng 10 với lượng mưa trung bình là 189 mm/tháng; mùa khô từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau với lượng mưa trung bình là 55 mm/tháng.
-Thủy văn: Một phần sông Phó Đáy chảy qua xã Việt Xuân, tạo ranh giới tự nhiên giữa Việt Xuân và huyện Lập Thạch. Sông Phó Đáy có lưu lượng bình quân 23m3 giây; lưu lượng cao nhất là 833m3/giây; mùa khô kiệt, lưu lượng nước chỉ 4 m3/giây, có tác dụng cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp.
Với những thuận lợi về khí hậu và thủy văn như trên, nên trên địa bàn xã những ngành sản xuất nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi cũng được phát triển và duy trì khá thuận lợi, đã có nhiều hộ mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô phát triển chăn nuôi với số lượng lớn,trồng cây vụ đông…Từ đó cũng đã tạo ra rất nhiều công việc cho người lao động.
Đất đai và nguồn tài nguyên sinh vật trên đất vừa là đối tượng, vừa là tư liệu sản xuất chủ yếu, đặc biệt và không thể thay thế để con người tác động vào nó và tạo ra của cải vật chất phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của xã. Nó là nhân tố chính có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc sản xuất của người dân.
Theo kết quả thống kê, tổng diện tích tự nhiên của xã Việt Xuân là 275,04 ha bao gồm cả đất nông nghiệp và phi nông nghiệp, trên địa bàn xã không có đất chưa sử dụng. Diện tích đất nông nghiệp là 121,26 ha chiếm 44% tổng diện tích, còn lại là 153,78 ha đất phi nông nghiệp chiếm 56% trên tổng diện tích. Nhìn chung trên địa bàn xã thì đất sử dụng trong phi nông nghiệp có lớn hơn, tuy nhiên không nhiều lắm.
Bảng 3.1 cơ cấu sử dụng đất trên địa bàn xã
STT Loại đất Diện tích Cơ cấu(%)
1 Đất nông nghiệp 121,26ha 44
2 Đất phi nông nghiệp 153,78ha 56
3 Đất chưa sử dụng 0 0
4 Tổng cộng 275,04ha 100
(Nguồn:Ban thống kê xã Việt Xuân 2014)
Từ bảng trên ta thấy chênh lệch về diện tích sử dụng đất không nhiều, với diện tích đất sử dụng trong nông nghiệp chiếm 44% và diện tích sử dụng đất trong phi nông nghiệp chiếm 56%,không có diện tích đất chưa qua sử dụng. Từ đó ta có thể nhận thấy trên địa bàn xã đang có xu hướng sản xuất theo hình thức phi nông nghiệp nhiệu hơn.