2.1.4.1 Phát triển các ngành nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp
Việc phát triển các ngành nghề, đặc biệt là trong nông nghiệp, gián tiếp tạo ra nhiều công ăn việc làm cho lao động nông thôn. Vì vậy chính quyền địa phương cũng như người dân cần tập trung đầu tư phát triển mở rộng quy mô sản xuất cũng như tìm kiếm và phát triển các ngành nghề mới để nâng cao thu nhập và đồng thời tạo ra nhiều việc làm mới cho người lao động. Đây là một vấn đề hết sức quan trọng, tuy nhiên để thực hiện tốt vấn đề này cần thời gian dài với sự tham gia của nhiều bên liên quan và phụ thuộc vào tình hình kinh tế của thế giới và của Việt Nam.
2.1.4.2 Đào tạo nghề và dạy nghề
Phương hướng chung là không đào tạo tràn lan, mà phải đào tạo phù hợp với nhu cầu của lao động tại từng địa phương (huyện, tỉnh), có kết nối với chương trình việc làm quốc gia. Phương hướng này được triển khai thông qua các hoạt động sau:
Một là, xây dựng và triển khai dự án (hay chương trình) về đào tạo nghề cho những người thuộc diện thu hồi đất để phát triển công nghiệp và đô thị
Đây là một giải pháp có tính cấp bách, cần được triển khai thống nhất từ Trung ương đến địa phương để tránh tình trạng người dân sau khi nhận tiền đền bù ruộng đất phải lâm vào tình trạng thất nghiệp và không có thu nhập; từ đó phát sinh nhiều hệ lụy về mặt xã hội. Mấu chốt là từ khâu quy hoạch, cấp phép đầu tư cho đến xây dựng kết cấu hạ tầng trong và ngoài “hàng rào” các
khu công nghiệp, khu đô thị mới,... phải có kinh phí cho việc đào tạo nghề đối với người dân bị thu hồi đất.
Hai là, tiếp tục đào tạo nghề theo các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư
Đây là các hình thức đào tạo đã khá ổn định, cần tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia và nâng cao chất lượng đào tạo. Trong đó, rất cần thu hút những người tham gia đào tạo vào mạng lưới tiêu thụ sản phẩm. Bởi chỉ bảo đảm được “đầu ra” người học mới thực hành nghề được đào tạo. Và nhờ đó những người làm công ăn lương ở nông thôn có thể phát triển được kinh tế gia đình, giảm cường độ và mức độ làm thuê.
Ba là, hỗ trợ đào tạo nghề theo chiến lược xuất khẩu, kể cả hỗ trợ đào tạo nghề để tham gia xuất khẩu lao động
Nền nông nghiệp nói riêng và nền kinh tế nước ta nói chung đã và sẽ tiếp tục hướng về xuất khẩu. Do đó, đào tạo nghề theo chiến lược xuất khẩu là một phương hướng thực hành nghề rất quan trọng cho lao động nông thôn.Ngay lĩnh vực xuất khẩu lao động, cũng có nhiều những chính sách khuyến khích và phát triển . Trong đó có những chính sách: hỗ trợ người lao động học bổ túc văn hóa, học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết để tham gia xuất khẩu lao động; cho người lao động vay tín dụng ưu đãi với lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay hiện hành của Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng cho đối tượng chính sách đi xuất khẩu lao động; các cơ sở dạy nghề cho xuất khẩu lao động cũng được vay vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư tăng quy mô đào tạo. Đối với các lĩnh vực xuất khẩu khác cũng cần thiết có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề như vậy.
Bốn là, liên kết nhà nông, doanh nghiệp và nhà trường để đào tạo nghề
Đây là giải pháp có tính xã hội hóa, nhằm hướng vào những lao động và doanh nghiệp ở nông thôn có nhu cầu đào tạo nghề cho mình và cho những người khác. Sự liên kết giữa họ với các trường dạy nghề sẽ thúc đẩy hình
thành mạng lưới các điểm đào tạo nghề theo hướng chính quy và bảo đảm “đầu ra” của công tác đào tạo.
Năm là, kết hợp “truyền nghề” với đào tạo chính quy
Truyền nghề là hình thức đào tạo vẫn rất phổ biến tại các làng nghề. Nên có chính sách hỗ trợ cho các nghệ nhân, những người thợ lành nghề, nhất là tại các làng nghề, mở các lớp đào tạo theo kiểu truyền nghề; hoặc liên kết với các trường dạy nghề để đào tạo theo kiểu bán chính quy.
Sáu là, hỗ trợ cho vay vốn để học nghề, nhất là đối với các hộ nông dân nghèo
Chi phí cho việc học nghề, hoặc chuyển đổi nghề là một vấn đề lớn đối với người dân nghèo.Vì vậy, cần có chính sách giảm chi phí học nghề, ví dụ bằng cách hỗ trợ cho vay vốn để đào tạo nghề cho hộ nông dân nghèo.Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu đãi để người dân sau khi đi học nghề có thể có việc làm phù hợp ở địa phương, hoặc việc làm tại các doanh nghiệp được xây dựng trên đồng ruộng trước đây của họ.
2.1.4.3 Xuất khẩu lao động
Cần có những chính sách và chương trình tư vấn cho người lao động biết đến và tham gia vào các chương trình đi xuất khẩu lao động để giải quyết lao động dư thừa. Thực hiện tốt các chính sách, áp dụng những ưu đãi khuyến khích cho người lao động khi tham gia đi xuất khẩu lao động nước ngoài để từ đó nâng cao việc giải quyết việc làm cho lao động nông thôn .