Trong chính sách thương mại, Nhà nước cần phải có biện pháp ổn định giá cả của hàng hoá, giá cả có thể thay đổi nhưng trong giới hạn mức giá cho phép (giá trần, giá sàn), giá cả không được cao quá và cũng không được xuống quá thấp vì điều đó sẽ gây thiệt hại trực tiếp cho các công ty và người tiêu dùng. Một khía cạnh khác của vai trò ổn định giá cả của Nhà nước là tạo một môi trường cạnh tranh công bằng không cho phép các doanh nghiệp lớn chèn ép các doanh nghiệp nhỏ qua đó khuyến khích sự phát triển đồng bộ của hệ thống doanh nghiệp trong cả nước. Nói riêng về mặt hàng giầy dép là mặt hàng có tính quốc tế cao, nó mang tính truyền thống nhưng là sự pha trộn giữa truyền thống và hiện đại. Vì vậy, để mở rộng và phát triển thị trường giầy dép Việt Nam không thể không quan hệ buôn bán thương mại với các nước xuất nhập khẩu giầy dép khác trên thế giới. Nhà nước phải thường xuyên có những cuộc giao lưu thương mại với các bạn hàng vừa là xuất khẩu vừa là nhập khẩu giầy dép của Việt nam, đồng thời cũng cần có chính sách gửi các đoàn chuyên gia, các thiết kế viên sang học tập, đào tạo ở nước ngoài…
- Vốn
Vốn hiện tại của các công ty giầy còn rất hạn chế, đặc biệt khi tham gia vào hoạt động xuất khẩu (thanh toán trả chậm). Nhà nước cần thực hiện chế độ hỗ trợ vốn cho xuất khẩu thông qua cấp tín dụng xuất khẩu trên cơ sở các tài liệu, luận cứ chứng minh được hàng xuất khẩu thực hiện đã có khách hàng ở nước ngoài đặt để sản xuất theo hợp đồng.
Về thời hạn vay vốn đầu tư trong kế hoạch cần từ 5 - 7 năm. Ngoài ra Nhà nước cần phải hạ lãi suất tiền vay ngân hàng đối với các đơn vị sản xuất giầy (hiện nay giá vay ngân hàng Ngoại thương Việt Nam là 0,76%/ tháng).