Về đặc điểm sinh thái thời gian trong ngày, dựa theo số liệu phân tích có thể thấy rõ Thỏ vằn Trường Sơn là loài thú chuyên sống về đêm (Hình 11), với tuyệt đại đa số (144/145) lần ghi lần là từ 18h00 đến 4h00. Chỉ có một lần duy nhất trong suốt một năm điều tra bẫy ảnh, các máy ảnh ghi nhận được 1 cá thể Thỏ vằn Trường Sơn xuất hiện lúc 17h58, tức là cũng xấp xỉ 18h00, và thời điểm ghi nhận được thời gian này là tháng 12, tức là thuộc giai đoạn có thời gian ngày ngắn, đêm dài, và trời thường tối sớm ở khu vực Thừa Thiên Huế. Ngoài ra, khoảng thời gian từ 23h00 đến 3h00 có thể là thời gian hoạt động thường xuyên nhất của N. timminsi, chiếm tới xấp xỉ 73% tổng số ghi nhận.
Hình 12. Tỉ lệ xuất hiện từ 18h00 đến 22h00 ở các tháng trong năm của Thỏ vằn
Trường Sơn
Với các quãng thời gian sớm hơn, từ 18h00 đến 22h00, xu hướng tương tự cũng được thể hiện, với số lần ghi nhận ở loài Thỏ vằn Trường Sơn từ tháng 4 đến tháng 10, tức là những tháng có thời gian ngày dài hơn thời gian đêm, và thời gian trời tối hẳn khá muộn, thường là sau 18h30, chỉ chiếm 25% tổng số ghi nhận trong quãng thời gian này (Hình 12). Do vậy, học viên giả thuyết là dù Thỏ vằn Trường Sơn là loài chuyên sống về đêm, như kết quả của các nghiên cứu trước đây cũng như của nghiên cứu này đã chứng minh, nhưng lồi có xu hướng hoạt động nhiều hơn hẳn vào thời gian khuya muộn từ gần nửa đêm trở đi đến trước khi mặt trời mọc, tức là từ 23h00 đêm hôm trước đến 4h00 hôm sau.