Đối với doanh nghiệp đóng tàu biển

Một phần của tài liệu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay tới thị trường tàu biển việt nam (Trang 77 - 80)

III. Các giải pháp ở cấp độ vi mô

2. Đối với doanh nghiệp đóng tàu biển

2.1. Có chính sách chia sẻ gánh vác với bạn hàng

Thực trạng đối với các hợp đồng đóng tàu cho thấy, nếu thực hiện việc giao tàu như thời hạn trong hợp đồng đã ký không có lợi cho cả các xưởng đóng tàu và bạn hàng. Thế giới đã quá dư thừa nguồn cung tàu, hơn nữa nguồn tín dụng trong thời buổi này trở nên khan hiếm với cả các chủ tàu và cả các xưởng đóng tàu nên nếu tiếp tục hợp đồng thì nhiều chủ tàu sẽ bỏ tiền đặt cọc và phá vỡ hợp đồng do không có nguồn tín dụng để tiếp tục duy trì hợp đồng trong lúc này.

Do tình trạng khó khăn chung, nên để tránh tình trạng hủy đơn đặt hàng các xưởng đóng tàu và chủ tàu cần ngồi lại với nhau thương lượng cách thức gây ít tổn thất nhất cho cả đôi bên. Và nếu muốn hợp đồng vẫn tiếp tục được thực hiện thì không còn cách nào khác các xưởng đóng tàu nên đồng ý giãn tiến độ giao tàu và thanh toán. Tất nhiên việc nay sẽ gây ra những chi phí không đáng có đối với các xưởng đóng tàu và khiến cho kế hoạch sản xuất kinh doanh bị xáo trộn. Nhưng chia sẻ với bạn hàng trong thời điểm này là cách làm khôn ngoan, giúp các xưởng còn có việc để làm.

2.2. Tăng cường công tác dự báo

Ngoài sự hỗ trợ của Chính phủ trong việc thành lập các trung tâm nghiên cứu và dự báo thị trường thì các doanh nghiệp cũng cần phải chủ động xây dựng cho mình phòng ban nhằm tổng hợp thông tin, nghiên cứu và dự báo những diễn biến của thị trường. Nếu có thể dự báo được một phần diễn biến của thị trường các doanh nghiệp sẽ có những quyết định đầu tư đúng đắn và hiệu quả hơn.

2.3. Tăng cường các hoạt động marketing và tìm kiếm khách hàng mới

Hoạt động marketing vốn có tầm quan trọng và ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của bất kỳ một hãng kinh doanh nào. Đặc biệt, khủng hoảng tác

động tới thị trường làm cho nguồn hàng trở nên khan hiếm, cạnh tranh giành giật thị phần và đơn hàng sẽ còn khó khăn hơn nữa. Chính điều này mà những hoạt động marketing của doanh nghiệp cần phải được thực hiện tốt hơn nữa thì mới có thể nhận được những đơn hàng vốn đã khô kiệt vì khủng hoảng.

Các doanh nghiệp cần tham gia các triển lãm, hội chợ nước ngoài để quảng bá sản phẩm tới các nước bạn. Cần có những cơ quan ở nước ngoài để cung cấp thông tin mà các bạn hàng cần một cách kịp thời và đầy đủ. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng nên tham gia vào các cổng thương mại điện tử quốc gia hay cổng thông tin ngành nghề để quảng bá sản phẩm tới các khách hàng tiềm năng.

2.4. Nâng cao chất lượng đóng tàu và thực hiện đúng tiến độ các hợp đồng chưa bị hủy hoặc giãn tiến độ hợp đồng chưa bị hủy hoặc giãn tiến độ

Các doanh nghiệp đóng tàu trong nước trong thời gian qua đã có bước tiến bộ vượt bậc và đã có nhiều hợp đồng xuất khẩu những tàu có trọng tải lớn. Tuy nhiên, để những hợp đồng đó còn tiếp tục tới tay các nhà máy đóng tàu Việt Nam thêm nữa, các nhà máy cần tập trung cải thiện chất lượng đóng tàu, tiếp đó là tập trung nguồn lực để hoàn thành hợp đồng đúng thời hạn.

Các nhà máy sau khi rà soát lại hoạt động tìm ra những dự án không hiệu quả cần nghiêm khắc cắt bỏ để tập trung nguồn lực giới hạn thực hiện các dự án mang lại hiệu quả cao. Có như vậy thì Việt Nam mới có thể tạo được niềm tin đối với các chủ tàu và có cơ hội nhận thêm các hợp đồng mới.

2.5. Chú trọng phát triển cả lĩnh vực sửa chữa tàu biển

Trong khi hàng loạt các đơn đặt hàng bị hủy hoặc giãn tiến độ thời gian thực hiện còn các đơn hàng mới thì trở nên quá ít ỏi thì việc chú trọng phát triển lĩnh vực sửa chữa tàu biển sẽ là một biện pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp đóng tàu vẫn có thể tiếp tục tồn tại và phát triển.

Việt Nam được đánh giá là một nước có tiềm năng trong phát triển ngành dịch vụ sửa chữa tàu biển do nước ta gần với đường hàng hải quốc tế

chủ yếu trên biển Đông tức là các tàu chỉ cần chuyển hướng một chút là có thể tới các xưởng sửa chữa của Việt Nam, điều này giúp Việt Nam có thể trở thành nơi sửa chữa hấp dẫn như Singapore.

Hơn nữa, như đã phân tích ở chương 2, hầu hết những con tàu lớn của Việt Nam đều phải mang ra nước ngoài sửa chữa mà tốn rất nhiều tiền, do đó chỉ cần chú trọng vào phát triển lĩnh vực này các doanh nghiệp chắc chắn sẽ có được nguồn hàng ổn định là các tàu trong nước chứ chưa kể tới những tàu nước ngoài như lợi thế về địa lý đem lại. Mặt khác, cũng do cuộc khủng hoảng mà nhiều doanh nghiệp không đủ kinh phí để đóng thêm tàu mới, họ chủ yếu khai thác tàu cũ và già nên cần được bảo dưỡng sửa chữa thường xuyên.

Phát triển lĩnh vực sửa chữa lại không mất chi phí đầu tư ban đầu lớn và mất nhiều thời gian như trong lĩnh vực đóng tàu. Do đó, song song với đầu tư phát triển công nghiệp đóng tàu các doanh nghiệp cũng cần chú trọng phát triển dịch vụ sửa chữa tàu biển, một lĩnh vực sẽ trở nên cần thiết không chỉ trong thời khủng hoảng mà còn sinh lợi cao nếu đội tàu Việt Nam ngày càng phát triển.

2.6. Tăng cường đào tạo phát triển nguồn nhân lực

Nguồn nhân lực bao giờ cũng là yếu tố đầu tiên giúp cho sự phát triển của bất kỳ ngành nào. Do vậy, tranh thủ cơ hội mà cuộc khủng hoảng tạo ra các doanh nghiệp đóng tàu cần có những chính sách thu hút nguồn nhân lực trình độ cao và giàu kinh nghiệm ở những trung tâm đóng tàu lớn trên thế giới về phục vụ cho sự phát triển của công nghiệp đóng tàu nước nhà.

Ngoài chính sách thu hút nhân lực trình độ cao thì các doanh nghiệp cũng cần chú trọng tới việc đào tạo nguồn nhân lực hiện có. Trong khi khủng hoảng đang diễn biến khó lường và các hợp đồng mới ít dần doanh nghiệp cần tiến hành đào tạo đội ngũ nhân viên, quản lý hiện tại. Cử những kỹ sư đi học tại nước ngoài hay mời chuyên gia về giảng dậy để nâng cao trình độ tay nghề của thợ đóng tàu (hình thức du học tại chỗ).

Các cơ sở đào tạo cần liên doanh liên kết với nhau và tham gia vào các hiệp hội chuyên ngành quốc tế, tiếp cận và trao đổi kinh nghiệm tiên tiến. Cần có sự gắn kết đào tạo với các trường để tăng khả năng thực hành của nguồn nhân lực tương lai.

Đặc biệt, cần cử đi học nước ngoài về lĩnh vực thiết kế, chế tạo để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm đóng tàu của Việt Nam trong tương lai.

2.7. Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ

Công nghiệp phụ trợ là khái niệm chỉ toàn bộ những sản phẩm công nghiệp có vai trò hỗ trợ cho việc sản xuất các sản phẩm chính. Công nghiệp phụ trợ đóng vai trò quan trọng trong việc tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chính và đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa theo hướng vừa mở rộng vừa thâm sâu. Công nghiệp phụ trợ không phát triển sẽ làm cho các công ty lắp ráp và sản xuất cuối cùng phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Vì vậy ngành đóng tàu cần đầu tư các cụm công nghiệp phụ trở như thép cường độ cao, thép ống, lắp ráp, và chế xuất các thiết bị điện tàu thủy, vật liệu trang trí nội thất trên tàu…

Ngành cũng nên rà soát lại các cơ sở công nghiệp phụ trợ, ưu tiên cấp vốn và tạo điều kiện để đổi mới trang thiết bị, đổi mới công nghệ tại những cơ sở có quy mô tương đối lớn như Hải phòng, Quảng Ninh, Vũng Tàu… Đặc biệt, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam thay vì đóng những con tàu có năng lực chuyên chở nhỏ nên chuyển thành sản xuất các sản phẩm phụ trợ cho ngành công nghiệp đóng tàu, bổ trợ cho một số những nhà máy đóng tàu chính. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp đóng tàu vượt khó dễ hơn, chất lượng tàu sẽ tăng lên, tỷ lệ nội địa hóa cũng sẽ tăng lên, mà các đơn hàng tập trung về một mối thì ngành đóng tàu Việt Nam sẽ phát triển bền vững hơn trong thời gian sắp tới.

Một phần của tài liệu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay tới thị trường tàu biển việt nam (Trang 77 - 80)