I. Vài nét về thị trường tàu biển Việt Nam 1.Đối với thị trường vận tải biển
1.2. Các doanh nghiệp vận tải biển
Nghị định số 57/2001/NĐ – CP ngày 24/8/2001 về điều kiện kinh doanh vận tải biển đã bỏ việc cấp phép cho các đối tượng hành nghề vận tải biển được áp dụng trước đó. Đồng thời, không phân biệt các thành phần kinh tế, tạo thuận lợi cho các đối tượng được tham gia kinh doanh vận tải biển. Chính vì vậy, hiện nay cơ cấu các doanh nghiệp vận tải biển rất đa dạng về sở hữu có cả các doanh nghiệp nhà nước, các công ty cổ phần, tư nhân, và cả các liên doanh với nước ngoài. Ngoài ra các hãng tàu nước ngoài cũng được phép tham gia khai thác thị trường Việt Nam thông qua các đại lý đại diện ở Việt Nam.
Số lượng các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh vận tải biển tăng từ 239 doanh nghiệp năm 2000 lên tới 539 doanh nghiệp năm 2008, trong đó có 101 doanh nghiệp Nhà nước, 149 doanh nghiệp cổ phần, 251 công ty trách nhiệm hữu hạn, 32 doanh nghiệp tư nhân và 6 liên
doanh với nước ngoài. Dù các doanh nghiệp vận tải biển đã có bước phát triển vượt bậc trong giai đoạn từ năm 2001 tới đầu 2008 về chất lượng dịch vụ và doanh thu. Tuy nhiên, với số lượng doanh nghiệp vận tải biển nhiều như vậy nên không tránh khỏi việc phân tán manh mún quy mô nhỏ dẫn tới sức cạnh tranh kém.
Hiện các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam có đội tàu gồm 1445 tàu tổng trọng tải hơn 5,5 triệu DWT, trong đó tàu container lớn nhất có sức chở 1.130 TEUs, tàu dầu lớn nhất có sức tải 150.000 DWT và tàu hàng rời lớn nhất lên tới 73.350 DWT. 1445 tàu là một con số không phải là quá nhỏ, nó thể hiện sự tăng trưởng nhanh chóng của đội tàu của các doanh nghiệp vận tải trong nước. Tuy nhiên với 1445 con tàu tổng trọng tải chỉ là 5,5 triệu DWT điều này cũng nói lên rằng đội tàu của các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam vẫn còn yếu về chất lượng và chủ yếu là những tàu có trọng tải nhỏ.
Trong số các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam, Tổng công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines) là lớn nhất, hiện có 25 công ty con, 31 công ty liên kết và 16 công ty phụ thuộc và chi nhánh. Đội tàu của Vinalines tính đến 6/2008 có tới 141 chiếc, với tổng trọng tải đạt gần 2,4 triệu DWT, tuổi tàu bình quân là 16,4 với cơ cấu 119 chiếc tàu hàng khô tổng trọng tải 1,93 triệu DWT, 7 tàu chở dàu tổng trọng tải 292 ngàn DWT và 15 tàu container tổng trọng tải 158 ngàn DWT. Trong hơn 70 đơn vị thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), rất nhiều doanh nghiệp tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận đều ở quanh mức đặc biệt ấn tượng, 50% trong năm 2008, và mức tăng trưởng doanh thu lợi nhuận các năm trước.
Trong những năm qua, các công ty vận tải biển Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao, đội tàu được đầu tư mạnh hơn, nguồn nhân lực cũng được quan tâm đào tạo song để thị trường vận tải biển phát triển nhanh hơn nữa thì các công ty cần phải giải quyết được các vướng mắc sau.
Thứ nhất, đội tàu của các doanh nghiệp trong nước còn yếu về chất lượng, sức tải chưa cao, chưa có nhiều tàu lớn và hiện đại. Nên các doanh nghiệp chưa thể khai tận dụng được lợi thế do quy mô đem lại khi khai thác tàu nên chưa đạt được sự hiệu quả nhất.
Thứ hai, do hạ tầng cảng biển chưa đáp ứng tiêu chuẩn, chưa thể đón được tàu mẹ nên vào ăn hàng để vận chuyển trực tiếp đi cảng xa, nên toàn bộ hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam đi các thị trường xa đều phải mất thêm chi phí gom hàng và chuyển tải qua các cảng lớn như Singapore, Hồng Kông… thậm chí là Thái Lan […] Do vậy, cước phí vận tải biển của Việt Nam thường cao hơn các nước trong khu vực 20% - 30% đối với vận chuyển hàng container. Ví dụ so sánh với Thái Lan, giá cước vận chuyển từ Hải Phòng và Thành phố Hồ Chí Minh đi Mỹ cao hơn 450 –500 USD/container hàng thông thường và 750 USD/container hàng đông lạnh.
Thứ ba, chất lượng dịch vụ mà các công ty vận tải biển Việt Nam cung ứng còn chưa cao, nhiều chủ hàng e ngại không muốn thuê tàu của Việt Nam chuyên chở vì sợ mất an toàn cho hàng hóa, hơn nữa có thể không đảm bảo được lịch trình và thời hạn chuyên chở. Các dịch vụ của các công ty Việt Nam còn ít và chưa có các gói dịch vụ trọn gói như các hãng vận tải nước ngoài.
Với mức cước thiếu tính cạnh tranh, chất lượng dịch vụ chưa cao đã khiến các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam thua ngay trên sân nhà. Đội tàu trong nước chỉ chiếm thị phần rất nhỏ trong khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu chuyên chở bằng đường biển. Trên thực tế mới chuyên chở chưa đầy 20% khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, phần lớn còn lại là do đội tàu nước ngoài đảm nhận như đội tàu của các hãng Meask Line, NYK, P&O… Hầu hết hàng hóa Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài đều đi tàu ngoại, chứ không nói tới số hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam (chiếm hơn một nửa tổng số hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam) thì càng khó để doanh nghiệp Việt Nam có thể giành được các hợp đồng chuyên chở từ nước ngoài về nước.
Ngoài các doanh nghiệp vận tải thuộc sở hữu nhà nước, các công ty cổ phần, tư nhân… còn cần phải kể tới các liên doanh như Germatrans (Vinalines liên doanh với Pháp), Vijaco, Vinabridge (liên doanh với Nhật), Phili – Orient, Cosfi (liên doanh với Singapore), Vinashin – Huyndai (liên doanh với Hàn Quốc),…Các liên doanh này đang hoạt động rất hiệu quả tại thị trường Việt Nam và là đối thủ cạnh tranh đáng gờm của các công ty vận tải biển Việt Nam và đang nắm thị phần lớn trong thị trường vận tải biển Việt Nam.