Những vấn đề chung của phương pháp phân tổ thống kê

Một phần của tài liệu Giáo trình Nguyên lý thống kê (Nghề: Kế toán doanh nghiệp - Cao đẳng) - Trường CĐ Nghề Việt Đức Hà Tĩnh (Trang 31 - 33)

c, Phân tích và dự báo thống kê đối với các hiện tượng có tính chất và hình th ức phát triển khác nhau phải áp dụng các phương pháp khác nhau.

3.1.Những vấn đề chung của phương pháp phân tổ thống kê

3.1.1. Khái niệmphân tổ thống kê

Phân tổ thống kê là căn cứ vào một hoặc một số tiêu thức nào đó để phân chia các đơn vị của hiện tượng nghiên cứu thành các tổ và các tiểu tổ có tính chất khác nhau.

Ví dụ: khi nghiên cứu tình hình sản xuất của các doanh nghiệp, có thể chia các doanh nghiệp thành các tổ theo các tiêu thức như: “thành phần kinh tế”, “ số lượng lao động”, “giá trị sản xuất ”, “thu nhập bình quân của một lao động”,...

Khi phân tổ thống kê, các đơn vị tổng thể được tập hợp thành một số tổ ( và tiểu tổ), giữa các tổ có sự khác nhau rõ về tính chất, còn trong phạm vi mỗi tổ, các đơn vị đều có sự giống nhau hoặc gần giống nhau về tính chất theo tiêu thức được dùng làm căn cứ phân tổ.

2.1.2 Ý nghĩa của phân tổ thống kê

- Phân tổ thống kê có nhiều ý nghĩa trong nghiên cứu thống kê

+ Trong một số trường hợp điều tra thống kê người ta phải dùng đến phương pháp phân tổ.

Ví dụ: Khi điều tra doanh thu của những người buôn bán trước hết phải chia số người buôn bán theo ngành hàng, nhóm hàng kinh doanh để thu thập số liệu của những người buôn bán theo từng ngành hàng, nhóm hàng đó.

+ Phân tổ thống kê là phương pháp cơ bản để tiến hành hệ thống hóa tài liệu một cách khoa học trong tổng hợp thống kê. Đây là công việc tất yếu khách quan, vì hiện tượng kinh tế xã hội rất phức tạp. Khi tổng hợp thống kê, các đơn vị trong tổng thể có cùng đặc điểm, tính chất được sắp xếp chung vào một tổ. Sau đó nghiên cứu đặc điểm riêng từng tổ và rút ra các đặc điểm chung của tổng thể.

+ Phân tổ thống kê là một trong những phương pháp quan trọng của phân tích thống kê và là cơ sở để áp dụng các phương pháp phân tích thống kê khác như phương pháp chỉ số, tương quan, bảng cân đối,...

Phân tổ thống kê thực hiện việc nghiên cứu cái chung và cái riêng một cách kết hợp. Các đặc trưng số lượng của từng tổ giúp ta thấy được đặc trưng của cả tổng thể, nhận thức được bản chất và quy luật của hiện tượng. Tổng thể hiện tượng được chia thành các tổ có quy mô, đặc điểm khác nhau, mặt số lượng và quan hệ số lượng của các tổ phản ánh mức độ, kết cấu của hiện tượng và mối liên hệ giữa các tiêu thức.

Phương pháp phân tổ được vận dụng phổ biến nhất trong việc nghiên cứu các hiện tượng kinh tế-xã hội. Vai trò của phương pháp phân tổ được quyết định bởi nội dung lý luận phong phú và hiệu quả to lớn của nó trong toàn bộ quá trình nghiên cứu thống kê hoàn chỉnh

2.1.3 Nhiệm vụ của phân tổ thống kê.

- Phân tổ thống kê phải giải quyết các nhiệm vụ cơ bản sau:

+ Phân chia hiện tượng nghiên cứu theo các loại hình kinh tế - xã hội

Ví dụ: Phân tổ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp theo ngành hoạt động, theo thành phần kinh tế,...

Các loại hình kinh tế - xã hội tồn tại khách quan. Sự vận động và phát triển của toàn bộ hiện tượng là kết quả đấu tranh giữa các loại hình đối lập tồn tại ngay trong bản thân hiện tượng. Do vậy, việc nêu rõ những loại hình tồn tại trong hiện tượng có ý nghĩa quan trọng. Muốn vậy, trước hết phải dựa vào lý luận kinh tế- chính trị-xã hội để phân biệt các bộ phận khác nhau về tính chất và tồn tại khách quan trong nội bộ hiện tượng.

+ Biểu hiện kết cấu của hiện tượng nghiên cứu (phân tổ kết cấu).

Mỗi hiện tượng kinh tế xã hội thường bao gồm nhiều bộ phận, nhiều nhóm đơn vị có tính chất khác nhau hợp thành. Các bộ phận, các nhóm này chiếm những tỷ trọng và biểu hiện tầm quan trọng của chúng trong tổng thể. Tỷ trọng của các bộ phận phản ánh kết cấu của tổng thể theo một tiêu thức nào đó. Phân tổ kết cấu là xác định chính xác các bộ phận có tính chất khác nhau trong tổng thể, sau đó tính toán các tỷ trọng của các bộ phận này.

Trong công tác nghiên cứu thống kê, các bảng phân tổ kết cấu được sử dụng rất phổ biến. Kết cấu của tổng thể phản ánh một trong các đặc trưng cơ bản của tổng thể trong điều kiện thời gian và không gian cụ thể. Sự thay đổi của kết cấu tổng thể qua thời gian giúp ta thấy được xu hướng phát triển của hiện tượng nghiên cứu.

+ Biểu hiện mối liên hệ giữa các tiêu thức (phân tổ liên hệ).

Giữa các hiện tượng kinh tế xã hội hoặc giữa các tiêu thức thống kê thường có mối liên hệ và phụ thuộc lẫn nhau theo những quy luật nhất định. Sự biến động của hiện tượng (hoặc tiêu thức) này là kết quả tác động của các hiện tượng (hoặc tiêu thức) khác có liên quan. Nghiên cứu tính chất và mức độ của mối liên hệ giữa các hiện tượng (hoặc tiêu thức) là một trong những nhiệm vụ quan trọng của phân tổ thống kê. Theo tiêu thức nguyên nhân, phân tổ thống kê chia hiện tượng nghiên cứu thành các tổ và tính toán các mức độ của các bộ phận tương ứng theo tiêu thức kết quả. Qua đó xác định mối liên hệ có tính quy luật giữa hai tiêu thức.

Một phần của tài liệu Giáo trình Nguyên lý thống kê (Nghề: Kế toán doanh nghiệp - Cao đẳng) - Trường CĐ Nghề Việt Đức Hà Tĩnh (Trang 31 - 33)