c, Phân tích và dự báo thống kê đối với các hiện tượng có tính chất và hình th ức phát triển khác nhau phải áp dụng các phương pháp khác nhau.
3.1.2. Đơn vị tính số tuyệt đố
Các số tuyệt đối trong thống kê đều có đơn vị tính cụ thể. Tuỳ theo tính chất của hiện tượng và mục đích nghiên cứu, đơn vị tính số tuyệt đối có thể đo bằng đơn vị tự nhiên, đơn vị thời gian lao động và đơn vị tiền tệ
- Đơn vị tự nhiên là đơn vị tính toán phù hợp với đặc điểm vật lý của hiện tượng. Các hiện tượng này có thể tính theo chiều dài (mét, kilômét, hải lý); theo diện tích (mét vuông, hécta, kilômét vuông); theo trọng lượng (tấn, tạ, kilôgam); theo dung tích (mét khối, lít)…Đơn vị tự nhiên cũng có thể là số đơn vị của tổng thể (cái, con, chiếc), số người, số sự kiện… Trong nhiều trường hợp dùng đơn vị kép để tính toán như: sản lượng điện được tính bằng kilôoát/giờ (Kw/h), khối lượng hàng hoá luân chuyển tính bằng tấn/kilômét. Trong sản xuất có những sản phẩm giống nhau về giá trị sử dụng nhưng khác nhau về kích thước, trọng lượng, công suất…phải dùng đơn vị hiện vật tiêu chuẩn để tính đổi và tiến hành tổng hợp tài liệu. Ví dụ, lương thực quy ra thóc, máy kéo có công suất tiêu chuẩn bằng 15 sức ngựa….
- Đơn vị thời gian lao động: dùng để tính lượng lao động hao phí để sản xuất những sản phẩm không thể tổng hợp, so sánh bằng các đơn vị tính toán khác hoặc những sản phẩm phức tạp do nhiều người thực hiện qua nhiều giai đoạn khác nhau. Đơn vị thời gian lao động như: ngày công, giờ công.
- Đơn vị tiền tệ: được sử dụng rộng rãi nhất trong thống kê để biểu hiện giá trị sản phẩm. Nó giúp cho việc tổng hợp và so sánh nhiều loại sản phẩm có giá trị sử dụng khác nhau. Tuy nhiên, đơn vị tiền tệ có nhược điểm lớn là chịu ảnh hưởng của giá cả, nên việc tính số tuyệt đối theo đơn vị tiền tệ sẽ không có tính chất so sánh được qua thời gian. Để khắc phục nhược điểm chịu ảnh hưởng của giá cả, thống kê dùng giá so sánh hay giá cố định là giá thực tế của kỳ được chọn làm gốc khi so sánh giá trị khối lượng sản phẩm qua hai kỳ.
3.1.3 Các loại số tuyệt đối
- Số tuyệt đối thời kỳ
Số tuyệt đối thời kỳ phản ánh qui mô, khối lượng của hiện tượng nghiên cứu trong một độ dài thời gian nhất định.
Ví dụ: Sản lượng lương thực qui thóc nước ta năm 1999 là 29 triệu tấn, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 1997 là 52.198 nghìn tỷ đồng.
Đặc điểm của số tuyệt đối thời kỳ là sự tích luỹ về lượng của hiện tượng trong cả thời gian nghiên cứu, nên có thể cộng dồn các số tuyệt đối thời kỳ. Thời kỳ tính toán càng dài, trị số của chỉ tiêu càng lớn.
- Số tuyệt đối thời điểm
Số tuyệt đối thời điểm phản ánh qui mô, khối lượng của hiện tượng tại một thời điểm nhất định.
Ví dụ: Tổng số dân nước ta có lúc 0 giờ ngày 1/4/1989 là 64.411.668 người. Đặc điểm của số tuyệt đối thời điểm là không có sự tích lũy về lượng, trị số của chỉ tiêu lớn hay nhỏ không phụ thuộc vào thời gian dài hay ngắn.
3.1.4. Đặc điểm của số tuyệt đối
Đặc điểm của số tuyệt đối trong thống kê là gắn liền với hiện tượng kinh tế - xã hội cụ thể, trong điều kiện thời gian và địa điểm cụ thể. Để có được con số tuyệt đối chính xác, phải xác định được một cách cụ thể, đúng đắn nội dung kinh tế-xã hội mà chỉ tiêu phản ánh
Số tuyệt đối trong thống kê phải thông qua các giai đoạn điều tra thu thập, tổng hợp thực tế mà có và phải có đơn vị tính cụ thể. Trong nhiểu trường hợp phải sử dụng các phương pháp tính toán khác nhau mới có được số tuyệt đối.