5. Phương pháp nghiên cứu
2.2. Con người trong không gian làng quê
2.2.2. Chân dung tinh thần Nguyễn Khuyến
Văn học vốn là sản phẩm của sự sáng tạo cá nhân. Mỗi tác phẩm thơ ca đều là nơi chất chứa tình yêu, những trăn trở, suy tư, những niềm vui, nỗi buồn… của người nghệ sỹ. Qua sáng tác văn học, ta thấy được thế giới tâm hồn, thế giới bên trong, thấy được bức chân dung tinh thần của tác giả. Chân dung tinh thần của tác giả trong sáng tác chính là toàn bộ thế giới tinh thần với những cảm xúc phong phú, những quan niệm tư tưởng về cuộc sống, con người mà nhà văn, nhà thơ thể hiện trong tác phẩm. Con người ấy vừa có quan hệ chặt chẽ, thống nhất với đời sống tinh thần của chính tác giả, lại vừa có những nét tiêu biểu của đời sống tâm lý thời đại. Thơ Nguyễn Khuyến không nằm ngoài quy luật ấy. Đọc thơ Nguyễn Khuyến, ta
nhận ra bức chân dung tinh thần của một nhà nho có nhân cách thanh cao, có lòng yêu nước nồng nàn và tâm hồn của một nghệ sỹ tài hoa gắn chặt với không gian sinh thái tinh thần xã hội, thời đại trong buổi giao thời loạn lạc và không gian sinh thái tinh thần làng quê bền vững, đẹp đẽ.
2.2.2.1. Nguyễn Khuyến - một nhà nho có nhân cách thanh cao
Có thể nói, bước sang thế kỉ XIX, bầu khí quyển chung của thời đại đã có những đứt gẫy, biến động lớn. Không khí xã hội căng thẳng sục sôi trong tiếng súng của thực dân Pháp, vua Tự Đức băng hà, triều đình lộn xộn. Môi trường thanh sạch của xã hội - nơi nhà nho nghìn đời khao khát lập chí, lập danh đã bị hủy hoại nghiêm trọng. Không ít kẻ chấp nhận thân phận nô lệ tôi đòi, tự nhuộm đen tâm hồn, khom lưng uốn gối làm tay sai cho giặc. Nguyễn Khuyến lại khác, lấy cớ ốm đau, ông xin cáo quan về quê nhà. Nguyễn Khuyến dứt khoát, nhẹ nhàng chọn cho mình con đường rút lui, cũng là con đường giữ khí tiết, nhân cách thanh cao của nhà nho chân chính. Ở Nguyễn Khuyến không có sự dùng dằng, nuối tiếc vì những giấc mộng dang dở như Nguyễn Trãi khi “quy khứ lai từ”, ông thẳng thắn giãi bày sự lựa chọn của mình:
“Ngươi chớ giận Lỗ hầu chẳng gặp” (Trở về vườn cũ, 119)
Mượn câu chuyện Lỗ Bình công thời Chiến quốc, nhà thơ khẳng định ông bỏ quan về cũng là do không gặp được vua hiền, chúa giỏi, do thời thế xui nên. Vì thế, trong thơ Nguyễn Khuyến ta không thấy những day dứt, trở trăn để đi đến sự lựa chọn. Ngược lại, ông luôn nhắc đi nhắc lại trong thơ câu chuyện mình đã từ quan như một lời khẳng định nhân cách trong sạch. Ông viết Cáo quan về ở nhà để tự nhắc “Ngần ấy năm nay vẫn ở nhà”. Ông tự coi mình như “ông phỗng đá” “anh giả điếc” giữa những hỗn loạn xô bồ của thời thế nhiễu nhương, giữa những phường danh lợi bon chen, sẵn sàng xu thời mà bán rẻ lương tâm, danh dự của mình.
Nhân cách trong sạch của Nguyễn Khuyến còn được thể hiện trong thái độ khinh ghét của ông với thực dân Pháp và sản phẩm của chúng là bọn quan lại tham lam, lũ me Tây, gái điếm trơ tráo. Nguyễn Khuyến không thể thở chung một bầu
trời, uống chung một dòng nước với những kẻ nhân cách xấu xa, đê tiện. Trở về với không gian làng quê nhưng Nguyễn Khuyến không có được cái thoát tục của Đào Tiềm thuở trước, không có cái nhàn tản của Nguyễn Bỉnh Khiêm trong cảnh “Một mai, một cuốc, một cần câu/Thơ thẩn dầu ai vui thú nào”. Bởi lẽ, thời thế đổi thay, cái loạn lạc của thời cuộc làm bật gốc lung lay những giá trị truyền thống ở những thành trì tưởng chừng sâu chắc nhất. Mảnh đất Yên Đổ vốn bình yên nghìn đời sau lũy tre xanh, giờ đây trong cơn mưa gió của thời loạn cũng diễn ra bao cảnh chướng tai gai mắt. Nguyễn Khuyến dựng lại những bức tranh khác nhau về hiện tại đương thời, về những cái lố lăng trong đời sống với cái nhìn khinh khi, không giấu nổi đau xót. Đó là cảnh những ông Đốc học nhưng không làm phận sự chăm lo sự học cho nhân dân mà:
“Chỉ cốt túi mình cho nặng chặt, Trăm năm mặc kệ tiếng chê khen.”
(Tặng Đốc học Hà Nam, 165) Đó là cảnh những người phụ nữ được gọi là “gái ngoan” nhưng là “ngoan” trong việc “ẩu chiến với Tây quan” :
“Ba vuông phất phới cờ bay dọc Một bức tung hoành váy xắn ngang.”
(Lấy Tây, 183)
Lá cờ bay phất phới trên cao bằng vạt váy tung hoành của người đàn bà. Cái thiêng liêng cao quý đánh đồng với cái thấp kém, dung tục. Câu thơ thấm thía nỗi nhục đau đớn của cảnh đời ngang trái, nô lệ. Có lúc Nguyễn Khuyến mai mỉa, bóng gió người đàn bà tham lam làm me Tây:
“Nghe nói muốn thôi, thôi chửa được Đương làm dơ dở đã thôi a?”
(Tặng bà Hậu Cẩm, 169)
Có lúc, ông chỉ thẳng mặt, chửi thẳng đối tượng bằng những lời cay nghiệt: “Vợ bợm, chồng quan, danh phận đó
Cha đời con đĩ cầu Nôm.”
(Đĩ cầu Nôm, 171) Có lúc ông đau xót thốt lên:
“Khen ai khéo vẽ trò vui thế
Vui thế bao nhiêu nhục bấy nhiêu!” (Hội Tây, 185)
Ngày hội thăng bình của nước Pháp, người ta mừng đất nước thái bình vui vẻ, vậy mà bao người dân An Nam ta đã quên đi nỗi đau, nỗi nhục mất nước để hòa vào những trò mua vui, làm hề cho thiên hạ. Tiếng pháo reo, cờ hoa, đèn đuốc rực rỡ kia đâu phải dành cho những kiếp đời nô lệ, những trò tiêu khiển nhục mạ con người kia đâu phải niềm vui thanh bình đáng được hưởng. Nhà thơ đau xót vì người dân mông muội, ngây thơ thích thú trò diễn xiếc tầm thường. Trong tiếng kêu phẫn uất của ông có sự nhức nhối, bất lực của con người vốn từ lâu cũng đã tự coi mình là thứ “đồ chơi”, tầm thường, vô tích sự. Có thể nói, Nguyễn Khuyến không chấp nhận, không tha thứ, không thể điều hòa với những kẻ xấu xa, hèn kém, những thứ lố lăng, kệch cỡm. Sự quyết liệt của ông càng ngời lên nhân cách trong sáng, đẹp đẽ của bậc Tam nguyên đáng kính.
2.2.2.2. Một tấm lòng yêu nước nồng nàn
Một điểm đáng quý trong tâm hồn Nguyễn Khuyến chính là tấm lòng yêu nước nồng nàn. Như đã nói ở trên, cặp đôi biểu tượng đất – nước thường trở đi trở lại trong thơ Nguyễn Khuyến như nỗi day dứt khôn nguôi về thực cảnh nước mất nhà tan bấy giờ. Thơ Nguyễn Khuyến luôn mang nỗi buồn, đầy nước mắt khi nói về tình cảnh đất nước:
“Ðời loạn người về như hạc độc Tuổi già hình bóng tựa mây côi.”
(Gửi bạn, 144) “Sách vở ích gì cho buổi ấy
Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già”
Nguyễn Khuyến có những bài mượn vật để ngụ tình thấm thía về đất nước như Cuốc kêu cảm hứng:
“Khắc khoải đưa sầu giọng lửng lơ, Ấy hồn Thục đế thác bao giờ? Năm canh máu chảy đêm hè vắng, Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ, Có phải tiếc xuân mà đứng gọi, Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ. Thâu đêm ròng rã kêu ai đó,
Giục khách giang hồ dạ ngẩn ngơ.” [26;129]
Tiếng cuốc kêu “khắc khoải” lặp đi lặp lại triền miên, thê thiết; giọng cuốc “lửng lơ” chơi vơi trong không trung. Nghe tiếng cuốc kêu mà xúc động nhớ đến chuyện Thục Đế xa xưa vì để mất nước mà xót xa tủi hận biến thành con chim cuốc. Sự liên tưởng ấy thật thấm thía. Tiếng chim cuốc hay tiếng gọi đau thương của một oan hồn? Bởi thế, tiếng cuốc gọi hè trở nên vô cùng ám ảnh. Nỗi đau như “máu chảy”, nỗi buồn như nát ruột “hồn tan”. Tiếng cuốc kêu mãi, kêu hoài, kêu khắc khoải triền miên suốt năm canh đến sáu khắc, từ ngày này qua đêm khác, suốt “đêm hè vắng” đến “bóng nguyệt mờ”. Nỗi đau, nỗi buồn như thấm vào thời gian, toả rộng trong không gian. Đêm hè trở nên “vắng” để nghe rõ tiếng cuốc “khắc khoải đưa sầu”. Bóng trăng như “mờ” đi trong tiếng cuốc “lửng lơ” đau đớn và tê tái. Giọng thơ thê thiết, réo rắt, thấm một nỗi buồn mênh mông. Tiếng cuốc như gợi lên trong lòng nhà thơ nỗi đau mất nước, nỗi buồn bơ vơ, nỗi xót xa tủi nhục trước cảnh lầm than của dân tộc. Mỗi câu thơ là một tiếng lòng, là một nỗi buồn tê tái. Sinh thái tự nhiên và sinh thái tinh thần hòa hợp với nhau. Thế giới tự nhiên đớn đau, vỡ vụn, thế giới tinh thần quặn buốt, xót xa.
Tình yêu đất nước của Nguyễn Khuyến còn được thể hiện trong tình yêu thiên nhiên, làng cảnh Việt Nam. Trong thơ Nôm Nguyễn Khuyến có 8 về đề tài thiên nhiên. Giống như Nguyễn Trãi tự nhận “Non nước cùng ta đã có duyên”, Nguyễn
Khuyến gắn bó sâu nặng với cảnh sắc thiên nhiên đất trời. Ông yêu từng bờ cây, bụi cỏ, yêu bầu trời mùa thu xanh ngăn ngắt, yêu mặt nước ao lóng lánh bóng trăng, yêu con đường tre trúc quanh co vào làng… Mỗi cảnh sắc thiên nhiên là một mảnh hồn riêng Nguyễn Khuyến gắn bó với cuộc đời. Đọc thơ viết về thiên nhiên của Nguyễn Khuyến, ta nhận ra những rung động tài hoa, tinh tế trong tâm hồn thi nhân.
2.2.2.3. Bi kịch tinh thần
Thơ Nguyễn Khuyến còn chất chứa tấn bi kịch tinh thần đau đớn. Bi kịch này nảy sinh do xung đột giữa cái cũ và cái mới khi cái cũ đã lỗi thời, lạc hậu nhưng cái mới vẫn còn chưa kịp ra đời. Đó cũng là bi kịch chung của một bộ phận không nhỏ tầng lớp trí thức thời đó, nhưng có lẽ không ai cảm nhận thấm thía và sâu sắc nỗi đau bi kịch ấy như Nguyễn Khuyến.
Như chúng ta đã nói, Nguyễn Khuyến sống giữa thời buổi rối ren, thực dân Pháp tràn lên bờ cõi, triều đình thất thế, bất lực. Nguyễn Khuyến khéo léo thoái thác, kiếm cớ đau yếu, bệnh tật xin cáo quan về ở ẩn. Ở ông tuyệt nhiên không có sự níu kéo, luyến tiếc mà đến việc tham gia nghĩa binh đánh giặc của các sỹ phu yêu nước thời đó ông cũng có vẻ thờ ơ, dửng dưng. Sâu xa của hành động này xuất phát từ sự nhận thức sâu sắc của một nhà nho lớn lên từ chính giáo lí thánh hiền, am hiểu sâu sắc đạo học xưa nay, đã chinh phục đỉnh cao của sự học với danh hiệu Tam nguyên cao quý. Ông thấm thía được sự bế tắc đến cùng cực của tầng lớp sỹ phu thời đại, của nền học vấn cũ đã lỗi thời, tư tưởng “trung quân” đã mất hết vai trò lịch sử. Thế nên, Nguyễn Khuyến từ quan đã đành, mà ông không tham gia các phong trào kháng chiến cũng là dễ hiểu, bởi những phong trào ấy mang tính chất Cần vương, vẫn chịu sự chi phối bởi tư tưởng “trung quân” đã không còn đủ sức mạnh để níu giữ cả một thời đại đang rung chuyển. Bản thân Nguyễn Khuyến là sản phẩm tinh hoa của Nho học, nhưng tự ông đã nhìn thấy sự lạc hậu của nền học vấn ấy và ông không có khả năng tìm cách thoát ra được. Vì thế, trong thơ, ông luôn thấy mình vô dụng. Nguyễn Khuyến hay viết tự trào mình. Ông vạch trần con người thoái chí, bế tắc trong mình:
“Cờ đang dở cuộc không còn nước, Bạc chửa thâu canh đã chạy làng.”
(Tự trào, 123) Ông tự giễu mình:
“Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai Cũng gọi ông nghè có kém ai
Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng Nét son điểm rõ mặt văn khôi Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ Cái giá khoa danh thế mới hời Ghế tréo, lọng xanh ngồi bảnh chọe
Tưởng rằng đồ thật hóa đồ chơi.”
(Tiến sĩ giấy – II, 167)
Lối thơ song quan đã tạo ra những hình tượng thật đa nghĩa. Thoạt đầu, ta ngỡ tưởng ông miêu tả thứ đồ chơi của con trẻ nhân dịp Tết trung thu. Đọc kỹ lại thấy thấp thoáng ẩn hiện trong đó hình ảnh của người trí thức trở nên vô dụng, chỉ như thứ bù nhìn trong xã hội mà bản thân tác giả là một sản phẩm tiêu biểu. Đến cuối cùng, ta không thể phân biệt nổi cái thật và cái giả, tất cả đan xen, mập mờ, thật lại thành giả mà giả lại thành thật. Dư vị thơ ngậm ngùi, chua chát cho thực tại bản thân. Cao sang, danh giá hóa ra chỉ là thứ đồ chơi mỏng manh, tô vẽ. Giá trị của cả một nền học vấn, tinh hoa của cả một thời đại trở nên thật rẻ rúng, bèo bọt.
Chính vì luôn cảm thấy mình dư thừa, vô dụng, nên thơ Nguyễn Khuyến thường thấm đượm nỗi buồn, nỗi cô đơn, thấm đẫm nước mắt:
“Ngọn gió xuân ngảnh lại lệ đầm khăn” (Trở về vườn cũ, 119)
“Nghĩ mình vườn cũ vừa lui bước Ngán kẻ phương trời chẳng dứt dây.”
(Nghe hát đêm khuya, 122) “Đời loạn đi về như hạc độc,
Tuổi già hình bóng tựa mây côi.” (Gửi bạn, 144)
Chính bởi những bi kịch tinh thần trên nên trạng thái xuất hiện thường xuyên của Nguyễn Khuyến là “say”. Thống kê trong thơ Nôm của Nguyễn Khuyến có 16 bài nói tới trạng thái uống rượu, say sưa, ngây ngất của nhà thơ. Rượu làm thi nhân quên đất trời, quên cuộc đời:
“Khi vui chén rượu say không biết, Ngửa mặt lờ mờ ngọn núi xa.”
(Cáo quan về nhà, 119) Rượu in hằn lên cả hài hình, dáng vẻ:
“Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe” (Thu vịnh, 136) Rượu làm con người nhiều lúc ngất nga ngất ngưởng:
“Lúc hứng đánh thêm dăm chén rượu, Khi buồn ngâm láo một câu thơ.”
(Đại lão, 186)
Nhưng Nguyễn Khuyến uống rượu mà không say. Thực ra không phải không say, mà có say nhưng không phải say vì rượu.
“Túy ông ý chẳng say vì rượu, Say vì đâu nước thẳm với non cao.”
(Uống rượu ở vườn Bùi, 120) Nguyễn Khuyến uống rượu không phải để hành lạc, không phải thú vui nhàn tản, ngâm ngợi cho qua ngày nhàn. Ông uống uống để quên đi nỗi đau mất nước, uống để thấm thía nỗi đau đời, nỗi đau thân phận cô đơn “Đời loạn đi về như hạc độc”. Nhưng càng uống càng tỉnh, càng uống càng đau đớn cho cảnh đời, cảnh mình. Tỉnh – say, say –tỉnh chập chờn, nỗi đau vẫn còn đó, phên dậu Hạ Di tan tành, yêu nước mà bế tắc, bất lực. Sự bất lực ấy đâu phải lỗi của riêng ông mà là của cả một nền Nho học đã hết vai trò trong bước tiến quá nhanh của lịch sử. Nhưng đau đớn, dằn vặt như Nguyễn Khuyến, đâu phải mấy người có được.
Có thể nói, con người tinh thần trong thơ Nguyễn Khuyến chính là sản phẩm của đời sống tinh thần xã hội. Nguyễn Khuyến một mặt chịu sự tác động của những biến động, đứt gãy trong hệ tư tưởng thời đại, những đổ vỡ trong cảnh nước mất nhà tan, mặt khác, ông luôn phản kháng, luôn chống lại môi trường nhân sinh đương thời để bảo tồn, giữ gìn những giá trị tốt đẹp. Con đường của ông là con đường của kẻ đi trước dẫn đường nên cô đơn, kẻ ngược chiều, ngược gió nên nhọc nhằn, cay đắng. Vì thế, nó thấm đẫm nỗi buồn, xót xa.
Như vậy, Nguyễn Khuyến không chỉ thể hiện được cảnh sắc sinh thái làng quê mà quan trọng hơn, ông đã nắm bắt được “cái hồn” của cảnh sắc ấy, đó chính là đời sống tâm tình của người dân quê với những vui buồn, yêu ghét, những phong tục tập quán, những giá trị văn hóa cổ truyền đáng trân trọng. Nguyễn Khuyến đã sống hết mình với người dân quê, đã hòa nhập thành một lão nông tri điền thật sự. Thơ ông thấm đẫm hơi thở cuộc sống điền viên mà vẫn nhức nhối nỗi đau thế sự. Nguyễn Khuyến thật sự xứng đáng là nhà thơ của quê hương làng cảnh Việt Nam.
Tiểu kết
Hoài Thanh đã có lần nhận xét khi đọc thơ Nguyễn Bính: “Trong mỗi chúng ta đều có một người nhà quê”. Nhận định đó cũng thật đúng với Nguyễn Khuyến. Nguyễn Khuyến sống giữa làng quê với biết bao ân tình sâu sắc. Thế giới tự nhiên trong thơ ông chân thật, gần gũi, ấm nóng hơi thở của sự sống tươi xanh. Nhà thơ không triết lí về tự nhiên, không nâng tự nhiên lên thành một thứ giáo lí để ngưỡng vọng, tôn thờ mà thế giới tự nhiên trong thơ ông đơn giản là một phần không thể thiếu của đời sống con người, nhất là người dân quê. Ông vui vầy trong ấm áp thôn