CHƯƠNG 1 CƠ SỞ LÍ LUẬN VỀ PHÁT TRIỂN ĐIỂM DU LỊCH
3.1. Định hướng phát triển du lịch Phú Thọ
3.1.4. Định hướng phát triển du lịch tỉnh phú thọ giai đoạn 2020 2025
3.1.4.1 Định hướng tổ chức không gian du lịch
- Định hướng phát triển điểm du lịch
Định hướng phát triển các điểm du lịch Phú Thọ cần xác định trong mỗi quan hệ về vị trí và chức năng du lịch của các địa phương trong tỉnh; đồng thời phù hợp với định hướng không gian phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh và gắn bó chặt chẽ trong mối quan hệ liên tỉnh theo các quy hoạch: Phát triển du lịch Việt Nam, Phát triển du lịch vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ,…
Căn cứ vào thực tế tài nguyên du lịch, sự phát triển du lịch Phú Thọ cần được xác định theo hướng tập trung vào một số điểm du lịch nổi bật và có tiềm năng thu hút khách du lịch như: Tiếp tục phát triển điểm du lịch Khu di tích lịch sử Đền Hùng trở thành điểm du lịch trọng tâm của tỉnh gắn với lễ hội truyền thống của cội nguồn dân tộc, phát triển một số điểm du lịch khác tạo điểm nhấn cho du lịch Phu Thọ như:, Đền Mẫu Âu Cơ (Hạ Hòa), VQG Xuân Sơn (Tân Sơn),Suối nước nóng Thanh Thủy (Thanh Thủy)...
- Định hướng phát triển các tuyến du lịch
Trên cơ sở định hướng các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Phú Thọ tác giả đưa ra một số định hướng về phát triển các tuyến du lịch tại tỉnh Phú Thọ.
Căn cứ thực tế phân bố tài nguyên du lịch và giao thông trên địa bàn, tác giả đề xuất tiếp tục duy trì, củng cố các tuyến du lịch mà quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh 2011 – 2020 đã xác định. Đây là các tuyến du lịch có thể tạo kết nối cao các điểm du lịch, mở rộng tính đa dạng của sản phẩm du lịch và phù hợp với điều kiện hạ tầng giao thông hiện tại cũng như quy hoạch phát triển giao thông nhưng năm tới, cụ thể:
+ Các tuyến du lịch nội tỉnh
(1) Tuyến Việt Trì - thị xã Phú Thọ - Hạ Hoà: Đây là tuyến du lịch tổng hợp sinh thái và văn hóa nối trung tâm du lịch tỉnh với địa bàn du lịch phía Bắc.
(2) Tuyến Việt Trì - Thanh Sơn - Xuân Sơn: Đây là tuyến du lịch sinh thái kết hợp văn hóa, nối trung tâm du lịch tỉnh với địa bàn du lịch phía Tây Nam tỉnh.
(3) Tuyến thành phố Việt Trì - Thanh Thủy: Đây là tuyến du lịch nghỉ dưỡng chữa bệnh kết hợp văn hóa, nối trung tâm du lịch tỉnh với địa bàn du lịch phía Tây Nam tỉnh.
(4) Tuyến thành phố Việt Trì - Đoan Hùng: Đây là tuyến du lịch nối trung tâm du lịch tỉnh với địa bàn du lịch phía Đông Bắc tỉnh.
+ Các tuyến du lịch liên tỉnh
Tiếp tục duy trì, mở rộng không gian phát triển trong mối quan hệ kết nối với vùng Tây Bắc, Đông Bắc, kết nối trong vùng Thủ đô, liên kết với các tỉnh khác trong cả nước qua hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt và đường sông. Hình thành được các tour, tuyến du lịch dài ngày, chú trọng phát triển các tour, tuyến gắn với hành trình du lịch di sản, du lịch sinh thái trong đó Phú Thọ là một trong các trọng điểm, là điểm đến quan trọng với các sản phẩm du lịch độc đáo thu hút du khách trong và ngoài nước.
(1) Tuyến du lịch đường bộ: Dựa trên hệ thống quốc lộ 2, cao tốc Nội Bài - Lào Cai nối với thủ đô Hà Nội, các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, các tỉnh vùng Trung du miền núi Bắc Bộ, tiếp tục kết nối với các tỉnh miền Trung, miền Nam theo hệ thống tuyến du lịch quốc gia.
(2) Tuyến du lịch đường sắt: Tuyến du lịch đường sắt Hà Nội - Việt Trì - Yên Bái - Lào Cai - Côn Minh trong hành lang du lịch xuyên Á.
(3) Tuyến du lịch đường sông: Theo sông Hồng, sông Đà, sông Lô trên cơ sở phát triển các tuyến nội tỉnh.
+ Các tuyến du lịch quốc tế:
Tuyến du lịch quốc tế của Phú Thọ có thể được xác định theo tuyến giao thông đường sắt Vân Nam - Lào Cai - Phú Thọ - Hà Nội - Hải Phòng và đường cao tốc Lào Cai - Hà Nội; theo tuyến giao thông đường bộ Phú Thọ - Sơn La - Điện Biên - Lào; kết nối với các tuyến du lịch quốc tế khác qua sân bay Nội Bài, theo các trục giao thông đường bộ đến tỉnh.
3.1.4.2 Định hướng phát triển các sản phẩm du lịch gắn với các điểm du lịch
Căn cứ vào tiềm năng, lợi thế so sánh về tài nguyên du lịch của tỉnh như đã phân tích, đánh giá, có thể xác định sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh Phú Thọ là du lịch gắn với văn hóa truyền thống (du lịch lễ hội, tâm linh, tham quan nghiên cứu di sản, tìm hiểu văn hóa truyền thống) và du lịch sinh thái (tham quan hang động và hệ sinh thái trung du, nghỉ dưỡng, chữa bệnh).
+ Du lịch gắn với văn hóa truyền thống: Đây là sản phẩm du lịch đặc trưng nhất của du lịch Phú Thọ. Các tài nguyên du lịch sau có thể được lựa chọn để xây dựng nên sản phẩm du lịch này bao gồm: Các di tích lịch sử và di sản văn hóa vật thể gắn với thời kỳ dựng nước và giữ nước của dân tộc, trong đó hội tụ tiêu biểu và tập trung nhất là quần thể di tích lịch sử Đền Hùng, Đền Mẫu Âu Cơ, Đền Lạc Long Quân. Các giá trị văn hoá phi vật thể từ thời Hùng Vương như lễ hội truyền thống; tập tục, bản sắc văn hoá truyền thống của người Việt cổ và các dân tộc thiểu số; nghệ thuật kiến trúc cổ; các trò chơi, diễn xướng dân gian nhất là hát Xoan. Các di tích lịch sử cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước.
+ Du lịch gắn với tham quan hệ sinh thái trung du, nghỉ dưỡng, chữa bệnh: Tuy nhiều tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc cũng có thế mạnh về du lịch sinh thái, nhưng Phú Thọ có những điểm tài nguyên du lịch tự nhiên với hệ sinh thái có nét riêng, cùng vị trí địa lý và giao thông ngày càng thuận lợi, đã được quy hoạch vùng Thủ đô xác định lợi thế và trách nhiệm phát triển du lịch sinh thái cùng với du lịch văn hóa, di sản, nên có thể xác định du lịch tham quan hệ sinh thái trung du, nghỉ dưỡng, chữa bệnh là sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh. Các tài nguyên tiêu biểu để xây dựng nên sản phẩm du lịch này là vườn Quốc gia Xuân Sơn, nước khoáng nóng Thanh Thuỷ...
- Phát triển các sản phẩm du lịch khác Phú Thọ cũng còn có thể phát triển một số sản phẩm du lịch khác:
+ Một số loại hình du lịch gắn với sinh thái khác như vui chơi giải trí, dã ngoại, thể thao cuối tuần, du lịch trang trại, làng nghề, nông thôn...
+ Du lịch công vụ, gắn với sự kiện (MICE) như thể thao, hội nghị, hội thảo, hội chợ v.v...
Các sản phẩm, loại hình du lịch trên là những sản phẩm du lịch bổ trợ, góp phần làm đa dạng hóa sản phẩm du lịch và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch.
3.1.4.3 Định hướng phát triển thị trường du lịch
Qua nghiên cứu, phân tích, đánh giá thực tế thực hiện phát triển du lịch Phú Thọ giai đoạn 2015 – 2018, cho thấy các nội dung định hướng lớn về thị trường du lịch cơ bản vẫn phù hợp, song cũng cần điều chỉnh một số nội dung. Đề xuất của tác giả về định hướng phát triển thị trường khách du lịch thời gian tới cụ thể như sau:
- Thị trường khách quốc tế: Đông Bắc Á: bao gồm khách đến từ các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản; thị trường ASEAN, thị trường Châu Âu, Bắc Mỹ.
- Thị trường khách du lịch nội địa và kiều bào Việt Nam ở các nước + Thị trường khách nội địa: Khách nội địa đến với Phú Thọ gia tăng khá nhanh, nhưng chủ yếu là khách tham quan trong ngày và điểm đến chính là Đền Hùng, khách lưu trú và lựa chọn các điểm đến khác ít. Trong những năm tới, Phú Thọ cần chú trọng các đối tượng khách nội địa sau: (1) Khách du lịch văn hoá tâm linh, lễ hội, hành hương về cội nguồn; (2) Khách du lịch thương mại, công vụ; (3) Khách du lịch cuối tuần kết hợp giải trí: (4) Khách du lịch sinh thái; (5) Khách tham quan thắng cảnh; (6) Khách du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh; (7) Khách tham gia các hoạt động thể thao, văn hoá kết hợp du lịch.
Tập trung phát triển nguồn khách đến từ mọi địa phương trong cả nước gắn với nhu cầu du lịch văn hoá tâm linh, lễ hội, hành hương về cội nguồn; thu hút nguồn khách từ vùng thủ đô và các thành phố lớn gắn với nhu cầu du lịch sinh thái, du lịch cuối tuần kết hợp giải trí, du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh. Mở rộng thị trường đến các nguồn khách nội địa khác.
+ Thị trường khách Việt kiều: Do nhu cầu tâm linh, tâm lý và mong muốn hướng về cội nguồn của Việt người xa xứ, lượng khách Việt kiều đến Phú Thọ đã và sẽ tiếp tục ngày càng gia tăng. Du lịch Phú Thọ cần tăng cường quảng bá, tạo ấn tượng tốt đẹp và sâu sắc về vùng đất Tổ cội nguồn của dân tộc trong lòng
kiều bào Việt Nam; đồng thời chuẩn bị chu đáo các điều kiện về vật chất và tinh thần để thu hút và đáp ứng nhu cầu của khách Việt kiều từ các nước trên thế giới về cội nguồn.