CHƯƠNG 1 CƠ SỞ LÍ LUẬN VỀ PHÁT TRIỂN ĐIỂM DU LỊCH
1.1. Cơ sở lí luận
1.1.2. Vai trò của phát triển điểm du lịch
Một là, phát triển điểm du lịch đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế của địa phương và quốc gia. Doanh thu của ngành du lịch đóng góp ngày càng cao vào tăng trưởng kinh tế của địa phương. Mặt khác, sự phát triển của điểm du lịch nói riêng và du lịch nói chung có tác động lan tỏa tích cực đến các ngành, lĩnh vực khác có liên quan (như nông nghiệp, công nghiệp, các ngành dịch vụ), thúc đẩy các ngành, lĩnh vực này cùng phát triển. Các địa phương có nguồn thu nhập từ các điểm du lịch ngày càng tăng là những minh chứng cho vai trò của ngành du lịch đối với phát triển kinh tế địa phương.
Du lịch phát triển thúc đẩy cơ cấu kinh tế địa phương chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đó là nhờ tỷ trọng dịch vụ ngày càng tăng và đồng thời thúc đẩy các ngành khác chuyển dịch theo hướng hiện đại và
hiệu quả. Khai thác các điểm du lịch phát triển kéo theo hạ tầng giao thông phát triển và được bảo vệ, cơ sở lưu trú hiện đại...
Hai là, điểm du lịch phát triển đóng góp tích cực vào thực hiện mục tiêu ổn định chính trị - xã hội và tiến bộ xã hội ngày càng tăng, bảo tồn và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Các địa phương có chiến lược và quy hoạch phát triển các điểm du lịch phù hợp sẽ tạo điều kiện, thúc đẩy các doanh nghiệp và đông đảo người dân thực hiện các hoạt động du lịch có hiệu quả. Nhờ đó, công ăn việc làm ở địa phương ổn định và ngày càng tăng, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống của người dân bản địa. Du lịch phát triển góp phần tăng cường sự ổn định chính trị- xã hội, an ninh quốc phòng được giữ vững. Phát triển các điểm du lịch tạo nhu cầu, điều kiện và đồng thời cũng đặt ra mục tiêu bảo vệ và tôn tạo các công trình văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể của địa phương, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương nơi có điểm du lịch.
Ba là, phát triển điểm du lịch tạo điều kiện và đóng góp tích cực cho bảo vệ và phát triển tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Để phát triển du lịch trong dài hạn, các địa phương phải coi trọng công tác bảo vệ môi trường cảnh quan ở các điểm du lịch, bảo đảm môi trường trong sạch. Mặt khác, nhờ có việc đầu tư trở lại bằng nguồn thu từ du lịch cho công tác bảo vệ tài nguyên, phát triển các tài nguyên du lịch có khả năng tái sinh và bảo vệ môi trường nên nguồn tài nguyên được bảo vệ, môi trường được cải thiện tốt hơn.
Bốn là, phát triển điểm du lịch góp phần nâng cao năng lực hội nhập quốc tế cho địa phương, đất nước. Với việc mở rộng thị trường khách du lịch trong đó cơ cấu khách du lịch quốc tế ngày càng đa dạng, phong phú, một mặt vừa tạo cơ hội, mặt khác đặt ra trách nhiệm đối với ngành du lịch nói riêng, các ngành, lĩnh vực khác có liên quan và cả nền kinh tế nói chung, phải tăng cường năng lực mọi mặt để phù hợp và đáp ứng với yêu cầu của hội nhập. Bên cạnh đó, với chất lượng và tính trách nhiệm cao trong phát triển điểm du lịch, sẽ giúp quảng bá, lan tỏa hình ảnh tốt đẹp của địa phương, của quốc gia ra với thế giới, đạt được sự ghi nhận tích cực của bạn bè quốc tế, từ đó tạo thuận lợi cho việc
mở rộng, thúc đẩy phát triển các quan hệ giao lưu, giao thương, hợp tác, hội nhập quốc tế.