Chương 1 MỐI QUAN HỆ GIỮA VĂN HỌC VÀ ĐIỆN ẢNH
1.3. Mối quan hệ văn học – điện ảnh
1.3.1. Sự tương đồng, khác biệt giữa văn học và điện ảnh
Giống với điện ảnh, văn học là loại hình mang tính tổng hợp. Tuy nhiên, điểm khác ở đây văn học là loại hình nghệ thuật tổng hợp gián tiếp thì điện ảnh là loại hình nghệ thuật trực tiếp. Trong văn học có tính nhạc, tính họa, điện ảnh,... Chất liệu chính của văn học đó chính là ngôn từ, nhờ nó mà văn học có thế mạnh trong việc xây dựng những hình tượng “phi vật thể”, nó có thể khám phá thế giới thực tại cũng như thế giới tâm hồn thông qua nghệ thuật miêu tả, so sánh,.. Họ như thổi hồn và thế giới của riêng mình trên từng trang giấy khiến nó trở nên sinh động, có sức sống, mà độc giả có thể đọc, nghe hay nhìn vào thế giới đó tuy nhiên nó không phải là thế giới trực quan. Khi tiếp xúc với tác phẩm văn học, thế giới mà nhà văn tạo ra chúng ta không thể “Mắt thấy tai nghe” một cách trực tiếp những gì mà nhà văn miêu tả, song lại có thể cảm nhận được tất cả qua tư duy, trí tưởng tượng phong phú và của mình.
Nhờ vào sức mạnh của trí tưởng tượng thông qua hệ thống ngôn từ, khi đọc một tác phẩm văn học, người đọc có thể tái tạo được không chỉ những cái hữu hình, mà còn tái tạo được cả những cái vô hình, những cảm nhận tinh tế, mơ hồ, những nơi sâu thẳm nhất của tâm hồn con người mà các loại hình nghệ thuật khác khó có thể làm được. Như điện ảnh họ cũng có nét miêu tả tâm lí nhân vật tuy nhiên, không phải diễn viên nào cũng lột tả một cách xuất sắc nét tâm lí mà nhà làm phim mong muốn. Có thể nói văn học là phương tiện vạn năng để chiếm lĩnh thế giới quả không ngoa.
Trong điện ảnh cũng có tính văn học (ngôn ngữ), tính nhạc (tiết tấu, giai điệu), tính họa (đường nét, màu sắc),... Chất liệu chính tạo nên điện ảnh đó chính là hình ảnh, nhưng điện ảnh còn thêm một cú đúp nữa đó là sự kết hợp giũa hình ảnh và âm thanh giống như “hổ mọc thêm cánh” khiến cho điện ảnh càng nhiều đất diễn. Cũng từ 2 chất liệu này nó tạo dựng nên những hình tượng “hữu hình” như diễn viên, màu sắc, đạo cụ,giai điệu, đường nét... chúng tạo nên một thế giới trực quan tác động một cách trực tiếp đến các giác quan của người xem.
Điện ảnh đã dựa trên hai hoại hình cơ bản nhất của xã hội là hình ảnh và âm thanh để phát triển mình. Điện ảnh thật thông minh khi sử dụng hai loại hình này để thu toàn bộ sự vật, hiện tượng để hấp dẫn, tạo sự thuật tiện cho người thưởng thức. Một thế giới vật thể (hình ảnh – âm thanh) kết hợp với những phương pháp, thủ pháp điện ảnh khiến cho ngôn ngữ điện ảnh trở thành một thứ ngôn ngữ mạnh mẽ nhất, hấp dẫn nhất. Không giống với văn học, người đọc phải liên hệ tưởng tượng thì điện ảnh đã phơi bày hết ra trước mắt người xem. Nếu người xem không biết chữ, biết tiếng vẫn có thể hiểu ít nhiều về nhạc, họa, kịch câm, múa…được diễn ra trên màn ảnh.
TS. Phan Bích Thủy có nói: “ Thành công của tác phẩm văn học là công sức của cá nhân nhà văn, thành công của bộ phim điện ảnh chuyển thể là công sức của cả một tập thể nghệ sĩ, dưới sự chỉ đạo của đạo diễn, có sự tham gia đắc lực của khoa học kỹ thuật và kinh tế”[27, tr. 231]. Tuy nhiên, dù là sản phẩm của cá nhân (văn học) hay của tập thể (điện ảnh) đều muốn hướng đến một mục đích nhân văn cao cả, một tư tưởng lớn lao, mới mẻ của nhân loại. Từ đó để mở rộng tầm hiểu biết, giao lưu với những vùng văn hoá và những dân tọc khác trên thế giới. Nhà văn Nam Cao từng nhận xét rằng: “Một tác phẩm thật giá trị, phải vượt lên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho loài người. Nó phải chứa đựng một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình… Nó làm cho người gần người hơn”. Thành công của tác phẩm văn học là công sức của cá nhân nhà văn, thành công của bộ phim điện ảnh chuyển thể là công sức của cả một tập thể nghệ sĩ, dưới sự chỉ đạo của đạo diễn, có sự tham gia đắc lực của khoa học kỹ thuật và kinh tế. Chính những điểm tương đồng và khác biệt này đã giúp văn học và điện ảnh có sự tương tác, công sinh với nhau để cùng nhau phát triển, đổi mới từ đó tạo ra nhiều tác phẩm thành công hơn.