Lịch sử phát triển

Một phần của tài liệu Thực trạng và giải pháp phát triển dịch vụ tổ chức sự kiện trên địa bàn thành phố việt trì (Trang 45 - 47)

6. Kết cấu đề tài

2.1.2.Lịch sử phát triển

2.1. Khái quát chung về thành phố Việt Trì

2.1.2.Lịch sử phát triển

Theo “Lịch sử Đảng bộ thành phố Viết Trì”: thời đại Hùng Vương, vùng Việt Trì- Bạch Hạc là trung tâm chính trị- kinh tế, được coi là kinh đô của Nhà nước Văn Lang. Dưới thời thuộc Hán, vùng Việt Trì thuộc về huyện Mê Linh, quận Giao Chỉ.

Thời Tam Quốc- Lưỡng Tấn và thời Tuỳ (thế kỷ III đến thế kỷ VI) thuộc huyện Gia Ninh, quận Tân Xương. Đời Đường, vùng Việt Trì thuộc huyện Thừa Hoá, quận Phong Châu; thời Thập Nhị sứ quân (944- 967), Việt Trì nằm trong khu vực chiếm giữ của tướng Kiều Công Hãn. Thời Lý Trần, Việt Trì thuộc về châu Thao Giang, lộ Tam Giang. Thời nhà Lê, Việt Trì là một thôn thuộc xã Bạch Hạc, phủ Tam Đới, trấn Sơn Tây. Đầu thời Nguyễn, địa giới Việt Trì cơ bản vẫn giữ như thời Hậu Lê. Năm 1832, vua Minh Mạng tiến hành cải cách hành chính, đổi tất cả các trấn trong cả nước thành tỉnh. Thôn Việt Trì thuộc về xã Bạch Hạc, huyện Bạch Hạc, phủ Tam Đái; sau đổi thành phủ Vĩnh Tường, tỉnh Sơn Tây.

Sau khi xâm lược nước ta, thực dân Pháp xáo trộn lại các đơn vị hành chính cũ, lập ra những tỉnh mới nhỏ hơn trước để dễ quản lý và đàn áp. Việt Trì tách khỏi xã Bạch Hạc, trở thành một làng trong tổng Lâu Thượng, huyện Hạc Trì; còn xã Bạch Hạc vẫn nằm trong huyện Bạch Hạc, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên. Nhận rõ Việt Trì là cửa ngõ án ngữ các tuyến đường giao thông thủy, bộ ở phía Bắc Việt Nam, không chỉ có vị trí quan trọng về mặt kinh tế mà còn là tiền đồn trọng điểm về quân sự, ngày 22/10/1907, toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập thị xã Việt Trì và đặt trung tâm huyện lỵ Hạc Trì tại đây.

Cách mạng tháng 8/1945 thành công, Việt Trì thuộc liên xã Sông Lô bao gồm các xã: Lâu Hạ, Hạ Giáp, Thuần Lương, Việt Trì làng và Việt Trì phố. Tháng 2/1945, thị trấn Việt Trì được tái lập gồm ba khu phố: Thuần Lương, Việt Hưng và Việt Lợi. Ngày 7/6/1957, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định cho sáp nhập xã Phong Châu thuộc thi trấn Bạch Hạc, tỉnh Vĩnh Phúc về thị trấn Việt Trì và chuyển thành thị xã Việt Trì. Ngày 1/9/1960, Chính phủ quyết định sáp nhập 4 xã: Minh Khai, Minh Phương, Lâu Thượng, Tân Dân cảu huyện Hạc Trì vào thị xã Việt Trì.

Ngày 4/6/1962, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 65/CP thành lập Thành phố Việt Trì trực thuộc tỉnh Phú Thọ. Cũng trong năm này, Chính phủ ra quyết địnhgiải thể huyện Hạc Trì, chuyển 2 xã: Hùng Thao (nay là xã Cao Xá) và xã Thống Nhất (nay là xã Thụ Vân) nhập vào huyện Lâm Thao, những xã còn lại nhập vào Thành phố Việt Trì. Đến lúc này, thành phố Việt Trì gồm: thị trấn Bạch Hạc, thị xã Việt Trì và 7xã: Quất Thượng, Chính Nghĩa (nay là địa bàn phường Tiên Cát, Thọ Sơn, Thanh Miếu và Bến Gót), Minh Khai (nay là xã Minh Phương), Tân Dân, Dữu Lâu, Lâu Thượng, Minh Nông.

Ngày 26/1/1968, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết hợp nhất 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú, có tỉnh lỵ là Thành phố Việt Trì; các xã:Quất Thượng, Lâu Thượng và Sông Lô hợp nhất thành xã Trưng Vương.

Ngày 5/7/1977, Hội đồng Chính Phủ ra Quyết định hợp nhất và điều chỉnh địa giới 1 số huyện thuộc tỉnh Vĩnh Phú. Các xã Vân Phú, Phượng Lâu của huyện Phù Ninh, xã Thụy Vân của huyện Lâm Thao, thôn Mộ Chu Hạ, thôn Lang Đài của xã Bồ Sao, huyện Vĩnh Tường sáp nhập về thành phố Việt Trì.

Ngày 13/1/1984, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định phân vạch địa giới xã, phường của Thành phố Việt Trì. Theo đó, thị trấn Bạch Hạc giải thể để thành lập phường Bạch Hạc; đồng thời chia lại các phường cũ, lập các phường mới. Thời điểm này, thành phố Việt Trì gồm 8 phường là: Bạch Hạc, Thanh Miếu, Thọ Sơn, Tiên Cát, Gia Cẩm, Nông Trang, Vân Cơ, Tân Dân và 8 xã là: Thuỵ Vân, Minh Nông, Minh Phương, Vân Phú, Phượng Lâu, Dữu Lâu, Sông Lô và Trưng Vương.

Ngày 6/11/1996, Quốc hội khoá IX ra Nghị Quyết tách tỉnh Vĩnh Phú thành 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Thành phố Việt Trì tiếp tục là trung tâm chính trị- kinh tế - văn hoá của tỉnh Phú Thọ. Ngày 8/4/2002, Chính phủ ra Nghị định số 39- NĐ/CP,thành lập phường Dữu Lâu và phường Bến Gót thuộc thành phố Việt Trì.

Sau nhiều năm tập trung đầu tư xây dựng và phát triển, ngày 14/10/2004, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 180/QĐ- TTg công nhận thành phố Việt Trì là đô thị loại 2. Mở rộng diện tích, tăng quy mô dân số, thực hiện Nghị định của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính các xã: Chu Hoá, Hy Cương, Thanh Đình (huyện Lâm Thao); Hùng Lô, Kim Đức (thuộc huyện Phù Ninh); Tân Đức (huyện Ba Vì) được sáp nhập về TP Việt Trì. Thành phố cũng đã thực hiện đầu tư nâng cấp xã lên phường là Minh Nông, Minh Phương và Vân Phú.

Như vậy, đến thời điểm này, thành phố Việt Trì có 23 đơn vị hành chính gồm 13 phường là: Bạch Hạc, Bến Gót, Thanh Miếu, Thọ Sơn, Gia Cẩm, Tiên Cát, Tân Dân, Nông Trang, Vân Cơ, Dữu Lâu, Minh Phương, Minh Nông, Vân Phú và 10 xã gồm: Sông Lô, Trưng Vương, Phượng Lâu, Thuỵ Vân, Thanh Đình, Chu Hoá, Hy Cương, Kim Đức, Hùng Lô và Tân Đức.

Một phần của tài liệu Thực trạng và giải pháp phát triển dịch vụ tổ chức sự kiện trên địa bàn thành phố việt trì (Trang 45 - 47)