Nguồn: Bouma et al. (2017)
Trong đó, ngân hàng muốn phát triển bền vững phải trải qua 4 giai đoạn:
- Giai đoạn chống đối (Defensive stage): Ngân hàng không chủ động, cố tình né tránh hoặc trì hoãn việc tuân thủ các điều luật về môi trường, vì chúng ảnh hưởng tới lợi nhuận của ngân hàng (có thể trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua ảnh hưởng tới lợi nhuận của khách hàng). Ngân hàng không tận dụng các cơ hội tiết kiệm chi phí như sử dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu. Chi phí quản lý các vấn đề về môi trường vẫn được xem là nhóm chi phí không cần thiết của doanh nghiệp.
- Giai đoạn phòng ngừa (Preventative stage): Ở giai đoạn này, việc tiết kiệm chi phí từ tiết kiệm năng lượng hoặc sử dụng có hiệu quả nguồn lực sinh thái đã được áp dụng. Giai đoạn này là giai đoạn chắc chắn xảy ra trong quá trình phát triển bền vững của ngân hàng do Chính phủ và Phi Chính phủ đặt những ràng buộc cho các hoạt động ngân hàng, thông qua các điều luật và áp lực xã hội. Tuy nhiên, ngân hàng
ở giai đoạn này mới chỉ xem xét đến việc quản lý vấn đề môi trường và đo lường rủi ro tín dụng là hoạt động nội bộ của doanh nghiệp.
- Giai đoạn phản ứng (Offensive stage): Ở giai đoạn này, các ngân hàng xem xét tới việc phát triển bền vững ở những hoạt động bên ngoài doanh nghiệp bên cạnh những hoạt động nội bộ. Các ngân hàng đẩy mạnh phát triển và quảng bá các sản phẩm thân thiện với môi trường, quỹ đầu tư vì môi trường. Thái độ của các ngân hàng trong giai đoạn này được đánh giá là chủ động, năng động và sáng tạo. Các ngân hàng ở giai đoạn phản ứng thường tìm ra các giải pháp cùng thắng (win – win).
- Giai đoạn bền vững (Sustainable stage): Ở giai đoạn này, ngân hàng chấp nhận các dự án rủi ro cao hơn, tỷ lệ lợi nhuận thấp hơn, thời gian thu hồi vốn lâu hơn nhưng có hiệu quả dài hạn và đem lại phúc lợi xã hội và lợi ích môi trường. Ngân hàng không tìm kiếm tỷ lệ lợi nhuận cao nhất, mà mục tiêu tập trung vào tỷ lệ lợi nhuận bền vững cao nhất. Các ngân hàng yêu cầu các cổ đông phải có cùng mục tiêu và tầm nhìn hoạt động.
Bên cạnh đó, Bouma et al. (2017) cũng cho rằng ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng thương mại với có vai trò là một trung gian tín dụng, là một bộ phận cấu thành thị trường tài chính có bốn chức năng chính:
+ Phân phối vốn theo quy mô + Phân phối vốn theo thời hạn
+ Phân phối vốn theo vị trí không gian + Đánh giá rủi ro
Chức năng cuối cùng là người đánh giá rủi ro trong chuyển giao vốn giữa các đối tượng trong nền kinh tế cho thấy ngân hàng thương mại đóng vai trò quan trọng trong mục tiêu hướng tới xã hội bền vững. Vì vậy, sự phát triển bền vững của ngân hàng ảnh hưởng và định hướng hoạt động của toàn bộ nền kinh tế. Có nhiều cách định nghĩa khác nhau về “ngân hàng bền vững”, tuy nhiên có hai hướng tiếp cận chính:
- Một là: Mô hình ngân hàng bền vững kết hợp với kinh doanh truyền thống: Ngân hàng cung cấp các sản phẩm truyền thống dựa trên nguyên tắc tạo ra tác động tích cực cho môi trường và xã hội, tuy nhiên mục tiêu tăng trưởng kinh tế vẫn được đặt lên hàng đầu. Ngân hàng sẽ xem xét tác động khi xét duyệt dự án trong cho vay và đầu tư, từ chối dự án có ảnh hưởng xấu đến môi trường, xã hội. Ngân hàng khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, khách hàng có trách nhiệm với xã hội, môi trường thông qua các chính sách ưu đãi về: lãi suất, thời hạn vay, mức vay... Tầm nhìn và
mục tiêu hoạt động của NHTM hướng đến tiết kiệm chi phí, tăng lợi ích xã hội và bảo tồn môi trường. Bên cạnh đó, ngân hàng sẽ sử dụng một phần thu nhập của mình để tài trợ cho các nghiên cứu, dự án phát triển công nghệ có tác động tích cực đến môi trường, các dự án an sinh xã hội. Mô hình này phù hợp với các quốc gia đang phát triển với quy mô vốn và trình độ công nghệ chưa cao
- Hai là: Mô hình ngân hàng bền vững chuyên biệt: Yếu tố kinh tế, môi trường và xã hội có tác động như nhau tới tất cả các hoạt động của ngân hàng. Ngân hàng xây dựng nguyên tắc và khung tiêu chuẩn nhằm đạt được sự phát triển tích cực ở tất cả ba khía cạnh trên. Ngân hàng xây dựng hệ thống tiêu chuẩn phát hiện, phân loại và đo lường rủi ro tác động đến môi trường và xã hội, bên cạnh việc cung cấp các sản phẩm tài chính bền vững. Ngân hàng có mối quan hệ chặt chẽ với khách hàng và trực tiếp tham gia vào việc đánh giá hoạt động của họ, từ đó tìm ra các rủi ro, đặc biệt là rủi ro về môi trường và xã hội, giúp khách hàng hoạt động bền vững hơn. Mô hình này phù hợp với các quốc gia phát triển, với quy mô vốn lớn, trình độ công nghệ phát triển và mối quan hệ chặt chẽ giữa hoạt động kinh doanh ngân hàng với trách nhiệm cộng đồng, trách nhiệm môi trường.
Các nhà kinh và các nhà khoa học cho rằng các NHTM trên thế giới nên hướng tới sự phát triển bền vững trong mô hình thứ hai. Ủng hộ mô hình thứ hai, Imeson & Sim (2013) định nghĩa “ngân hàng bền vững một hệ thống giá trị mà các hoạt động của ngân hàng không chỉ có lợi cho nhân viên và cổ đông của mình, mà còn của khách hàng và rộng hơn là nền kinh tế, bên cạnh đó, hoạt động của ngân hàng ngăn chặn, hoặc ít nhất là giảm thiểu bất kỳ tác hại không đáng có đối với xã hội và môi trường tự nhiên”. Đồng tình với quan điểm trên, Rebai (2014) đề xuất định nghĩa ngân hàng bền vững là “một ngân hàng đáng tin cậy xét trong cả hoạt động nội bộ và các bên liên quan bên ngoài của nó. Nó đảm bảo các hoạt động trung gian quan tâm đặc biệt đến khía cạnh xã hội và môi trường với tầm nhìn ngắn hạn, trung và dài hạn. Nó thiết lập các giá trị đạo đức và góp phần đến sự ổn định và lành mạnh của hệ thống tài chính, quản lý rủi ro đầy đủ cũng như tìm kiếm liên tục và tối ưu sự cân bằng giữa lợi ích của các bên liên quan”.
Phát triển từ những cách định nghĩa trên, Tại Việt Nam, phát triển bền vững hệ thống NHTM và nền kinh tế đã và đang nhận được sự chú trọng của Nhà nước và Chính phủ khi ban hành một số chủ trương và chính sách như Quyết định số 432/QĐ- TTg về “phê duyệt Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam” giai đoạn 2011-2020 với mục tiêu tổng quát hướng đến là Tăng trưởng bền vững, có hiệu quả, đi đôi với tiến độ, công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường, giữ vững ổn định chính
trị - xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Quyết định này xác định các chỉ tiêu giám sát và đánh giá phát triển bền vững giai đoạn 2011-2020 bao gồm 4 nhóm chỉ tiêu, gồm nhóm các chỉ tiêu tổng hợp, nhóm các chỉ tiêu về kinh tế, nhóm chỉ tiêu về xã hội và cuối cùng là nhóm chỉ tiêu về tài nguyên và môi trường. Tuy nhiên, Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, với quy mô vốn và trình độ công nghệ chưa cao, phù hợp với hướng tiếp cận ngân hàng bền vững theo hướng thứ nhất. Vì vậy, trong nghiên cứu này, các khái niệm ngân hàng bền vững và phát triển bền vứng được định nghĩa như sau:
Ngân hàng bền vững là: “ngân hàng có năng lực tài chính an toàn, lành mạnh, hiệu quả và đảm bảo các hoạt động quan tâm đến khía cạnh xã hội và môi trường bên cạnh mục tiêu chính là tăng trưởng kinh tế, với tầm nhìn ngắn, trung và dài hạn”.
Phát triển bền vững là “việc thực hiện các hoạt động nhằm đạt được mục tiêu năng lực tài chính an toàn, lành mạnh, hiệu quả và đảm bảo các hoạt động quan tâm đến khía cạnh xã hội và môi trường bên cạnh mục tiêu chính là tăng trưởng kinh tế, với tầm nhìn ngắn, trung và dài hạn của NHTM”.
Theo đó, một ngân hàng bền vững sẽ có những đặc trưng cơ bản sau:
- Năng lực tài chính lành mạnh, đảm bảo được khả năng duy trì và tự phục hồi khi có những rủi ro xảy ra do nội bộ doanh nghiệp hoặc do các yếu tố tác động bên ngoài. Ngân hàng có khả năng xây dựng các chiến lược ngắn, trung và dài hạn để duy trì năng lực tài chính.
- Mục tiêu hoạt động chính của ngân hàng là tăng trưởng kinh tế, tạo ra giá trị thặng dư cho công ty, cổ đông, chủ sở hữu của doanh nghiệp.
- Trách nhiệm xã hội của ngân hàng được đảm bảo. Theo đó, bên cạnh các cổ đông, hoạt động của ngân hàng đem lại lợi ích của các bên liên quan: nhân viên, khách hàng, đối tác, nhà cung ứng... và nâng cao phúc lợi cho cả xã hội. Các chiến lược hoạt động và phát triển của ngân hàng được xây dựng và thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu của ngân hàng và của cả cộng đồng.
- Trách nhiệm môi trường được đảm bảo. Bên cạnh việc phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường, ngân hàng cần có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ các dự án có tác động tích cực tới môi trường tự nhiên. Ngoài ra, mục tiêu về tiết kiệm nguồn lực, tiết kiệm chi phí... cũng cần được cụ thể hóa trong chiến lược phát triển của ngân hàng để giảm thiểu những tác động đến môi trường và xã hội.
CHƯƠNG 6. Vai trò của việc phát triển bền vững ngân hàng
Phát triển bền vững của NHTM được các nhà nghiên cứu xem như một yếu tố văn hóa xã hội. Elkington (1997) cho rằng phát triển bền vững NHTM tạo ra lợi ích
cho “3P”, bao gồm ba thành phần: Con người (People), Hành tinh (Planet) và Lợi nhuận của doanh nghiệp (profit). Cụ thể:
- Con người (Giá trị xã hội): Đối tượng được hưởng lợi ích là nguồn nhân lực trong và ngoài doanh nghiệp bao gồm: nhân viên, khách hàng, các nhà cung ứng, NGOs,... Các lợi ích có thể kể đến như hợp đồng lao động dài hạn, hợp đồng thương mại dài hạn, quyền lợi sức khỏe, an toàn lao động, quyền lao động, quyền con người...
- Hành tinh (Giá trị môi trường): Sử dụng ở mức độ bền vững các tài nguyên thiên nhiên và giảm thiểu các gánh nặng môi trường, ở hiện tại và tương lai, tại địa phương và toàn cầu.
- Lợi nhuận doanh nghiệp (Giá trị kinh tế): Mức độ lợi nhuận cần thiết và phù hợp để đảm bảo tính liên tục trong hoạt động sản xuất, cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp trong dài hạn.
Quan điểm này được ủng hộ bởi SER (2001), GRI (2000), Jeucken (2001). Phát triển từ quan điểm trên, Jucken (2004) đã phát triển ra mô hình lợi ích của phát triển bền vững NHTM ở cả ba khía cạnh: kinh tế, xã hội và môi trường:
Về kinh tế, phát triển bền vững của NHTM đem lại phần giá trị thặng dư thông qua tăng năng suất của người lao động, sử dụng cân bằng và có hiệu quả hơn các nguồn lực của doanh nghiệp và duy trì được nguồn nguyên vật liệu, nguồn nhân lực trong dài hạn. Mục tiêu kinh tế của phát triển bền vững không phải là “lợi nhuận” vì lợi nhuận là con số mang tính chất thời điểm phản ánh mục tiêu ngắn hạn của doanh nghiệp, không phản ánh được quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy, khi nghiên cứu về phát triển bền vững của doanh nghiệp cần chú trọng hơn vào việc “tạo ra giá trị thặng dư liên tục”, mục tiêu dài hạn của phát triển bền vững NHTM. Vì vậy, NHTM muốn phát triển bền vững phải cân bằng được hai mục tiêu kể trên.
Về xã hội, phát triển bền vững NHTM tạo ra việc làm và cải hơn cho xã hội trong dài hạn, từ đó phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống của người dân được tăng lên đáng kể. Ngoài ra, việc duy trì và phát triển bền vững nguồn lực (nguyên vật liệu tự nhiên, nguồn nhân lực) có thể tạo ra những giá trị xã hội tích cực trong tương lai.
Về môi trường, tác động của NHTM lên môi trường có thể chia thành tác động trực tiếp thông qua hoạt động nội bộ doanh nghiệp và tác động gián tiếp thông qua các sản phẩm tài chính trên thị trường. Về tác động trực tiếp, ngân hàng được xem là một lĩnh vực tương đối sạch trong nền kinh tế nếu xét về góc độ môi trường. Theo CSG (1998) và UBS (1999), gánh nặng của mỗi ngân hàng tạo ra cho môi trường bao gồm:
- Điện năng tiêu thụ (kWh/nhân viên/năm)
- Nhiệt năng tiêu thụ (kWh/m2)
- Nước tiêu thụ (m3/nhân viên/năm)
- Lượng giấy tiêu thụ (kg/nhân viên/năm)
- Du lịch của doanh nghiệp (km/nhân viên/năm)
- Khí thải CO2 (kg/nhân viên)
Tuy không nghiêm trọng như những thành phần khác của nền kinh tế nhưng sự tăng trưởng nhanh chóng về số lượng và quy mô của các NHTM hiện nay, tác động lên môi trường được xem là đáng kể (CBS, 2001). CSG (1999) cho rằng khoảng 90% gánh nặng mà khu vực ngân hàng tạo ra cho môi trường là do việc sử dụng quá mức nguyên liệu. Quan điểm trên cũng được đồng tình bởi UBS (2000). Về tác động gián tiếp, các sản phẩm của ngân hàng tác động lên môi trường thông qua việc sử dụng của khách hàng, vì vậy việc đo lường gánh nặng môi trường của các sản phẩm này rất khó khăn. Vì vậy, để đảm bảo trách nhiệm môi trường, các NHTM hiện nay có xu hướng xem xét hoạt động, dự án của khách hàng trước khi có quyết định cho vay, đầu tư. Nếu mô hình phát triển bền vững trước đây lấy con người làm trung tâm của sự phát triển thì mô hình hiện đại tập trung nhiều vào duy trì hệ sinh thái tự nhiên. Như vậy, những tác động của phát triển bền vững NHTM tác động lên môi trường không chỉ thông qua các sản phẩm bền vững, thân thiện với môi trường mà còn thông qua các chiến lược hoạt động hay việc xem xét tới yếu tố môi trường khi đưa ra các quyết định cho vay, đầu tư. Ngoài ra, phát triển bền vững NHTM giúp duy trì môi trường tự nhiên trong lành, trữ lượng vốn tự nhiên và giảm thiểu các vấn đề về sức khỏe cho các thế hệ trong tương lai.
Như vậy, NHTM muốn phát triển bền vững phải cân bằng giữa mục tiêu trong ngắn hạn (lợi nhuận) với mục tiêu trong dài hạn (giá trị gia tăng liên tục). NHTM phát triển bền vững không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho chính ngân hàng mà còn đem lại những giá trị xã hội và giá trị môi trường, giúp tăng cường phúc lợi xã hội cho nhân lực trong và ngoài doanh nghiệp và bảo vệ môi trường, bảo tồn nguồn nguyên liệu và tài nguyên thiên nhiên cho dài hạn và những thế hệ mai sau.
CHƯƠNG 7. Nghiên cứu về phát triển Ngân hàng xanh
CHƯƠNG 8. Khái niệm Ngân hàng xanh
Tăng trưởng xanh đang trở thành xu hướng phát triển chung của các quốc gia trên thế giới bởi tăng trưởng xanh có thể giải quyết đồng thời những vấn đề giữa tăng trưởng và môi trường - xã hội, đảm bảo tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường và xã hội. Thông qua vai trò cung ứng vốn cho nền kinh tế, hệ thống ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện tăng trưởng xanh với cơ chế khuyến khích đầu tư vào các dự án thân thiện môi trường, mục tiêu bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm và phát triển các nguồn năng lượng sạch và bền vững trong tương lai.
Hiện nay, quan điểm về “ngân hàng bền vững” hay “ngân hàng xanh” (nghĩa hẹp của “ngân hàng bền vững”) có nhiều cách tiếp cận và định nghĩa khác nhau.
Hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường, tổ chức UNEP cho rằng ngân hàng bền vững xem xét các tác động của các hoạt động, các sản phẩm và dịch vụ khác nhau của