Thực trạng di cư tại Việt Nam

Một phần của tài liệu Tác động của di cư đến nghèo đa chiều tại Việt Nam (Trang 71 - 76)

Di cư trong nước là hiện tượng phổ biến ở hầu hết các quốc gia đang phát triển. Theo số liệu công bố trong một nghiên cứu của Ngân hàng thế giới (World Bank, 2016), trong khi thế giới có khoảng 250 triệu người di cư quốc tế thì số người di cư nội địa cao gấp ba lần với 763 triệu người. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến di cư như tìm kiếm việc làm, kết hôn, học tập, đoàn tụ gia đình, xung đột chính trị/sắc tộc/tôn giáo, biến đổi khí hậu, … nhưng lý do chủ yếu là di cư vì việc làm.

Việt Nam trong quá trình bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước cũng đã trải qua các giai đoạn di cư trong lịch sử. Lịch sử di cư Việt Nam từ giữa thập kỉ 50 của thế kỉ 20 đến nay có thể chia làm ba giai đoạn lớn: giai đoạn 1954 – 1975, 1976 – 1986 và từ 1986 đến nay.

Di cư giai đoạn 1954 – 1975

Trong giai đoạn này, việc di dân gắn liền với việc kết thúc kháng chiến chống Pháp đi cùng với đó là đất nước bị chia cắt thành hai miền theo hiệp định Genève, vừa xây dựng và phát triển kinh tế xã hội ở miền Bắc XHCN vừa thực hiện cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Đất nước đã chứng kiến hai luồng di cư trái ngược ở hai thời điểm khác nhau. Dòng di cư vào Nam từ những người dân là đồng bào công giáo từ Bắc vào các tỉnh phía Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào. Theo ước tính đã có khoảng

gần một triệu đồng bào công giáo đã di cư vào Nam (Nguyễn Trọng Phúc, 2015). Một dòng di cư ngược lại bao gồm những người yêu nước và gia đình của họ ở miền Nam tập kết ra miền Bắc. Quy mô của dòng di cư này ước tính khoảng 8 vạn người (Nguyễn Trọng Phúc, 2015). Như vậy, dòng di cư này là do yếu tố chính trị và xảy ra trong khoảng thời gian 1954-1955.

Cùng với di cư do yếu tố chính trị, một dòng di cư khác diễn ra trong giai đoạn này với mục đích xây dựng và phát triển kinh tế XHCN ở miền Bắc. Tại Việt Nam, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam năm 1960 đã ra nghị quyết đại hội về các nhiệm vụ của kế hoạch kinh tế 5 năm lần thứ nhất, trong đó nhấn mạnh “Phải phân bố hợp lý sức sản xuất ở đồng bằng, trung du và miền núi, điều chỉnh sức người giữa các vùng, quy hoạch từng bước các vùng kinh tế, thực hiện sự phân công phối hợp giữa các vùng kinh tế với nhau”. Chủ trương này đã được thực hiện bằng việc tổ chức di dân từ các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng lên sinh sống, sản xuất và phát triển văn hóa tại các địa phương miền núi và trung du phía Bắc, Đông Bắc. theo số liệu thể hiện trong bài nghiên cứu của Nguyễn Trọng Phúc (2015), ước tính “năm 1960 đã có khoảng hơn 250 nghìn người tăng gấp đôi so với năm 1955” đã di cư lên những vùng này. Nguồn nhân lực bổ sung này đã giúp cho kinh tế ở vùng người di cư đến ngày càng phát triển.

Di cư giai đoạn 1975 - 1986

Năm 1976 sau khi hai miền Nam Bắc thống nhất, Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV về Phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu chủ yếu của Kế hoạch 5 năm 1976- 1980 đã xác định “Sử dụng hết mọi lực lượng lao động xã hội; tổ chức và quản lý tốt lao động, phân bố lại lao động giữa các vùng và các ngành nhằm tăng rõ rệt năng suất lao động xã hội”. Đặc biệt, Quyết định của hội đồng chính phủ số 95-CP ngày 27-3-1980 về chính sách xây dựng các vùng kinh tế mới quy định các chính sách ưu đãi dành cho người lao động và gia đình đi xây dựng các vùng kinh tế mới đã mở đường cho cuộc di dân lớn có tổ chức (có kế hoạch) trong lịch sử. Trong khi việc di dân từ các tỉnh đồng bằng sông Hồng lên các tỉnh miền núi phía Bắc, nhất là các tỉnh biên giới vẫn được tiếp tục, các chương trình di chuyển lao động và di dân từ các tỉnh đồng bằng phía Bắc tới Tây Nguyên (đặc biệt là Đăk Lăk , Lâm Đồng ), Đông Nam Bộ (đặc biệt là Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai ), di dân từ thành phố Hồ Chí Minh sang các địa phương nông thôn ở Đông và Tây Nam Bộ được

triển khai. Theo số liệu ước tính có khoảng 1,5 triệu người trong giai đoạn 1976-1980 và 1,3 triệu người trong giai đoạn 1980 - 1986 di cư đến các vùng này4.

Việc tổ chức di dân được giao cho chính quyền các địa phương và Tổng cục Khai hoang xây dựng kinh tế mới và sau này là Ban chỉ đạo Phân bố lao động và dân cư trung ương thực hiện. Nhà nước khuyến khích người lao động và gia đình chuyển đến làm ăn các vùng kinh tế mới, trước hết là lao động những vùng nông thôn có mức bình quân ruộng đất thấp và không có điều kiện phát triển ngành nghề, lao động ở thành thị thiếu việc làm hoặc không có điều kiện để được sử dụng hợp lý.

Di cư giai đoạn 1986 đến nay

Sau nghị quyết VI của Đảng, nền kinh tế của đất nước ngày càng phát triển với sự gia tăng của nhiều nhà máy, xí nghiệp trên khắp cả nước đặc biệt ở các tiinrh phía Nam. Nhu cầu nhân lực vì thế cũng gia tăng. Với sự ra đời của Nghị định số 36-CP ngày 24 tháng 4 năm 1997 về Ban hành quy chế khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao đã tạo ra làn sóng di cư thứ hai. Khác với các cuộc di cư trước đây, hình thức di cư trong giai đoạn và các giai đoạn sau này lại là di cư tự do (tự phát). Xu hướng di cư trong nước bắt đầu tăng mạnh từ năm 1999 khi nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, sự phát triển mạnh mẽ của các khu công nghiệp, chế xuất đã thu hút lượng lớn lao động di cư. Sự chuyển dịch cơ hội việc làm về khu vực thành thị được cho là nhân tố quan trọng nhất quyết định xu hướng di cư nội địa về khu vực thành thị để tìm kiếm công ăn việc làm. Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 (TCTK, 2019b), Việt Nam có khoảng 6,4 triệu người di cư chiếm 7,3% trong đó chủ yếu là nhóm di cư giữa các tỉnh (3,2%). Quan sát tình hình di cư trong ba thập kỷ qua cho thấy sự thay đổi rõ rệt cả về số lượng, tỷ lệ và xu hướng. Tổng dân số cả nước liên tục tăng qua các thời kì, nhưng dân số di cư chỉ tăng trong giai đoạn 1989 - 2009, từ 2,4 triệu người năm 1989 lên 6,7 triệu người năm 2009, sau đó giảm xuống còn 6,4 triệu người năm 2019. Tương ứng là tỷ lệ di cư liên tục tăng mạnh từ 4,5% năm 1989 lên 6,5% năm 1999 và lên mức 8,5% năm 2009; đến năm 2019, tỷ lệ di cư giảm xuống còn 7,3%. Mặc dù xu hướng di cư đi xa khỏi nơi sinh sống vẫn là chủ yếu (di cư sang tỉnh khác hoặc huyện khác) nhưng có xu hướng giảm dần (cả về quy

mô và tỷ lệ) nhường chỗ cho di cư trong huyện. Như vậy, trong bối cảnh di cư đang thu hẹp, người di cư cũng có xu hướng lựa chọn điểm đến trong phạm vi quen thuộc của họ như trong minh họa trong Hình 3.1 dưới đây.

Hình 3.1: Tỷ lệ di cư theo mức độ di cư giai đoạn 1989 - 2019 (%)

(Nguồn: TCTK, 2019b)

Cũng theo kết quả Tổng điều tra năm 2019 (TCTK 2019b, trang 59), dân số thành thị chiếm 34,4% tổng dân số cả nước (khoảng 33 triệu người). Tỷ lệ dân số thành thị tăng nhanh trong thời gian qua chủ yếu là do xu hướng di cư từ nông thôn ra thành thị, trong đó chủ yếu là những người trong độ tuổi lao động di cư tìm cơ hội việc làm và do vấn đề quy hoạch, mở rộng đô thị ở hầu hết các tỉnh trong cả nước. Tuy vậy, người di cư vẫn gặp phải môt số rào cản về thể chế. Theo báo cáo của Tổng cục thống kê (2016a, trang 3) “Mức độ đô thị hóa ở nước ta còn thấp một là do chính sách hạn chế di cư tự do và sự chuyển đổi các đặc điểm nhân khẩu học. Di cư nông thôn - thành thị được coi là một trong những yếu tố quan trọng làm tăng tỷ lệ đô thị hóa thì ở Việt Nam, dòng di cư này vẫn còn yếu ớt. Có nhiều rào cản về chính sách đối với dòng di cư này, nhất là chính sách hộ khẩu, Luật Cư trú (2006), Luật Thủ đô năm 2010 và các quy định của các địa phương gây khó khăn cho người nhập cư”. Theo kết quả Tổng điều tra năm 2019 cho thấy, với tỷ lệ tăng dân số khu vực thành thị chỉ 34,4% Việt Nam đã không đạt được cả hai mục tiêu về đô thị hoá đến năm 2015 và 2020 theo Chương trình phát triển đô thị quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (TCTK, 2019b).

Xét theo luồng di cư cho thấy, luồng di cư từ nông thôn mặc dù vẫn giữ vài trò chủ đạo trong hai thập kỉ từ 1989 - 2009 (từ 27,1% lên 31,5%), tuy nhiên đang có xu hướng giảm trong giai đoạn 2009 - 2019 (chỉ còn 27,5%). Trong khi luồng di cư từ thành thị gia tăng (36,5%) và chiếm vai trò chủ đạo trong giai đoạn này. Lý

giải cho hiện tượng này là di điều kiện sống ở vùng nông thôn ngày càng được cải thiện nhờ sự mở rộng của các khu công nghiệp cũng như hiệu quả từ chương trình “Nông thôn mới” mà Đảng và nhà nước đã triển khai từ năm 2016.

Đặc điểm của người di cư được ghi nhận qua các cuộc khảo sát (Tổng điều tra dân số và nhà ở, Khảo sát mức sống dân cư, Điều tra di cư nội địa quốc gia) chủ yếu thuộc nhóm trẻ tuổi và phổ biến trong nhóm độ tuổi từ 20-39 tuổi. Trong đó, nữ giới vẫn chiếm đa số nhưng đang được điều chỉnh theo hướng cân bằng hơn so với nam giới (TCTK, 2019b). Người di cư thường có trình độ học vấn cao hơn so với người không di cư và lý do dẫn đến di cư chủ yếu là vì tìm việc làm (chiếm gần 37%). Đặc biệt, đa số người di cư đến Vùng Đông Nam bộ vì lý do liên quan đến việc làm (với 50,3%) cho thấy cơ hội việc làm ở vùng này chính là sức hút đối với người di cư. Người di cư giữa các tỉnh có mức sống khó khăn nhất khi mà có tới gần 50% số người di cư sống ở mức nghèo và nghèo nhất trong khi luồng di cư này chiếm trọng cao nhất. Trong khi đó người di cư giữa các huyện có mức sống tốt nhất với trên 60% số người di cư thuộc nhóm giàu và giàu nhất (TCTK, 2019b). Điều này phản ánh những khó khăn mà người di cư phải đối mặt khi đến nơi ở mới cũng như gia đình họ tại quê nhà. Việc cải thiện tình trạng nghèo của nhóm người này là khá khó khăn khi mà lợi ích từ di cư có thể không đủ để giúp hộ cải thiện tình trạng nghèo.

Tại nơi đến, bên cạnh những lợi ích do di cư mang lại, người di cư cũng gặp rất nhiều khó khăn. Theo kết quả mới nhất từ Điều tra di cư nội địa quốc gia năm 2015 do Tổng cục thống kê tiến hành cho thấy Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là hai thành phố thu hút nhất đối với người di cư. Người di cư xét về các điều kiện sống liên quan đến quyền sở hữu thì hộ gia đình có người di cư vẫn còn thấp hơn so với người không di cư như về loại nhà ở, quyền sở hữu nhà ở, các thiết bị sinh hoạt của hộ nhưng khoảng cách thiếu hụt đã được rút ngắn lại khi so sánh với kết quả của điều tra di cư nội địa quốc gia thực hiện năm 2004 (trong đó nhà ở là điều mà người di cư quan ngại nhất tại nơi đến).

Theo nơi đến của người di cư (hay nơi nhận cư), kết quả từ cuộc Điều tra di cư nội địa quốc gia năm 2015, luồng di cư nông thôn - thành thị chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các dòng di cư trong nước với 49,8% (con số này cao gấp 20 lần tỷ trọng người sinh ra ở thành thị và chuyển về nông thôn sinh sống với chỉ 2,9%). Trong số 49,8% người di cư sinh ra ở nông thôn chuyển đến thành thị thì có 13,6% là người di cư nội tỉnh, còn lại 33,4% là người sinh ra ở tỉnh khác chuyển đến. Có khoảng 64% người di cư cho biết họ có người ruột thịt, họ hàng, hoặc quen biết ở nơi họ

đang cư trú. Điều này càng khẳng định vai trò cực kì quan trọng của mạng lưới di cư đối với người di cư tại nơi đến cũng như giúp người di cư an tâm hơn khi di cư đến nơi ở mới. Người di cư đến nơi ở mới có việc làm, thu nhập, giáo dục và điều kiện sống tốt hơn so với nơi ở cũ. Tuy nhiên, người di cư cũng phải đối mặt với điều kiện sống chật chội và ô nhiễm về không khí/nguồn nước cũng như những quan ngại về sự an toàn ngày càng gia tăng (đặc biệt là trong nhóm di cư đến thành thị). Mặt khác, do lượng người di cư đổ về khu vực thành thị tăng cao làm cho sự cạnh tranh trong tìm kiếm việc làm của người di cư cao hơn so với người dân địa phương. Những vấn đề của người di cư tại nơi đi và nơi đến sẽ có tác động rất lớn trong công cuộc cải thiện thu nhập cũng như điều kiện sống của chính mình và gia đình họ tại quê nhà.

Một phần của tài liệu Tác động của di cư đến nghèo đa chiều tại Việt Nam (Trang 71 - 76)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(196 trang)
w