Định nghĩa về nghèo đói

Một phần của tài liệu Tác động của di cư đến nghèo đa chiều tại Việt Nam (Trang 26 - 28)

1.2. Tổng quan nghiên cứu về nghèo đói

1.2.1. Định nghĩa về nghèo đói

Đói nghèo là một hiện tượng kinh tế xã hội mang tính chất toàn cầu, không chỉ tồn tại ở các quốc gia có nền kinh tế kém phát triển, mà còn tồn tại ngay tại các quốc gia có nền kinh tế phát triển. Tùy thuộc vào điều kiện tự nhiên, thể chế chính trị xã hội và điều kiện kinh tế của mỗi quốc gia mà tính chất, mức độ nghèo đói của từng quốc gia là khác nhau. Nhìn chung mỗi quốc gia đều sử dụng một khái niệm để xác định mức độ nghèo và đưa ra các chỉ báo nghèo để xác định giới hạn nghèo khổ. Có rất nhiều định nghĩa về nghèo đói được đưa ra bởi các nhà kinh tế học cũng như của các tổ chức quốc tế. Tuy vậy vẫn có sự thống nhất trong các định nghĩa về nghèo đói trên một số các khía cạnh của nghèo.

Trước hết, nghèo được hiểu là sự thiếu thốn về mặt vật chất được xác định bởi mức thu nhập mà tại đó con người không đủ đáp ứng các nhu cầu tối thiểu của con người (được Adam Smith 1776 đề cập trong tác phẩm “Wealth of Nations” trích trong E. Philip Davis và Miguel Sanchez-Martinez, 2015). Theo định nghĩa này, nghèo đói là một thước đo tuyệt đối với những thiếu thốn về vật chất. Tuy vậy, nếu chỉ dừng lại ở khái niệm này thì không thể phản ánh đầy đủ tình trạng nghèo mà một cá nhân phải trải qua vì một cá nhân không chỉ thiếu thốn về mặt vật chất mà còn trên khía cạnh khác (phi vật chất). Vì vậy, nhiều nghiên cứu đã khẳng định rằng nghèo là sự kết hợp của thước đo tuyệt đối và tương đối (Peter Townsend 1979).

Amartya Sen là một trong những người đóng góp quan trọng nhất cho nghèo đói đã đề xuất định nghĩa tương đối về nghèo. Theo Sen (1983), môi trường kinh tế xã hội xung quanh cá nhân mang đến cho khái niệm nghèo đói một ý nghĩa tương đối được Amartya Sen (1981) đề cập trong lý thuyết về “Cách tiếp cận năng lực” (Capability Approach- CA). Lý thuyết này nổi lên như là “cách tiếp cận thay thế

hàng đầu cho các khung kinh tế tiêu chuẩn để tư duy về nghèo đói, bất bình đẳng và phát triển con người nói chung” và là nền móng để xây dựng nên khung lý thuyết đo lường nghèo theo cách tiếp cận đa chiều thay vì đơn chiều như trước đây. Theo đó, nghèo không chỉ là bị tước đoạt nguồn lực, mà còn bị tước đoạt cả năng lực. Ông cho rằng, đo lường nghèo đói không chỉ dựa vào tiêu chí duy nhất là thu nhập mà cần quan tâm đến đánh giá chất lượng cuộc sống như “khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế và giáo dục, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, tỷ lệ xóa mù chữ”. Hay nói cách khác, nghèo là hiện tượng đa chiều. Từ những nghiên cứu của Sen, một loạt các nghiên cứu đã dựa trên cách tiếp cận này để định nghĩa và đo lường nghèo đói như Chương trình phát triển liên hiệp quốc (UNDP - United Nation Development Program), Ngân hàng thế giới (WB – World Bank), Alkire (2007), Alkire and Foster (2011), …

Một số các quan niệm về nghèo đói được các tổ chức trên thế giới đưa ra đã bổ sung cho các nội hàm của nghèo đói. Tại hội nghị bàn về xoá đói giảm nghèo do ESCAP tổ chức tại Băng Cốc Thái Lan năm 1993 đã đưa ra khái niệm về nghèo đói “Đói nghèo là tình trạng một bộ phận dân cư không được hưởng và thoả mãn những nhu cầu cơ bản của con người đã được xã hội thừa nhận tuỳ theo trình độ phát triển kinh tế xã hội và phong tục tập quán của các địa phương” (Bộ lao động thương bình xã hội, 2015). Hay trong định nghĩa của Ngân hàng thế giới (2000) cho rằng "Nghèo là đói. Nghèo là thiếu nơi trú ẩn. Nghèo là bệnh tật mà không thể gặp bác sĩ. Nghèo là không được đến trường và không biết đọc. Nghèo là không có việc làm, là nỗi sợ cho tương lai. Nghèo là mất một đứa trẻ vì bệnh tật do nước bẩn gây ra. Nghèo là bất lực, thiếu đại diện và tự do cũng như không được bày tỏ ý kiến”. Như vậy, định nghĩa nghèo này bao gồm các điều kiện sống không thể đáp ứng các nhu cầu cơ bản về thực phẩm, nước uống sạch, vệ sinh đúng cách, giáo dục, chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ xã hội khác. Hay như khái niệm do Ủy ban châu Âu đề xuất, đó là “Mọi người được cho là sống trong nghèo khổ nếu thu nhập và nguồn lực của họ không đủ để ngăn cản họ có một mức sống được coi là chấp nhận được trong xã hội nơi họ sống. Vì nghèo đói, họ có thể gặp nhiều bất lợi thông qua thất nghiệp, thu nhập thấp, nhà ở kém, chăm sóc sức khỏe không đầy đủ và rào cản đối với việc học tập, văn hóa, thể thao và giải trí suốt đời” (World Bank, 2000)

tất cả lãnh đạo các tổ chức của UN thông qua trong Tuyên bố của Liên hợp quốc (6/2008) rằng “Nghèo là thiếu năng lực tối thiểu để tham gia hiệu quả vào các hoạt động xã hội. Nghèo có nghĩa là không có đủ ăn, đủ mặc, không được đi học, không được đi khám bệnh, không có đất đai để trồng trọt hoặc không có nghề nghiệp để nuôi sống bản thân, không được tiếp cận tín dụng. Nghèo cũng có nghĩa là không an toàn, không có quyền, và bị loại trừ của các cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng. Nghèo có nghĩa là dễ bị bạo hành, phải sống ngoài lề xã hội hoặc trong các điều kiện rủi ro, không được tiếp cận nước sạch và công trình vệ sinh an toàn”. Điều này tạo thành một định nghĩa rất rộng, bao gồm các đặc tính đa chiều của nghèo đói. Cùng với quan điểm của Sen về nghèo đói, khái niệm của UN được coi như là cơ sở của các khái niệm về nghèo đa chiều sau này và được các quốc gia kế thừa, áp dụng. Tính chất đa chiều của nghèo đói đã làm cho “Đói nghèo là một khái niệm đa chiều vừa dễ và vừa khó để định nghĩa” (UNDP 2012, trang 4)

Tóm lại, nghèo chính là sự thiếu hụt một số nhu cầu cơ bản của con người nhằm duy trì mức sống tối thiểu. Nghèo không phải là một hiện tượng đơn chiều (phụ thuộc vào thước đo thu nhập/chi tiêu) mà là một hiện tượng đa chiều. Hay nói cách khác, nghèo là một hiện tượng đa chiều mà ở đó con người thiếu hụt một số nhu cầu cơ bản cho cuộc sống như thực phẩm, nước sạch, vệ sinh, giáo dục, y tế và các dịch vụ xã hội khác ở mức tối thiểu.

Đa số các quốc gia đo lường nghèo đói theo cách tiếp cận đơn chiều (tức là dựa trên chuẩn nghèo thu nhập hoặc chi tiêu). Bên cạnh đó, một thước đo bổ sung cho thước đo nghèo đơn chiều ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đo lường nghèo đói đó là nghèo theo cách tiếp cận đa chiều. Trong những năm trở lại đây, nhiều quốc gia thường tiếp cận đo lường nghèo đói kết hợp cả nghèo đơn chiều (hay còn gọi là nghèo tiền tệ thường được xác định theo chuẩn nghèo thu nhập hoặc chi tiêu) và nghèo đa chiều (thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản).

Một phần của tài liệu Tác động của di cư đến nghèo đa chiều tại Việt Nam (Trang 26 - 28)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(196 trang)
w