Từ các tài liệu được tổng hợp về tác động của di cư đến nghèo đói, luận án đi đến một số kết luận như sau:
Thứ nhất, từ dẫn chứng các tài liệu cho thấy, các nghiên cứu trong và ngoài nước trước phần lớn tập trung làm rõ tác động của di cư đến nghèo dựa trên cách tiếp cận đơn chiều thông qua thu nhập hoặc chi tiêu của hộ. Các nghiên cứu đều
thống nhất đi đến kết luận rằng, di cư giúp hộ tăng thu nhập và chi tiêu thông qua tiền gửi về từ người di cư, từ đó giúp hộ giảm nghèo đơn chiều.
Thứ hai, bên cạnh các nghiên cứu tác động của di cư trong nước đến giảm nghèo thông qua tiền gửi cho hộ gia đình có người di cư, chưa có một công trình nào thực hiện đánh giá tác động của di cư đến chỉ tiêu nghèo đa chiều tổng hợp ở cấp độ hộ gia đình tại Việt Nam dựa trên bộ chỉ báo đo lường NĐC theo đề xuất của BLĐTBXH (2015) theo cách tiếp cận đo lường NĐC của Alkire & Foster (2011). Cho tới hiện nay, một số công trình nghiên cứu tác động của di cư đến một số chiều nghèo đa chiều và chủ yếu tập trung vào chiều giáo dục, y tế, nhà ở mà chưa nghiên cứu đối với các chiều còn lại cũng như tác động đến tình trạng nghèo đa chiều tổng hợp.
Từ những vấn đề nêu trên, luận án nhận thấy còn tồn tại khoảng trống trong nghiên cứu tác động của di cư đến nghèo dựa trên cách tiếp cận đa chiều cần được bổ sung vào nghiên cứu. Việc bổ sung khoảng trống nghiên cứu này sẽ cung cấp bằng chứng đầy đủ hơn về tác động của di cư đến nghèo đói. Từ đó, đưa ra các khuyến nghị chính sách phù hợp giúp hộ cải thiện tình trạng thiếu hụt đa chiều do di cư tại Việt Nam trong thời gian tới.
TÓM TẮT CHƯƠNG 1
Di cư và nghèo đói là hai lĩnh vực nghiên cứu không phải là mới trên thế giới đặc biệt là tác động của di cư đến nghèo đói. Số lượng các nghiên cứu đánh giá tác động của di cư đến nghèo đơn chiều/nghèo tiền tệ vẫn chiếm ưu thế vượt trội. Tuy nhiên, đánh giá tác động của di cư đến nghèo đói theo cách tiếp cận đa chiều vẫn còn rất hạn chế nhất là trong bối cảnh tại Việt Nam. Vì vậy, cần một nghiên cứu hoàn thiện hơn nhằm đánh giá tác động này tại Việt Nam.
Bằng việc thực hiện tổng quan nghiên cứu thông qua tổng hợp các tài liệu nghiên cứu trong và ngoài nước, Chương 1 đã khái quát được các định nghĩa về nghèo đói và di cư; các yếu tố ảnh hưởng tới di cư; các yếu tố ảnh hưởng tới nghèo đói cũng như thước đo đo lường nghèo đói. Thêm vào đó, chương này cũng đã tổng hợp các tài liệu liên quan đến tác động của di cư đến nghèo đói nói chung và nghèo đa chiều nói riêng từ đó chỉ ra khoảng trống trong nghiên cứu vấn đề này tại Việt Nam. Theo đó, các nghiên cứu trong và ngoài nước phần lớn tập trung vào tác động của di cư đến nghèo tiền tệ trong khi nghèo là hiện tượng đơn chiều. Thêm vào đó, các tác động tích cực của di cư đến nghèo phần lớn tập trung vào nghèo tiền tệ trong khi tác động tiêu cực của di cư thường tập trung vào các chiều xã hội (nghèo phi tiền tệ). Chưa có nghiên cứu nào liên kết các chiều nghèo đa chiều lại với nhau và tiến hành đánh giá tác động của di cư đến sự thiếu hụt các chiều này cũng như nghèo đa chiều tổng hợp. Đây là khoảng trống trong nghiên cứu tác động của di cư đến nghèo đói tại Việt Nam.
Những nội dung của Chương 1 sẽ là căn cứ khoa học để tính toán chỉ số nghèo đa chiều và thử nghiệm tính toán nghèo đa chiều cho hộ di cư tại Việt Nam theo nơi xuất cư (nơi đi) và sẽ được triển khai nghiên cứu tại Chương 3 cũng như đánh giá tác động của di cư đến nghèo đa chiều tại Việt Nam ở Chương 4.
CHƯƠNG 2
PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Chương này tập trung trình bày nội dung liên quan đến các phương pháp được sử dụng trong luận án. Nội dung của chương bắt đầu bằng việc trình bày phương pháp xác định hộ nghèo đa chiều. Tiếp đến, nhằm đánh giá tác động của di cư đến nghèo đa chiều của hộ gia đình Việt Nam, nghiên cứu trình bày nội dung của hai phương pháp được trình bày trong nội dung chương này bao gồm: phương pháp hồi quy kết nối điểm số tương đồng (PSM – Propensity Score Matching) và phương pháp khác biệt kép kết hợp điểm xu hướng (DID – PSM). Trong khi phương pháp PSM được sử dụng để ước lượng tác động của di cư đến nghèo đa chiều thì phương pháp DID – PSM được sử dụng để kiểm tra tính vững của các kết quả ước lượng từ phương pháp PSM.