Thẩm quyền xét xử sơ thẩm trong Luật Tố tụng hình sự của

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án trong Luật tố tụng hình sự Việt Nam (Trang 29 - 35)

một số nước

Việc tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp phương Tây có những điểm rất khác nhau:

* Tại Malaysia: Malaysia là một nước liên bang, do vậy mô hình tổ chức của TA ở Malaysia có những đặc điểm riêng. Hệ thống TA ở Malaysia bao gồm: TA liên bang, TA phúc thẩm, TA thượng thẩm, TA xét xử theo phiên và TA địa hạt.

- Tòa án liên bang là TA cao nhất trong hệ thống TA ở Malaysia (ở Việt Nam là TANDTC) có thẩm quyền xét xử phúc thẩm đối với những vụ án hình sự, dân sự của TA phúc thẩm bị kháng cáo.

- Toà án phúc thẩm là TA có vị trí thứ 2 sau TA liên bang. Tòa án này có thẩm quyền xét xử phúc thẩm đối với những bản án, quyết định về dân sự, hình sự của TA thượng thẩm có kháng cáo.

- TA thượng thẩm: Malaysia có 2 Toà thượng thẩm theo khu vực. TA thượng thẩm có thẩm quyền XXST và phúc thẩm. TA thượng thẩm có thẩm quyền XXST đối với các tội phạm xảy ra trên địa bàn, chủ yếu là đối với các tội phạm hình sự nghiêm trọng, chẳng hạn như tội buôn bán, vận chuyển ma tuý, tội giết người, các tội theo Luật về vũ khí có khung hình phạt cao nhất đến tử hình. TA thượng thẩm cũng thực hiện xét xử phúc thẩm đối với những bản án, quyết định của TA địa phương trong phạm vi địa bàn của mình. Ngoài ra, TA thượng thẩm cũng thực hiện giám đốc về xét xử hình sự đối với các bản án, quyết định của các TA địa phương.

- TA xét xử theo phiên: Có thẩm quyền XXST đối với tất cả các tội phạm, trừ tội có mức hình phạt cao nhất là tử hình.

- Toà án địa hạt: TA này được thành lập ở hầu hết các đô thị tại Malaysia, có thẩm quyền XXST đối với các tội phạm áp dụng hình phạt

không quá 5 năm tù, phạt tiền không quá 10.000 ringit, hoặc có thể quyết định hình phạt đánh roi da tối đa là 12 roi trong khi xét xử đối với các tội phạm chỉ có hình phạt tiền là hình phạt chính, tội phạm có mức cao nhất của khung hình phạt không quá 10 năm tù.

- Về vấn đề bổ nhiệm Thẩm phán: Chánh án TA Liên bang do nhà Vua bổ nhiệm theo đề nghị của Thủ tướng, trên cơ sở có tham khảo ý kiến của một Hội đồng do nhà Vua thành lập. Việc bổ nhiệm Chánh án TA phúc thẩm, TA thượng thẩm cũng như Thẩm phán của TA liên bang, TA phúc thẩm, TA thượng thẩm cũng được thực hiện như trên. Để trở thành Thẩm phán TA liên bang thì phải là Thẩm phán đương nhiệm của TA phúc thẩm hoặc thượng thẩm và phải có thời gian công tác từ 10 -15 năm. Thẩm phán TA Liên bang, TA phúc thẩm, TA thượng thẩm được bổ nhiệm suốt đời. Để đảm bảo tính độc lập cho Thẩm phán khi xét xử, Malaysia không coi Thẩm phán là một công chức nhà nước mà có chế độ đãi ngộ riêng theo quy định do Nghị viện ban hành.

* Tại Canada: Ngoài những quy định cụ thể về thẩm quyền xét xử của TA theo luật định, khác với pháp luật Việt Nam, pháp luật Canada còn quy định vấn đề thẩm quyền xét xử hình sự của TA phụ thuộc vào yêu cầu của người bị hại và bị can, bị cáo. Chẳng hạn, nếu các bên không có yêu cầu việc xét xử có sự tham gia của Bồi thẩm đoàn thì TA cấp tiểu bang sẽ xét xử; nếu một trong hai bên yêu cầu có Bổi thẩm đoàn thì việc xét xử sẽ thuộc quyền của TA sơ thẩm liên bang.

- Về quy trình bổ nhiệm Thẩm phán: pháp luật Canada quy định quy trình bổ nhiệm, bãi nhiệm Thẩm phán hết sức chặt chẽ, để có thể được bổ nhiệm là Thẩm phán, ứng cử viên phải trải qua một thời gian nhất định hành nghề luật sư, giai đoạn này có thể kéo dài đến 20 năm. Việc bổ nhiệm Thẩm phán được tiến hành thông qua sự giới thiệu của Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán. Mỗi bang thành lập một Hội đồng, Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán là tổ chức phi chính phủ.

- Thẩm phán ở Canada được bổ nhiệm bởi chính quyền hành pháp, theo đó Thẩm phán TA cấp thấp được bổ nhiệm bởi chính quyền tiểu bang và các Thẩm phán thuộc các TA khác do chính quyền liên bang bổ nhiệm. Thẩm phán cho Toà phúc thẩm do Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Thủ tướng thông qua các cơ quan chức năng sẽ tiến hành lựa chọn những Thẩm phán đủ điều kiện thông qua việc rút, điều chuyển Thẩm phán từ TA cấp dưới lên.

Tương xứng với những đòi hỏi khắt khe trong quá trình bổ nhiệm, Canada có một chế độ đãi ngộ khá ưu đãi cho Thẩm phán. Khi một Thẩm phán được bổ nhiệm, mức lương thấp nhất theo ước tính thu nhập tương đương khoảng 135.000$/năm, xấp xỉ bằng thu nhập của một Luật sư đã hành nghề 20 năm. Ngoài ra, chế độ nghỉ hưu và bảo hiểm xã hội đối với Thẩm phán cũng có nhiều ưu đãi, đảm bảo tốt nhất cuộc sống của người Thẩm phán và gia đình họ.

Xuất phát từ những đặc điểm hệ thống chính trị, về nguyên tắc tổ chức, thực hiện quyền lực Nhà nước, nên những điểm khác biệt trong hệ thống pháp luật Canada cũng như hệ thống pháp luật Việt Nam là tất yếu. Tuy nhiên, những quy định về thẩm quyền xét xử về hình sự của Canada cũng là những kinh nghiệm quý báu để Việt Nam nghiên cứu, chọn lọc cho phù hợp với điều kiện ở Việt Nam.

Qua nghiên cứu mô hình tố tụng hình sự của hầu hết các nước trên thế giới thì thấy rằng không có nước nào có hệ thống TA theo cơ cấu 3 cấp: Sơ thẩm - phúc thẩm - giám đốc thẩm và rất ít nước cho phép TA cấp thấp nhất được xử những tội phạm nghiêm trọng có hình phạt đến 15 năm tù. Đơn cử một số mô hình sau:

* Tại Nhật Bản: Trong tố tụng hình sự, hệ thống TA được chia thành 4 cấp: TA tối cao, TA cấp cao, TA quận và TA giản lược. TA tối cao có vai trò là toà phá án, TA cấp cao có thẩm quyền xét xử phúc thẩm những vụ án có

kháng cáo, kháng nghị đối với bản án, quyết định của TA quận và TA giản lược. Ngoài ra, TA này cũng có quyền xét xử những vụ án liên quan đến bị cáo phản bội tổ quốc. TA quận xét xử mọi tội phạm trừ những tội phạm thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp cao và Tòa án giản lược. Tòa án giản lược chỉ xét xử những vụ án có bị cáo phạm tội có thể bị áp dụng hình phạt dưới 3 năm tù. Như vậy, cấp tòa thấp nhất - Tòa án giản lược chỉ được xử những vụ án đơn giản ít nghiêm trọng và như vậy, có thể thấy trung tâm xét xử của hệ thống TTHS Nhật Bản là TA cấp quận.

* Tại Pháp: Có 3 loại thủ tục chính trong TTHS Pháp và tương ứng là 3 cấp TA. Đối với các tội đại hình như giết người, hiếp dâm hay cướp có vũ khí mà hình phạt áp dụng từ 5 năm tới chung thân, vụ án sẽ được xét xử ở 1 trong 33 toà đại hình trên toàn nước Pháp, án xử có hiệu lực ngay và không có thủ tục phúc thẩm trừ khi xin được xem xét lại ở toà tối cao (toà phá án). Đối với các tội có mức hình phạt có thể áp dụng từ 02 tháng đến 05 năm tù hoặc phạt tiền đến 25.000 france, vụ án sẽ được xét xử ở tòa tiểu hình. Cấp tòa thấp nhất là toà vi cảnh xét xử những án phạt tù từ 01 ngày đến dưới 02 tháng tù hoặc phạt tiền tối đa dưới 25.000 france. Tất cả những kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm đối với những bản án, quyết định đã tuyên ở tòa vi cảnh hay tòa tiểu hình đều được xử ở cấp tòa phúc thẩm (cấp tòa độc lập không trực thuộc TATC). Mô hình tố tụng Pháp cho thấy thẩm quyền xét xử ở cấp tòa thấp nhất chỉ hạn chế với những vụ án không nghiêm trọng, đơn giản và có sự phân định rõ thẩm quyền giữa các tòa để xét xử các loại tội: Vi cảnh, tiểu hình, đại hình; giữa tòa XXST và tòa phúc thẩm chuyên trách. Bên cạnh đó sự phân loại tội phạm tội đại hình, tiểu hình và vi cảnh có ý nghĩa cơ bản để xác định thủ tục tố tụng và thẩm quyền tố tụng tương ứng. Đây là điểm then chốt chúng ta cần tham khảo trong quá trình xây dựng pháp luật tố tụng hình sự ở nước ta.

Việc tổ chức và hoạt động của TA thường thể hiện tính đa dạng khác nhau của các Nhà nước, nhưng giữa chúng có những điểm rất chung thể hiện tính quy luật chung của hoạt động xét xử. Hoạt động của TA thường được phân theo các cấp xét xử: Cấp sơ thẩm, phúc thẩm. Cấp sơ thẩm xét xử các vụ việc ít nghiêm trọng; các TA phúc thẩm có quyền phúc thẩm các quyết định xét xử của các TA cấp dưới. Hoạt động của hai loại TA này tạo thành hai cấp xét xử chính trong hoạt động của TA hiện nay. TA tối cao là cấp xét xử cuối cùng, có quyền phúc thẩm các vụ việc đã được các TA cấp dưới xét xử. Các quyết định của TA tối cao có hiệu lực pháp lý cuối cùng, không được kháng nghị hoặc kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm như của Tòa án cấp dưới.

Bên cạnh đó, việc tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp phương Tây cũng có những điểm khác nhau:

Phân loại theo vụ việc: TA được chia làm hai loại: TA có thẩm quyền chung và TA chuyên biệt.

+ TA có thẩm quyền chung bao gồm:

Tòa sơ thẩm là TA cấp thấp nhất trong hệ thống TA của mỗi quốc gia có thẩm quyền xét xử tất cả các vụ tranh tụng về hình sự (tiểu hình và đại hình).

TA phúc thẩm có quyền xét lại bản án của Toà sơ thẩm, nếu có kháng cáo, kháng nghị. Trong trường hợp không có kháng cáo, kháng nghị, thì quyết định của các Tòa sơ thẩm có hiệu lực pháp luật.

+ TA chuyên biệt gồm có: Tòa lao động, TAQS, Tòa hành chính...

Phân loại theo các hệ thống pháp luật:

Xét dưới góc độ tố tụng và hệ thống pháp luật thì việc tổ chức và hoạt động tư pháp của hai hệ thống pháp luật cơ bản của thế giới là Châu Âu lục địa và Anh - Mỹ có sự khác nhau lớn:

Nếu như ở Châu Âu lục địa, tại phiên tòa phúc thẩm, Thẩm phán không những có quyền tăng hình phạt, mà còn xem xét cả nội dung vụ việc và cả

luật áp dụng, thì của hệ thống Anh - Mỹ chỉ được xem xét luật áp dụng và chỉ được giảm hình phạt đã được tuyên của tòa sơ thẩm.

Nếu như ở Nhà nước của hệ thống pháp luật Châu Âu lục địa, Thẩm phán không có quyền sáng tạo ra pháp luật, thì ngược lại ở hệ thống Anh - Mỹ, Thẩm phán lại có quyền này.

Như vậy, việc phân định thẩm quyền của TA ở các nước khác nhau phải dựa vào hệ thống TA nước đó và phù hợp với Hiến pháp. Đồng thời, nó còn phải dựa vào căn cứ phân loại tội phạm của BLHS của mỗi nước. Mỗi một cách thức tổ chức TA và quy định về thẩm quyền xét xử trên thế giới đều có những ưu và khuyết điểm khác nhau. Vì vậy, việc xem xét các quy định về thẩm quyền của Luật TTHS các nước khác có ý nghĩa quan trọng chúng ta cần phải tham khảo, học hỏi, để từng bước xây dựng pháp luật TTHS ngày càng hoàn chỉnh, làm cơ sở tham khảo cho quá trình hoàn thiện pháp luật TTHS ở nước ta [59, tr. 65 - 70].

Chương 2

QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VÀ THỰC TIỄN THỰC THI PHÁP LUẬT VỀ THẨM QUYỀN XÉT XỬ SƠ THẨM

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án trong Luật tố tụng hình sự Việt Nam (Trang 29 - 35)