Căn cứ vào thực trạng đội ngũ cán bộ làm công tác xét xử

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án trong Luật tố tụng hình sự Việt Nam (Trang 26 - 27)

1.2. Căn cứ quy định thẩm quyền xét xử sơ thẩm

1.2.4. Căn cứ vào thực trạng đội ngũ cán bộ làm công tác xét xử

Thực hiện hoạt động tố tụng là cá nhân con người cụ thể, kết quả của hoạt động tố tụng ít nhiều vẫn mang màu sắc chủ quan của con người. Để có thể phản ánh một cách khách quan sự việc phạm tội, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đảm bảo tính công bằng trong xã hội thì người tiến hành tố tụng cần phải có trình độ chuyên môn, năng lực nhất định. Vụ án càng phức tạp càng cần thiết đòi hỏi người có trình độ năng lực cao hơn giải quyết. Việc phân định thẩm quyền xét xử không thể không dựa trên cơ sở trình độ của đội ngũ Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân. Hiện nay chúng ta đang thực

hiện tiêu chuẩn hóa Thẩm phán theo đúng quy định của pháp luật. Để được bổ nhiệm làm Thẩm phán sơ cấp ngoài việc bắt buộc phải có trình độ cử nhân luật, còn phải được đào tạo qua lớp nghiệp vụ xét xử và phải có thâm niên công tác 04 năm. Để được bổ nhiệm làm Thẩm phán trung cấp phải qua 05 năm làm Thẩm phán sơ cấp. Để được bổ nhiệm làm Thẩm phán TAND tối cao phải có ít nhất 05 năm là Thẩm phán trung cấp...Nếu so sánh trình độ của Thẩm phán hiện nay với trình độ của Thẩm phán năm 1994 thì đã có bước tiến đáng kể. Không còn Thẩm phán chỉ có trình độ sơ cấp, trung cấp và luân huấn. Thẩm phán còn nợ tiêu chuẩn đại học luật đã học nhưng chưa tốt nghiệp cũng chỉ rất hạn chế ở một số tỉnh miền núi.

Thực tiễn cho thấy năng lực, trình độ chuyên môn của người Thẩm phán có mối quan hệ mật thiết với thẩm quyền xét xử của TAND các cấp. Với tính chất đặc thù của hoạt động xét xử, TA cần phải có đội ngũ những người làm nhiệm vụ xét xử có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết, trung thực, có kiến thức pháp lý, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa. Chỉ khi hội tụ đủ những phẩm chất như trên thì Thẩm phán mới có thể độc lập thực sự để giải quyết các vụ án một cách nhanh chóng, chính xác, đúng pháp luật. Trình độ chuyên môn cùng với kinh nghiệm thực tế tạo thành năng lực của người Thẩm phán. Những vụ án càng nghiêm trọng, phức tạp càng đòi hỏi phải được giao cho những Thẩm phán có năng lực cao giải quyết. Vì vậy, khi phân định thẩm quyền xét xử phải căn cứ vào trình độ, năng lực của Thẩm phán để quy định cho phù hợp, đảm bảo cho các đơn vị TA có đủ điều kiện, khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác của mình.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án trong Luật tố tụng hình sự Việt Nam (Trang 26 - 27)