Thủ tục hành chính

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) cải cách hành chính ở cấp huyện tại thành phố hà nội (Trang 59 - 61)

Thành phố Hà Nội đã xác định trọng tâm của cải cách thủ tục hành chính là rà soát nhằm loại bỏ những thủ tục hành chính ban hành không đúng thẩm quyền hoặc bất hợp lý, tiến tới đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, tổ chức. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cũng đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân các quận huyện thực hiện nhiều đợt rà soát, chuẩn hóa thủ tục hành chính, kết quả của các đợt rà soát là công bố bộ danh mục thủ tục hành chính hiện hành để thực hiện thống nhất trên toàn địa bàn Thành phố.

Theo tổng hợp, kết quả rà soát thủ tục hành chính của các quận, huyện thuộc Thành phố Hà Nội trước khi hợp nhất là:

- Năm 2004: 56 thủ tục hành chính - Năm 2005: 56 thủ tục hành chính

- Năm 2006: 49 thủ tục hành chính - Năm 2007: 64 thủ tục hành chính

Kết quả của việc rà soát của tỉnh Hà Tây (cũ) trước khi hợp nhất tại cấp huyện có số lượng rất hạn chế, chỉ có 07 thủ tục hành chính.

Sau khi hợp nhất vào tháng 8 năm 2008, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã tiếp tục tích cực chỉ đạo Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã thực hiện việc rà soát và thống kê các thủ tục hành chính đang thực hiện. Và Ủy ban nhân dân thành phố đã có Quyết định số 4493/QĐ-UBND ngày 31 tháng 8 năm 2009 về việc công bố Bộ thủ tục hành chính đang thực hiện tại cấp huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội, Bộ thủ tục hành chính trên gồm 296 thủ tục.

Và để thực hiện theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện đã tiến hành rà soát lại và 29/29 quận, huyện, thị xã đã có Quyết định công bố Bộ thủ tục hành chính cấp huyện đang thực hiện tại địa phương mình.

Theo số liệu tổng hợp thống kê, sau khi kết thúc giai đoạn 2 rà soát Đề án 30 của Thủ tướng Chính phủ, tại cấp huyện thì tỷ lệ đơn giản hóa thủ tục hành chính đạt 80,7%.

Một trong những nội dung quan trọng khác của cải cách thủ tục hành chính đó là việc thực hiện cơ chế "một cửa" trong giải quyết thủ tục hành chính.

Thành phố Hà Nội trước khi hợp nhất từ rất sớm, năm 1996-1997 đã tiến hành tổ chức thí điểm Quy chế một cửa, tiến tới một dấu tại Ủy ban nhân dân quận Ba Đình, huyện Giam Lâm. Rút được kinh nghiệm từ việc thí điểm trên, Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo thực hiện cơ chế một cửa đồng bộ tại tất cả các cơ quan hành chính nhà nước, tại Ủy ban nhân dân các quận, huyện, xã phường và thị trấn để chấm dứt tình trạng các phòng chuyên môn trực tiếp tiếp nhận hồ sơ hành chính.

Sau khi hợp nhất, thành phố đã tiến hành đánh giá thực trạng của việc thực hiện cơ chế một cửa trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính của các đơn vị thuộc thành phố nói chung và tại các quận, huyện, thị xã nói riêng. Ngày 01 tháng 7 năm 2009, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định số 84/2009/QĐ-UBND về việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân tại các cơ quan quản lý hành chính nhà nước thuộc thành phố Hà Nội.

Đến nay tại tất cả 29 quận, huyện, thị xã thuộc thành phố đều đã có quyết định thành lập Bộ phận một cửa, đã điều động cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận một cửa, cử cán bộ phụ trách bộ phận một cửa. 100% các quận, huyện, thị xã đã xây dựng nội quy, quy chế hoạt động của Bộ phận một cửa, tổ chức thực hiện việc công khai thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa. Nhiều đơn vị đã cố gắng nâng cao chất lượng hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, một số quận, huyện đã xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, lắp đặt thiết bị, cài đặt phần mềm, nối mạng, mở trang tin điện tử, công khai thủ tục hành chính trên cổng điện tử và tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của quận, huyện mình. Có thể kể đến một số quận, huyện tiêu biểu như: quận Tây Hồ, thị xã Sơn Tây… đã tiến hành triển khai thực hiện rất tốt.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) cải cách hành chính ở cấp huyện tại thành phố hà nội (Trang 59 - 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)