Có thể nhận thấy rằng, là một cấp hành chính trong bộ máy nhà nước, cấp huyện và bộ máy hành chính, chính quyền cấp huyện có những thẩm quyền và nhiệm vụ nhất định, góp phần vào sự thống nhất quản lý nhà nước trên phạm vi toàn quốc theo sự phân công, phân nhiệm, phối hợp với các cơ quan nhà nước từ Trung ương tới địa phương. Tổ chức và hoạt động của
chính quyền cấp huyện cơ bản đã đáp ứng với yêu cầu khách quan của quản lý nhà nước, phù hợp với những điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương cùng những đặc thù quản lý ngành và lĩnh vực nhất định. Với truyền thống phân cấp quản lý nhà nước theo bốn cấp như hiện nay (Trung ương, tỉnh, huyện, xã) và thực tiễn quản lý nhà nước, có thể thấy rằng chính quyền cấp huyện và hoạt động quản lý nhà nước của bộ máy hành chính cấp huyện có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện quản lý nhà nước ở địa phương, cấp quản lý sát dân và ở chừng mực nhất định có thể nói là cấp quyết định việc thực hiện đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước trong thực tiễn quản lý, đảm bảo quản lý thống nhất ngành, lĩnh vực công từ Trưng ương tới cơ sở. Với tư cách là một cấp cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương, Ủy ban nhân dân cấp huyện là cơ quan có vai trò cầu nối quan trọng giữa chính quyền cấp tỉnh và chính quyền cấp xã trong việc thực thi quản lý nhà nước ở địa phương. Xét về thứ bậc trong hệ thống các coq quan quản lý hành chính nhà nước ở địa phương, chính quyền cấp huyện là cấp quản lý hành chính trung gian để thực hiện những chính sách, quyết định từ Trưng ương tại cơ sở, trong nhân dân. Có thể nói, so với chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện là cấp trực tiếp hơn, sát dân hơn khi thực thi, triển khai các hoạt động quản lý nhà nước trên phạm vi quận, huyện, thị xã.
Trong thực tế hoạt động hiện nay của chính quyền cấp huyện và cụ thể là Ủy ban nhân dân cấp huyện, có thể thấy những giao dịch giữa công dân với cơ quan nhà nước thường xuyên và phần nhiều được giải quyết tại Ủy ban nhân dân cấp huyện với những cơ quan thẩm quyền riêng là các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện. Do đó, yêu cầu cải cách hành chính ở đây chính là để nâng cao chất lượng hoạt động, hiệu quả hoạt động của bộ máy, chính quyền hành chính cấp huyện, góp phần phục vụ tốt đối với các nhu cầu của công dân. Công tác cải cách hành chính cấp huyện đòi hỏi sự đồng bộ trên tất cả các phương diện: thể chế, tổ chức bộ máy, cán bộ công chức, tài chính công.
Những yêu cầu đặt ra cho công tác cải cách hành chính cấp huyện hiện nay là:
Một là, hoàn thiện hơn nữa hệ thống thể chế hành chính, có cơ chế chính sách phù hợp với tình hình kinh tế- chính trị- xã hội hiện nay, đặc biệt là các thể chế về kinh tế, về tổ chức và hoạt động của hệ thống hành chính. Cần phải tiếp tục đổi mới quy trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, khắc phục tính cục bộ trong việc chuẩn bị, soạn thảo các văn bản; đề cao trách nhiệm của từng cơ quan trong quá trình xây dựng thể chế, phát huy tính dân chủ, huy động tính sáng tạo và kinh nghiệm của nhân dân để nâng cao hơn nữa chất lượng văn bản quy phạm pháp luật của địa phương mình.
Hai là, đối với những thủ tục hành chính không còn phù hợp với tình hình hiện nay, mang tính chất quan liêu, rườm rà gây phiền hà cho nhân dân và các tổ chức, doanh nghiệp nên xóa bỏ; việc xây dựng các thủ tục hành chính mới cần phải hoàn thiện theo hướng tinh, đơn giản và thuận tiện cho người dân.
Ba là, đối với các cơ quan trong hệ thống hành chính cấp huyện đặc biệt là các phòng ban chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện cần phải được xác định rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và trách nhiệm. Đối với một số công việc và dịch vụ thuộc nhóm công, nếu không cần thiết phải do cơ quan nhà nước thực hiện có thể dần dần chuyển giao cho các đơn vị doanh nghiệp, các tổ chức khác thực hiện, nhằm phục vụ tốt nhất cho lợi ích của nhân dân.
Bốn là, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất tốt, có đủ năng lực, trình độ chuyên môn tốt để đảm bảo cho hoạt động của chính quyền cấp huyện; tận tụy, nhiệt tình và có ý thức phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước. Đối với những cán bộ có biểu hiện hoặc có hành vi nhũng nhiễu, tham nhũng, gây phiền hà cho người dân, cần có chế tài nghiêm khắc để xử lý, không để cho những hành vi đó của cán bộ, công chức gây mất lòng tin vào Nhà nước của nhân dân, các tổ chức doanh nghiệp.
Năm là, cần có lộ trình để tăng lương cho đội ngũ cán bộ, công chức. Đảm bảo cho cuộc sống của cán bộ, công chức và một phần gia đình của họ.
Sáu là, hiện đại hóa nền hành chính cấp huyện. Để phục vụ tốt cho nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp, một trong những vấn đề đặt ra đó là sự thuận tiện cho người dân. Để đảm bảo cho hoạt động quản lý cũng như giao dịch với người dân được thông suốt thì cần nhất đó là hiện đại hóa nền hành chính, đưa ứng dụng công nghệ thông vào vào trong hoạt động quản lý nhà nước cấp huyện.
Việc hiện đại hóa nền hành chính còn cho thấy: Hiện nay việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chỉ đạo, điều hành của hệ thống hành chính nhà nước đang được áp dựng khá triệt để; đặc biệt là việc áp dụng các công cụ, phương pháp quản lý tiên tiến, hiện đại trong các cơ quan hành chính nhà nước đã tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy và phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức thời kỳ mới.
Chương 2