CHƢƠNG II : CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM TRÊN BIỂN ĐÔNG
2.3 THỰC TIỄN GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP TRÊN BIỂN ĐÔNG
2.3.3 Giải quyết tranh chấp chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
Trƣờng Sa
Điểm nóng của tranh chấp Biển Đông hiện nay chủ yếu liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Do nắm giữ vị trí chiến lược quan trọng và nguồn tài nguyên biển phong phú nên hai quần đảo này được các nước khác trong khu vực cùng tuyên bố chủ quyền với những yêu sách khác nhau. Yêu sách và động thái của các bên đang làm tình hình Biển Đông thêm phức tạp và khó đưa ra giải pháp chung mà các bên cùng có thể chấp nhận được.
Trên quần đảo Trường Sa, chúng ta đang thực hiện chủ quyền quốc gia và quản lý hành chính trên 21 đảo, đá và bãi cạn nửa nổi nửa chìm. Thông qua sách trắng các năm 1979, 1981 và 1989 [9], Việt Nam đã thể hiện quan điểm trước sau như một, khẳng định chủ quyền quốc gia trên hai quần đảo này, bên cạnh công tác đàm phán ngoại giao, đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia bằng các biện pháp hoà bình, chúng ta cũng tiếp tục củng cố vị trí của mình trên quần đảo Trường Sa. Để giải quyết vấn đề chủ quyền, Việt Nam đã mở diễn đàn đàm phán các vấn đề trên biển thực chất là giải quyết vấn đề chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với Trung Quốc, đến nay đã đàm phán được 8 vòng [92]. Cùng với hoạt động đàm phán song phương, chúng ta kiên trì đấu tranh, khẳng định chủ quyền quốc gia trên hai quần đảo tại tất cả các diễn đàn quốc tế có liên quan và đồng thời tiếp tục hoàn thiện hồ sơ pháp lý lịch sử về chủ quyền của ta trên hai quần đảo. Tháng 11/2002 tại Pnonh Penh (Campuchia), các nước ASEAN và Trung Quốc đã ký kết Tuyên bố ứng xử trên Biển Đông (DOC)[56], được đánh giá là một bước tiến quan trọng, là cơ sở để duy trì ổn định khu vực trong khi các bên tiếp tục tìm kiếm một giải pháp cơ bản và lâu dài giải quyết các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông. Một số đảo đá và bãi cạn khác thuộc quần đảo Trường Sa đang bị một số nước và vùng lãnh thổ
chiếm đóng trái phép, các bên tranh chấp cũng đưa ra các lập luận, ban hành các văn bản pháp luật để biện minh cho việc chiếm đóng này…
a) Trung Quốc: Trung Quốc yêu sách chủ quyền đối với cả hai quần đảo bằng việc vẽ đường đứt khúc 9 đoạn trên Biển Đông, mà ta thường gọi là "đường lưỡi bò" trên bản đồ Nam Hải chư đảo do Trung Hoa dân quốc xuất bản năm 1947 và được CHND Trung Hoa in lại năm 1950, bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trong cái gọi là "biên giới trên biển" của Trung Quốc [21]. Mặc dù bị hầu hết các nước có yêu sách và lợi ích liên quan trong khu vực phản đối nhưng qua việc theo dõi các động thái trên biển và trên các phương tiện tuyên truyền của Trung Quốc, có thể thấy Trung Quốc ngày càng thể hiện rõ và từng bước thực hiện yêu sách này. Trong thời gian gần đây Trung Quốc đã liên tục ban hành nhiều văn bản pháp luật để cụ thể hoá các yêu sách của mình trên Biển Đông. Hiện nay, Trung Quốc chiếm giữ 7 bãi ngầm thuộc quần đảo Trường Sa.
b) Philipines: Philipines công bố Sắc lệnh 1596 tháng 2/1979 về vùng Kalayaan, theo đó hầu hết quần đảo Trường Sa (trừ đảo Trường Sa) là lãnh thổ của Philipines và được sáp nhập vào tỉnh Palawan. Lập luận của Philipines về việc xác định vùng Kalayaan là tính kế cận và quyền lợi an ninh quốc phòng của Philipin đối với quần đảo này. Hiện nay, Philipines đang chiếm đóng 9 đảo, đá thuộc quần đảo Trường Sa [9].
c) Malaysia: Ngày 02/12/1979, Malaysia xuất bản bản đồ qui định về phạm
vi lãnh hải và ranh giới thềm lục địa, theo đó một phần phía Nam quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Malaysia. Hiện nay, Malaysia đang chiếm giữ 5 đảo thuộc quần đảo Trường Sa [9].
d) Đài Loan: Ngày 21/5/1992, Đài Loan thông qua một đạo luật tuyên bố chủ
quyền và lãnh hải, theo đạo luật này toàn bộ quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Đài Loan. Hiện nay, Đài Loan đang chiếm đóng trên đảo Ba Bình, là đảo có diện tích lớn nhất trong quần đảo Trường Sa. Tháng 8/2003, Đài Loan đã cho cắm cờ trên bãi Bàn Than (bãi đá san hô nửa nổi nửa chìm, rộng khoảng 400m, dài khoảng 200m thuộc quần đảo Trường Sa, nằm cách đảo Ba Bình khoảng 4 km về phía Đông và
cách đảo Sơn Ca khoảng 6,5 km về phía Tây) và mới đây, ngày 23/3/2004, phía Đài Loan đã xây dựng một nhà cao chân trên bãi này. Như vậy, đến nay Đài Loan đang chiếm giữ một đảo và một bãi cạn thuộc quần đảo Trường Sa [92].
e) Brunei: Năm 1993, Brunei đưa ra Tuyên bố về ranh giới thềm lục địa 200
hải lý nhưng chưa đưa ra toạ độ cụ thể. Tuy nhiên, phần chồng lấn với Việt Nam và Malaysia trên quần đảo Trường Sa tương đối nhỏ, không ảnh hưởng đáng kể tới tranh chấp. Brunei cũng là nước duy nhất trong các bên yêu sách không chiếm giữ vị trí nào trong quần đảo Trường Sa.