Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân được Quốc Hội ban hành năm 1990 chỉ điều chỉnh các loại hình doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần và doanh nghiệp tư nhân. Trong điều kiện ưu tiên phát triển khu vực kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể, thì Luật công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân được xem là cơ sở pháp lý để thành lập các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân.
Luật Doanh nghiệp được sửa đổi năm 1999 trên cơ sở hợp nhất Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân và bổ sung nhiều điều khoản liên quan
đến tổ chức và thành lập công ty. Qua các điều khoản về tổ chức công ty, có thể thấy rằng các nhà đầu tư có thể lựa chọn hình thức doanh nghiệp phù hợp. Việc bổ sung những điều khoản trong Luật Doanh nghiệp thể hiện một bước tiến trong quá trình lập pháp ở nước ta.
- Về công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên
Luật Công ty không quy định số lượng thành viên tối đa, nhưng Luật Doanh nghiệp quy định số lượng thành viên tối đa của công ty không vượt quá năm mươi (điểm c khoản 1 Điều 26), các công ty trách nhiệm hữu hạn có số lượng thành viên vượt quá mức tối đa thì phải chuyển sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần.
Ngoài ra, việc chuyển nhượng vốn cho người không phải là thành viên của công ty, theo quy định của Luật Công ty, không được tự do thực hiện. Thành viên của công ty muốn chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho người không phải là thành viên của công ty thì phải được sự nhất trí của nhóm thành viên đại diện cho ít nhất 3/4 số vốn điều lệ (Điều 25 khoản 2 Luật Công ty), điều này làm hạn chế quyền rút vốn chủ đầu tư. Việc rút vốn trở nên khó khăn sẽ hạn chế phần nào khả năng tham gia kinh doanh của các nhà đầu tư. Để khắc phục hạn chế kể trên, Luật Doanh nghiệp đã mở rộng hơn khả năng chuyển vốn ra ngoài so với Luật Công ty. Cụ thể là: “Thành viên công ty TNHH có quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình cho người khác theo quy định sau đây:
1. Thành viên muốn chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp phải chào bán phần vốn đó cho tất cả các thành viên còn lại theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty với cùng điều kiện;
2. Chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là thành viên nếu các thành viên còn lại của công ty không mua hoặc mua không hết”
- Về công ty cổ phần
Luật Công ty yêu cầu số cổ đông tối thiểu đối với công ty cổ phần là 7 người, thì nay theo Luật Doanh nghiệp số lượng cổ đông tối thiểu là 3 người (khoản 1 Điều 51). Quy định mới này có tác dụng khuyến khích các nhà đầu tư góp vốn thành lập công ty cổ phần.
Luật Doanh nghiệp quy định một số quyền của cổ đông mà Luật Công ty trước đây chưa đề cập. Đó là: (a) Quyền được cung cấp thông tin cơ bản về tài chính, quản lý và hoạt động của công ty thông qua hình thức tham dự Đại hội đồng cổ đông (Điều 72); (b) Quyền yêu cầu công tu mua lại cổ phần trong trường hợp biểu quyết phản đối quyết định về việc tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ của cổ đông quy định tại Điều lệ công ty (Điều 64); (c) Quyền được ưu tiên mua cổ phần mới chào bán tương ứng với tỷ lệ cổ phần phổ thông của từng cổ đông trong công ty (Điều 53 khoản 1 điểm c).
Các quy định của Luật DN giúp cho các nhà đầu tư yên tâm hơn khi đầu tư vào DN, tự mình theo dõi tình hình hoạt động của DN để có thể đưa ra những quyết định hợp lý về đầu tư vào DN. Thêm vào đó Luật DN cũng quy định đầy đủ hơn các công cụ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư nói chung và của nhà đầu tư thiểu số nói riêng2.
Tất cả các quy định nói trên sẽ nâng cao thêm độ an toàn và linh hoạt của việc trực tiếp góp vốn vào sản xuất, kinh doanh. Điều đó sẽ thúc đẩy hơn đầu tư và huy động thêm được nhiều vốn hơn cho phát triển sản xuất kinh doanh ở nước ta. Trong điều kiện sử dụng mô hình công ty để huy động vốn rộng rãi từ các nhà đầu tư và trong xã hội thì có thể nói loại hình công ty CP và công ty TNHH hai thành viên trở lên có nhiều ý nghĩa thiết thực.
Ngoài ra, Luật Doanh nghiệp còn qui định các loại hình công ty khác như công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nhằm đa dạng hóa các loại hình kinh doanh cho phù hợp với nền kinh tế thị trường và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
-Từ phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp, có thể thấy rằng môi trường pháp lý chung áp dụng cho các doanh nghiệp không phân biệt hình thức sở hữu của chủ đầu tư, là cơ sở khẳng định sự bình đẳng về mặt pháp lý của các doanh nghiệp và quyền tự do kinh doanh theo khuôn khổ pháp luật của các doanh nghiệp.
Bản chất phương pháp điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp là bằng các quy định của pháp luật, tạo lập công cụ và cơ hội bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của các bên có liên quan, đồng thời đề cao trách nhiệm và nghĩa vụ của các đối tượng này trong việc tự bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình. Tính tự quyết, chủ động định đoạt các vấn đề phát sinh trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp được tăng lên. Luật Doanh nghiệp chỉ đưa ra quy định khung, dựa vào đó những người thành lập doanh nghiệp vận dụng trong hoàn cảnh cụ thể. Quyền quyết định các vấn đề kinh doanh trước hết vẫn thuộc về những người thành lập doanh nghiệp, Nhà nước chỉ quản lý ở tầm vĩ mô, tác động tới quá trình hình thành và gia nhập thị trường của DN.
Nhìn chung, có thể thấy các quy định về Luật Doanh nghiệp đã thể hiện được tư duy điều chỉnh mới trong việc thành lập doanh nghiệp, cũng như toàn bộ quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Nhờ đó, các chủ đầu tư có thể chủ động tham gia vào hoạt động kinh doanh của mình. Hay nói cách khác,
Luật Doanh nghiệp đã tạo ra cơ sở thực hiện được quyền tự do kinh doanh bằng việc đặt ra những mô hình tổ chức kinh doanh đa dạng và đề cao quyền tự chủ của các DN.