Về thủ tục thành lập doanh nghiệp

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tác động của luật doanh nghiệp đối với phát triển kinh tế nông thôn (Trang 35 - 38)

Những qui định cơ bản về thủ tục thành lập doanh nghiệp trong Luật Doanh nghiệp thể hiện ý tưởng bảo đảm quyền tự do kinh doanh. Cụ thể là:

- Đơn giản hoá thủ tục hành chính để thúc đẩy thành lập doanh nghiệp

Theo quy định của Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990, để thành lập doanh nghiệp, nhà đầu tư phải tiến hành qua hai bước:

Bước 1 là xin phép thành lập doanh nghiệp ở UBND cấp tỉnh hoặc đơn vị hành chính cấp tương đương, nơi dự định đặt trụ sở chính;

Bước 2 là xin cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư. Tức là, để tiến hành một hoạt động kinh doanh theo hình thức công ty hay doanh nghiệp tư nhân, thì nhà đầu tư phải qua hai giai đoạn thủ tục “xin phép thành lập và đăng ký kinh doanh”. Mỗi giai đoạn thủ tục này lại cần nhiều loại giấy tờ, con dấu khác nhau, do đó để thành lập công ty, nhà đầu tư tốn rất nhiều thời gian cũng như chi phí.

Cơ chế xin phép thành lập doanh nghiệp qua thực tiễn thi hành đã bộc lộ những hạn chế như: (a) Thủ tục xin phép thành lập doanh nghiệp mâu thuẫn với quyền tự do kinh doanh đã được ghi nhận tại Điều 57 Hiến pháp 1992. (b)Thủ tục xin phép thành lập doanh nghiệp đã làm cho một số cơ quan nhà nước phải thực hiện những việc không thuộc thẩm quyền quản lý Nhà nước3. (c) Cơ chế xin phép thành lập đã tạo điều kiện cho một số tỉnh, thành phố đặt thêm những điều kiện và một số thủ tục, trình tự ngoài quy định của Luật.

Những thủ tục như vậy đã làm nản lòng không ít nhà đầu tư và dẫn đến tình trạng một số nhà đầu tư thực hiện các hoạt động kinh doanh ngầm – kinh doanh không đăng ký, hoặc nếu có đăng ký thì theo hình thức hộ kinh doanh

3 Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân trước đây quy định: Cơ quan cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp phải thẩm định dự án kinh doanh ban đầu của nhà đầu tư.

cá thể theo Nghị định 66/HĐBT ngày 2/3/1992 của Hội đồng Bộ trưởng (Nay được thay thế bằng Nghị định số 109/2004/NĐ-CP ngày 02/4/2004 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh), có thủ tục đăng ký đơn giản và ít tốn kém hơn so

với đăng ký theo hình thức của Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân.

- Thời gian và thủ tục thành lập công ty theo quy định của Luật Công

ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân rất mất thời gian và phức tạp. Luật Công ty quy định thời gian thành lập công ty là 60 ngày (Điều 16); Luật Doanh nghiệp tư nhân quy định thời gian thành lập là 30 ngày. Hơn nữa, trước đây theo quy định của Luật Công ty, muốn thành lập công ty, các sáng lập viên phải gửi đơn xin phép thành lập đến Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi dự định đặt trụ sở chính. Trong đơn quy định rất nhiều nội dung phức tạp, bên cạnh đó phải kèm theo phương án kinh doanh ban đầu và dự thảo Điều lệ công ty. Ngoài ra, để được cấp phép thành lập công ty thì công dân, tổ chức có quyền tham gia thành lập công ty phải có các điều kiện: (a) Mục tiêu, ngành, nghề kinh doanh rõ ràng, có phương án kinh doanh ban đầu; có trụ sở giao dịch. (b) Có vốn điều lệ phù hợp với quy mô và ngành, nghề kinh doanh. Vốn điều lệ không thấp hơn vốn pháp định do Hội đồng Bộ trưởng quy định. (c) Người quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh trình độ chuyên môn tương ứng mà pháp luật đòi hỏi đối với một số ngành, nghề. Những quy định này rõ ràng làm rắc rối thêm các quy định về trình tự, thủ tục thành lập công ty, doanh nghiệp tư nhân. Muốn thành lập công ty hay doanh nghiệp tư nhân, nhà đầu tư phải hội đủ các loại giấy tờ chứng nhận về nhân thân, vốn, nghề nghiệp, địa chỉ với hơn 10 con dấu từ cấp phường đến thành phố.

Các quy định về thủ tục thành lập và đăng ký kinh doanh của Luật Doanh nghiệp đã có những đổi mới cơ bản như: Xoá bỏ chế độ “xin phép” thành lập, chỉ thực hiện việc đăng ký kinh doanh; coi việc thành lập doanh nghiệp là quyền tự do kinh doanh được pháp luật bảo đảm. Đây chính là một bước tiến mới trong việc thực hiện nguyên tắc tự do kinh doanh, phù hợp với

quan điểm về tự do kinh doanh đã được ghi nhận tại Điều 57 Hiến pháp 1992. Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm giải quyết việc đăng ký kinh doanh trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ; nếu từ chối thì phải thông báo bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp biết.

- Giảm bớt sự phiền hà trong thủ tục thành lập doanh nghiệp

Về nguyên tắc, khi thành lập doanh nghiệp, người thành lập doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung hồ sơ đăng ký kinh doanh. Cơ quan đăng ký kinh doanh không có quyền yêu cầu người thành lập doanh nghiệp nộp thêm các giấy tờ, hồ sơ khác ngoài hồ sơ đã được quy định tại Luật Doanh nghiệp đối với từng loại hình doanh nghiệp và cơ quan này chỉ chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký kinh doanh (LDN - Điều 12).

Trong vấn đề định giá tài sản góp vốn khi không phải là tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng thì các sáng lập viên của công ty là người định giá tài sản góp vốn theo nguyên tắc nhất trí. Đối với ngành, nghề kinh doanh phải có điều kiện kinh doanh không cần giấy phép, thì doanh nghiệp được kinh doanh ngành, nghề đó, kể từ khi có đầy đủ các điều kiện kinh doanh theo quy định.

Như vậy, Luật Doanh nghiệp quán triệt tư tưởng “Thành lập doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật là quyền của công dân và tổ chức được Nhà nước bảo hộ”. Các quy định của luật có thể giúp giảm thời gian thành lập doanh nghiệp, đơn giản hoá hồ sơ đăng ký kinh doanh. Hồ sơ đăng ký kinh doanh chỉ bao gồm đơn đăng ký kinh doanh, Điều lệ và danh sách thành viên hoặc cổ đông; chỉ một số ngành nghề đặc biệt mới đòi hỏi có giấy xác nhận vốn pháp định (như kinh doanh vàng, bảo hiểm, tín dụng ). Luật không yêu cầu xuất trình phương án kinh doanh và những xác nhận khác về nhân thân của chủ đầu tư như trước mà chỉ kê khai các thông tin này theo mẫu quy định.

Luật Doanh nghiệp đã thực hiện một cuộc cải cách thủ tục hành chính trong việc thành lập doanh nghiệp theo hướng gộp việc xin phép thành lập và đăng ký kinh doanh thành một, đồng thời chỉ giữ lại những thủ tục, hồ sơ thực sự cần thiết trên cơ sở yêu cầu nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước. Những cải cách này sẽ giảm bớt được những thủ tục, hồ sơ trùng lặp, không cần thiết, qua đó giảm được chi phí về thời gian, công sức và tiền bạc cho thành lập doanh nghiệp, đồng thời cũng giúp cho doanh nghiệp có được sự chủ động trong hoạt động.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tác động của luật doanh nghiệp đối với phát triển kinh tế nông thôn (Trang 35 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(116 trang)