II. Khảo cứu về ảnh hưởng của Luật Doanh nghiệp và cơ chế thực
1.1 Về duy trì và phát triển làng nghề nói chung
Hiện nay cả nước có xấp xỉ 2.000 làng nghề, trong đó có khoảng 300 làng nghề truyền thống, thu hút khoảng 4 triệu lao động [55]. Mô hình về sự phát triển thành công của các doanh nghiệp làng nghề là một ví dụ điển hình của sự phát triển kết hợp công nghiệp – nông nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tại khu vực nông thôn. Cùng lúc mô hình này đã giải quyết được cả các vấn đề kinh tế và xã hội tại các vùng nông nghiệp, khôi phục thị trường trong nước và đóng góp vào phát triển kinh tế.
Chính vì vai trò quan trọng như vậy nên mô hình phát triển kinh tế thông qua phát triển các doanh nghiệp trong làng nghề được rất nhiều địa phương áp dụng và đã gặt hái được những thành công nhất định. Huyện Thạch Thất (Hà Tây) là một ví dụ điển hình cho việc áp dụng thành công mô hình này.
Kể từ khi Luật Doanh nghiệp đi vào cuộc sống, giai đoạn 2000 -2005 đã đánh dấu sự phát triển đi lên của Thạch Thất từ một huyện thuần nông chuyển sang phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Giá trị sản xuất của hai ngành này đến nay đã chiếm tới 78,5% tổng giá trị sản xuất của toàn huyện. 5 năm qua, kinh tế của huyện đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 22%/năm (cao nhất từ trước đến nay).
Trên thực tế, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân huyện đã và đang xây dựng các cụm, điểm công nghiệp, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào
địa bàn huyện, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các hộ sản xuất về mặt bằng sản xuất, vốn vay và các hành lang pháp lý khác để thu hút đầu tư.
Các bước đi cụ thể để góp phần thúc đẩy phát triển các làng nghề truyền thống theo hướng phát triển bền vững là: mỗi làng nghề đều có các điểm công nghiệp để giải quyết những vấn đề bức xúc về mặt bằng sản xuất, ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông.