2.3. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thƣờng thiệt hại ngoài hợp đồng
2.3.1. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo pháp luật Trung Quốc
Quy tắc chung Luật dân sự Trung Quốc không có quy định cụ thể về năng lực chịu trách nhiệm BTTH. Năng lực chịu trách nhiệm BTTH của các chủ thể dân
sự được xác định thông qua các quy định về chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường khi trách nhiệm bồi thường phát sinh:
Năng lực chịu trách nhiệm bồi thƣờng của cá nhân:
Điều 133 Quy tắc chung Luật dân sự Trung Quốc quy định: “Người không có năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại cho người khác thì người giám hộ chịu trách nhiệm dân sự. Người giám hộ đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm giám hộ thì có thể giám nhẹ trách nhiệm dân sự xuống mức thích hợp”. Từ quy định này có thể thấy Luật Trung Quốc cũng thừa nhận sự tồn tại của năng lực chịu trách nhiệm, nhưng phủ nhận năng lực chịu trách nhiệm bồi thường của người không có năng lực hành vi dân sự và người hạn chế năng lực hành vi dân sự. Năng lực hành vi dân sự có mối liên hệ chặt chẽ với năng lực chịu trách nhiệm dân sự. Luật trách nhiệm xâm phạm quyền Trung Quốc xác định năng lực chịu trách nhiệm của cá nhân dựa trên các yếu tố sau: năng lực hành vi dân sự, khả năng tài sản, lỗi, khả năng ý thức và làm chủ hành vi.
Theo quy định tại Điều 11, 12, 13 Quy tắc chung Luật dân sự Trung Quốc thì năng lực hành vi dân sự được chia làm ba cấp độ: Không có năng lực hành vi dân sự, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có năng lực hành vi dân sự hạn chế. Công dân từ đủ 18 tuổi trở lên là người thành niên, người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Công dân từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có thu nhập từ lao động là nguồn chính để nuôi sống bản thân được coi là có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Công dân chưa thành niên từ 10 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự hạn chế. Công dân chưa thành niên dưới 10 tuổi không có năng lực hành vi dân sự. Người bị mắc bệnh về tinh thần không có khả năng làm chủ hành vi của mình không có năng lực hành vi dân sự. Người bị mắc bệnh về tinh thần không hoàn toàn làm chủ hành vi của mình có năng lực hành vi dân sự hạn chế.
Khoản 2 Điều 133 Quy tắc chung Luật dân sự Trung Quốc quy định: “Người mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự có tài sản gây thiệt hại thì BTTH bằng tài sản của người đó. Phần còn thiếu, do người giám hộ bồi thường thích hợp, trừ trường hợp người giám hộ là đơn vị”. Khoản 1, Điều 161 Ý
kiến của TAND tối cao Trung Quốc về quán triệt thi hành Quy tắc chung Luật dân sự Trung Quốc quy định: “Khi hành vi xâm hại quyền phát sinh người thực hiện hành vi chưa đủ 18 tuổi, trong quá trình tố tụng đã đủ 18 tuổi và khả năng kinh tế thì phải chịu trách nhiệm dân sự. Người thực hiện hành vi không có khả năng kinh tế thì người giám hộ phải chịu trách nhiệm dân sự”. Như vậy, khả năng tài sản là yếu tố rất quan trọng để đánh giá năng lực chịu trách nhiệm bồi thường của cá nhân. Người bị mất năng lực hành vi dân sự và hạn chế năng lực hành vi dân sự không có nghĩa là không có năng lực chịu trách nhiệm bồi thường. Nếu những người này có tài sản thì họ vẫn có năng lực chịu trách nhiệm. Họ chịu trách nhiệm bằng chính tài sản của mình thông qua sự giúp đỡ của người giám hộ.
Các quy định về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường trong Luật Trung Quốc khá giống với Việt Nam. Chỉ có điều quy định về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường của Trung Quốc đa dạng, đầy đủ, rõ ràng hơn. Ví dụ: Điều 33 Luật trách nhiệm xâm phạm quyền Trung Quốc quy định: “Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ tạm thời không có nhận thức hoặc làm mất khả năng khống chế hành vi của mình dẫn đến thiệt hại cho người khác mà có lỗi, thì phải chịu trách nhiệm dân sự; nếu không có lỗi thì căn cứ vào tình hình kinh tế của người gây ra hành vi bồi thường thích hợp cho người bị thiệt hại. Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ do say rượu, lạm dụng thuốc gây tê hoặc thuốc thần kinh khiến bản thân không có ý thức hoặc mất khả năng không chế làm chủ hành vi gây thiệt hại cho người khác thì phải chịu trách nhiệm xâm phạm quyền”. Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ ở trạng thái bình thường sẽ có khả năng nhận thức và làm chủ hành vi. Nhưng, khả năng nhận thức và làm chủ hành vi bị mất đi trong một số trường hợp cá nhân sử dụng chất kích thích hoặc mắc bệnh như mộng du… Trong trường hợp người có năng lực hành vi dân sự tự đưa mình vào trạng thái mất khả năng nhận thức hay việc lâm vào trạng thái mất khả năng nhận thức xuất phát từ lý do khách quan thì người gây thiệt hại vẫn phải bồi thường, trừ trường hợp được miễn hoặc giảm trách nhiệm bồi thường. Điểm khác biệt là nếu việc lâm vào trạng thái mất khả năng nhận
thức xuất phát từ lý do khách quan thì mức độ bồi thường có thể sẽ được giảm nhẹ tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của người thiệt hại.
Năng lực chịu trách nhiệm bồi thƣờng của pháp nhân
Luật dân sự Trung Quốc quy định pháp nhân có năng lực trách nhiệm dân sự. Điều 43 Quy tắc chung Luật dân sự Trung Quốc quy định: “Doanh nghiệp chịu trách nhiệm dân sự đối với hoạt động kinh doanh được thực hiện bởi người đại diện theo pháp luật và nhân viên khác”. Điều 49 Luật này quy định: “Một trong những trường hợp sau ngoài việc pháp nhân phải chịu trách nhiệm, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân có thể bị xử phạt hành chính, phạt tiền, cấu thành phạm tội, căn cứ vào quy định của pháp luật truy cứu trách nhiệm hình sự…”. Người của pháp nhân thực hiện công việc của pháp nhân gây thiệt hại thì pháp nhân phải chịu trách nhiệm bồi thường. Vấn đề là làm thế nào để xác định người của pháp nhân đang thực hiện công việc của pháp nhân?! Theo lý luận hiện nay có ba tiêu chí cơ
bản được đưa ra để xác định hành vi thực hiện công việc của pháp nhân. Thứ nhất,
dựa vào thời gian làm việc theo chỉ thị, yêu cầu của pháp nhân. Thời gian làm việc cho pháp nhân là khoảng thời gian làm việc theo hợp đồng lao động hoặc thời gian
làm việc theo yêu cầu của pháp nhân. Thứ hai, dựa vào mong muốn chủ quan của
nhân viên pháp nhân. Nhân viên của pháp nhân thực hiện thực hiện công việc vì lợi ích của pháp nhân. Nếu công việc được thực hiện trong thời gian làm việc cho pháp nhân nhưng không vì lợi ích của pháp nhân thì cũng không phải là thực hiện công
việc của pháp nhân. Thứ ba, dựa vào biểu hiện khách quan của nhân viên pháp
nhân. Nếu hành vi của nhân viên pháp nhân về mặt khách quan biểu hiện ra bên ngoài rằng họ đang thực hiện công việc theo yêu cầu của pháp nhân thì hành vi đó sẽ được nhận định là đang thực hiện công việc của pháp nhân [25]. Để xác định chính xác nhân viên của pháp nhân có hay không thực hiện công việc của pháp nhân cần đánh giá cả ba tiêu chí trên. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến biểu hiện khách quan ra bên ngoài của hành vi. Việc phân định mong muốn chủ quan của pháp nhân vì lợi ích của pháp nhân hay vì lợi ích của chính nhân viên đó sẽ gặp khó khăn khi nhân viên pháp nhân thực hiện công việc vì cả lợi ích của pháp nhân và lợi ích của nhân viên đó.
Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường của chủ thể không phải là cá nhân và không phải là pháp nhân
Trong Quy tắc chung Luật dân sự Trung Quốc xuất hiện ba chủ thể không có tư cách pháp nhân được quy định là hộ kinh doanh cá thể, hộ kinh doanh nhận khoán nông thôn, tổ hợp tác. Các quy định về hộ kinh doanh cá thể và tổ hợp tác tương đối giống quy định của pháp luật Việt Nam. Hộ kinh doanh nhận khoán nông thôn là thành viên của tổ chức kinh tế tập thể nông thôn (hợp tác xã). Hộ kinh doanh nhận khoán nông thôn trong phạm vi pháp luật cho phép ký kết hợp đồng nhận thầu để kinh doanh hàng hóa. Thông qua hợp đồng nhận thầu, các gia đình nông thông từ chỗ chỉ là đơn vị sinh hoạt trở thành đơn vị sản xuất có sự kết hợp giữa sinh hoạt và sản xuất. Hoạt động của hộ kinh doanh nhận thầu phải dựa trên danh nghĩa của “hộ gia đình” để tiến hành. Căn cứ vào hợp đồng nhận khoán, toàn bộ hoặc đa số tư liệu sản xuất của tổ chức kinh tế tập thể được giao cho hộ kinh doanh nhận thầu chiếm giữ, sử dụng và thu lợi. Hộ kinh doanh nhận khoán có quyền kinh doanh hợp pháp. Trong phạm vi hợp đồng, hộ kinh doanh nhận khoán tự chủ lên kế hoạch sản xuất, bố trí cây trồng, tăng gia sản xuất. Đồng thời, tự chủ phân phối lao động, hợp tác với tổ chức sản xuất liên quan để hoàn thành nhiệm vụ, độc lập hoặc độc lập tương đối hoàn thành nhiệm vụ. Hộ kinh doanh nhận thầu cũng phải chịu rủi ro kinh doanh và chịu trách nhiệm tài sản do vi phạm hợp đồng, cũng như trách nhiệm BTTHNHĐ.
Trách nhiệm bồi thường của tổ hợp tác là trách nhiệm vô hạn. Nghĩa vụ của tổ hợp tác do các thành viên của tổ hợp tác căn cứ vào tỷ lệ đầu tư hoặc thỏa thuận lấy tài sản của cá nhân để gánh chịu toàn bộ trách nhiệm. Như vậy, có thể thấy Quy tắc chung Luật dân sự Trung Quốc có quy định khác nhau năng lực chịu trách nhiệm của các loại chủ thể không phải là cá nhân và không có tư cách pháp nhân. Ngược lại, pháp luật Việt Nam lại đưa các chủ thể không phải là cá nhân và không có tư cách pháp nhân gộp vào một nhóm là tổ chức không có tư cách pháp nhân. Đồng thời, quy định giống nhau về một số vấn đề như tài sản chung, trách nhiệm dân sự...