Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo pháp luật Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) so sánh chế độ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo pháp luật việt nam và pháp luật trung quốc chuyên ngành luật DS và TTDS 60 38 01 03 (Trang 43 - 48)

2.3. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thƣờng thiệt hại ngoài hợp đồng

2.3.2. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo pháp luật Việt Nam

Theo BLDS năm 2005 thì có năm loại chủ thể quan hệ pháp luật dân sự là cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác và nhà nước. Thực tiễn thi hành cho thấy ngoài những loại chủ thể trên còn tồn tại nhiều lại chủ thể quan hệ pháp luật dân sự khác như: hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân, ban quản trị nhà chung cư, tổ chức kinh tế xã hội. Để khắc phục những thiếu sót này BLDS 2015 chia chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự thành ba nhóm chính là: Cá nhân, pháp nhân và hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân. Nói cách khác, chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự có ba loại chính là: cá nhân, pháp nhân và tổ chức không có tư cách pháp nhân. Trong đó tổ chức không có tư cách pháp nhân gồm hộ gia đình, tổ hợp tác và tổ chức khác không có tư cách pháp nhân. Có điều khá đặc biệt là trong BLDS 2015 không đưa ra định nghĩa thế nào là hộ gia đình và tổ hợp tác. Đây có thể xem là thiếu sót lớn của BLDS 2015.

- Năng lực chịu trách nhiệm BTTHNHĐ của cá nhân:

Năng lực chịu trách nhiệm BTTH của cá nhân là khả năng bồi thường của cá nhân. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường được xác định căn cứ vào năng lực hành vi và khả năng kinh tế. Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự. Năng lực hành vi dân sự của cá nhân được xác định dựa trên độ tuổi. Thường thì khi ở độ tuổi nào đó thì khả năng nhận thức và làm chủ hành vi của con người đạt đến mức độ nhất định. Với khả năng đó cá nhân thực hiện hành vi và chịu trách nhiệm tương ứng về hậu quả phát sinh từ hành vi. Vì vậy, năng lực hành vi dân sự có mối liên hệ mật thiết với năng lực chịu trách nhiệm bồi thường. Quy định năng lực chịu trác nhiệm BTTHNHĐ của cá nhân xuất phát từ ý nghĩa của chế định BTTHNHĐ. Việc xác định năng lực bồi thường của cá nhân là để xác định khả năng bồi thường của người cá nhân đó. Nếu xét người gây thiệt hại không có khả năng bồi thường hoặc khả năng bồi thường hạn chế thì cần chuyển giao cho người thứ ba là người giám hộ. Tuy nhiên, khả năng bồi thường không chỉ phụ thuộc vào khả năng kinh tế, mà còn phụ thuộc rất lớn vào khả năng nhận thức và làm chủ hành vi. Ví dụ không thể

yêu cầu một người tâm thần phải BTTH, nhưng thiệt hại do người tâm thần gây ra vẫn cần được bù đắp. Trách nhiệm bồi thường được chuyển giao cho người khác có năng lực hơn là người giám hộ của người tâm thần.

Giống như năng lực hành vi, BLDS 2015 cũng lấy độ tuổi để làm tiêu chí cơ bản để đánh giá năng lực chịu trách nhiệm BTTH. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường của cá nhân bình thường (có khả năng nhận thức và làm chủ hành vi) làm ba giai đoạn: chưa đủ 15 tuổi, từ mười năm tuổi đến chưa đủ 18 tuổi, đủ 18 tuổi trở lên. Người chưa thành niên (dưới 18 tuổi) chưa có năng lực hành vi và khả năng nhận thức đầy đủ. Trong xã hội Việt Nam, con cái thuộc độ tuổi này vẫn chịu sự chăm sóc, nuôi dưỡng, quản giáo của cha mẹ. Nghĩa vụ và quyền của cha mẹ là phải “trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình” (Khoản 2, Điều 69, Luật HNGĐ 2014). Trách nhiệm BTTHNHĐ của bố mẹ thay cho con cái khi con cái chưa thành niên xuất phát từ nghĩa vụ của người làm cha, mẹ trong việc chăm sóc và nuôi dưỡng con cái. Có quan điểm cho rằng cha mẹ bồi thường trong trường hợp này vì suy đoán rằng cha, mẹ đã có lỗi trong việc chăm sóc và nuôi dưỡng con cái. Con quan điểm cho rằng tuy cha, mẹ không có lỗi trong việc con gây thiệt hại nhưng vẫn bắt cha, mẹ bồi thường theo nguyên tắc buộc chịu trách nhiệm khách quan [13]. Người đã đủ 18 tuổi trở lên khi có đầy đủ khả năng nhận thức và năng lực hành vi thì phải tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Người đã trưởng thành tham gia vào các quan hệ pháp luật dân sự với tư cách và năng lực chủ thể đầy đủ và toàn diện. Trong đó, có năng lực chịu trách nhiệm BTTH.

Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi, về nguyên tắc cha mẹ vẫn là người chịu trách nhiệm BTTH, nhưng cần xem xét đến tình trạng tài sản của con cái. Ở độ tuổi này, mặc dù khả năng nhân thức và năng lực hành vi của con người chưa đầy đủ nhưng cũng đã đạt đến ngưỡng cận đầy đủ. Ở độ tuổi này con cái phần nào phải dần tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình trước xã hội trong khả năng cho phép. Khả năng cho phép ở đây chính là tình trạng tài sản của con cái. Vì vậy, pháp luật

quy định người ở đuổi từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi phải tự chịu trách nhiệm BTTH nếu có tài sản. Phần còn thiếu do cha mẹ tiếp tục bồi thường bằng tài sản của cha, mẹ. Tuy BLDS 2015 không nói rõ, nhưng có thể ngầm hiểu ở độ tuổi này con cái có năng lực chịu trách nhiệm BTTH hạn chế.

Người chưa đủ 15 tuổi thì bố mẹ hoàn toàn chịu trách nhiệm BTTHNHĐ thay cho con cái, mà không cần quan tâm con cái đã có tài sản riêng hay chưa. Trong trường hợp này bố mẹ của người gây thiệt hại với tư cách là bị đơn (Tiểu mục 3.1, mục 3, phần I, Nghị quyết: 03/2006/NQ – HĐTP). Các quy định liên quan cũng không xác định tư cách tố tụng của người gây thiệt hại ở độ tuổi này. Người gây thiệt hại không phải là bị đơn, người có quyền lợi liên quan hay người làm chứng. Do đó trong vụ án về BTTHNHĐ do người chưa đủ 15 tuổi gây ra, Tòa án hiện nay không biết đưa người gây thiệt hại tham gia tố tụng với tư cách gì. Điều nay gây khó khăn trong hoạt động tố tụng khi cần triệu tập, lấy lời khai trong các giai đoạn tố tụng.

Đối với người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ phải chịu trách nhiệm BTTH. BLDS 2015 đã bổ sung thêm trường hợp người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi của mình bên cạnh các trường hợp người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự mà có người giám hộ mà gây thiệt hại [6, tr.465]. Trong trường hợp này, người giám hộ trước tiên được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường, phần còn thiếu người giám hộ bồi thường bằng tài sản của mình. Nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì chỉ phải chịu trách nhiệm bồi thường trong phạm vi tài sản của người được giám hộ. Nghĩa vụ của người giám hộ với người được giám hộ cũng tương tự như nghĩa vụ của cha mẹ đối với con cái, nhưng về bản chất mối quan hệ giữa người giám hộ với người được giám hộ không chặt chẽ như mối quan hệ giữa cha, mẹ đối với con cái. Mối quan hệ giữa cha, mẹ với con cái có tính chất tự nhiên và thiêng liêng. Xuất phát từ tính đặc thù đó dẫn đến trách nhiệm của cha mẹ với con cái cũng vì thế mà lớn hơn những mối quan hệ khác. Cha mẹ

phải chịu trách nhiệm BTTH thay cho con chưa thanh niên, con bị mất năng lực hành vi dân sự, con có khó khăn trong nhận thức bất kể cha, mẹ có lỗi trong việc thực hiện nghĩa vụ của cha mẹ hay không.

- Năng lực BTTH của pháp nhân:

BLDS 2015 chia pháp nhân làm hai loại chính là pháp nhân thương mại và pháp nhân phi thương mại. Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên. Pháp nhân phi thương mại là pháp nhân không có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận; nếu có lợi nhuận thì cũng không được phân chia cho các thành viên. Pháp nhân tham gia vào các quan hệ pháp luật dân sự một cách bình đẳng, độc lập như các chủ thể dân sự khác. Pháp nhân có năng lực pháp luật và năng lực hành vi đầy đủ. Năng lực chủ thể dân sự của pháp nhân phát sinh và tồn tại kể từ thời điểm pháp nhân được thành lập đến khi pháp nhân chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật. Trách nhiệm BTTH của pháp nhân phát sinh thông qua các thành viên của pháp nhân trong quá trình thực hiện công việc của pháp nhân. Điểm mấu chốt để xác định trách nhiệm BTTH thuộc về pháp nhân hay cá nhân thành viên của pháp nhân là pháp nhân đang thực hiện công của pháp nhân hay của bản thân thành viên, vì lợi ích của ai pháp nhân hay của bản thân thành viên. Khi thành viên của pháp nhân thực hiện công việc của pháp nhân gây thiệt thì pháp nhân là người chịu trách nhiệm BTTH. Lỗi của người gây thiệt hại là lỗi của pháp nhân. Đây là điểm quan trọng biểu hiện sự liên kết chặt chẽ của pháp nhân về mặt tổ chức và hoạt động. Về nguyên tắc, sau khi BTTH cho người bị thiệt hại, pháp nhân có quyền yêu cầu người gây thiệt hại BTTH cho pháp nhân nếu vi phạm nghĩa vụ hoặc có lỗi. Quan hệ BTTH giữa pháp nhân và thành viên của pháp nhân là quan hệ BTTH trong hợp đồng. Nếu người gây thiệt hại là chủ sở hữu của pháp nhân thì thiệt hại mà pháp nhân gây ra được xem là rủi ro kinh doanh.

Ngoài ra, chương V, BLDS 2015 có quy định về nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan nhà nước ở Trung ương, ở địa phương trong quan hệ dân sự. Theo đó, chương này thể hiện hai nguyên tắc chính về trách nhiệm về nghĩa vụ dân sự: (1) Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan nhà nước ở

Trung ương, ở địa phương khi tham gia quan hệ dân sự thì bình đẳng với các chủ thể khác. (2) Nhà nước và mỗi cơ quan nhà nước tự chịu trách nhiệm bằng tài sản mà mình là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, trừ trường hợp tài sản đã được chuyển giao cho pháp nhân. Nguyên tắc thứ hai nêu trên thể hiện rõ quan điểm nhà nước, cơ quan nhà nước tự chịu trách nhiệm bằng tài sản do mình quản lý. Nhà nước, cơ quan nhà nước ở trung ương, địa phương không chịu trách nhiệm thay cho nhau. Pháp nhân do cơ quan nhà nước ở trung ương, địa phương lập ra không chịu trách nhiệm thay cho cơ quan nhà nước ở trung ương, địa phương. Pháp nhân do cơ quan nhà nước ở trung ương, địa phương lập ra cũng tự chịu trách nhiệm BTTH trong phạm vi vốn điều lệ. Phạm vi trách nhiệm của cơ quan nhà nước là phạm vi tài sản mà cơ quan đó quản lý, trừ những tài sản đã giao cho pháp nhân do cơ quan đó lập ra.

- Năng lực BTTH của hộ gia đình, tổ hợp tác và tổ chức khác không phải là pháp nhân.

Hộ gia đình, tổ hợp tác và tổ chức khác không phải là pháp nhân (sau đây gọi tắt là tổ chức không có tư cách pháp nhân) tham gia quan hệ pháp luật thông qua các thành viên của mình. Thành viên của tổ chức không phải là pháp nhân nhân danh tổ chức tham gia các quan hệ pháp luật dân sự phải được sự ủy quyền của các thành viên còn lại. Trường hợp thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự không được các thành viên khác ủy quyền làm người đại diện thì thành viên đó là chủ thể của quan hệ dân sự do mình xác lập, thực hiện. Khi đó thành viên tham gia vào quan hệ dân sự mà không được sự ủy quyền của thành viên khác phải tự chịu trách nhiệm dân sự. Tổ chức không có tư cách pháp nhân chịu trách nhiệm BTTH bằng tài sản chung của các thành viên, nếu tài sản chung của các thành viên không đủ để thực hiện nghĩa vụ thì phần còn thiếu do các thành viên chịu trách nhiệm. Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận hoặc pháp luật không có quy định khác thì thành viên chịu trách nhiệm theo phần tương ứng với phần đóng góp tài sản của mình, nếu không xác định được theo phần tương ứng thì xác định theo phần bằng nhau. Nếu có thỏa thuận thì trách nhiệm BTTH được thực hiện theo thỏa thuận.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) so sánh chế độ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo pháp luật việt nam và pháp luật trung quốc chuyên ngành luật DS và TTDS 60 38 01 03 (Trang 43 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(129 trang)