Nguyên nhân dẫn đến những tồn tại trên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xã hội hóa dịch vụ công chứng, chứng thực – qua thực tiễn thành phố hà nội (Trang 73 - 76)

Nhận thức của các cá nhân, tổ chức, cơ quan về chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng, về bản chất của hoạt động công chứng còn chưa đầy đủ. Nhiều người dân vẫn chưa phân biệt được hai khái niệm công chứng và chứng thực. Ngoài ra đã xuất hiện tâm lý phân biệt công chứng giữa Phòng công chứng và Văn phòng công chứng vì cho rằng Phòng công chứng là của nhà nước nên Hợp đồng giao dịch thực hiện ở đó có giá trị pháp lý cao hơn.

Việc xã hội hóa công chứng được thực hiện còn là vấn đề mới mẻ nhưng lại phát triển mộ cách mạnh mẽ và nhanh chóng; Trong khi đó, cơ sở vật chất, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước chưa được củng cố, kiện toàn. Khả năng tự quản của các tổ chức hành nghề công chứng (đặc biệt là các Văn phòng công chứng) còn hạn chế.

Thể chế về tổ chức, hoạt động công chứng mặc dù đã từng bước hoàn thiện, song vẫn còn nhiều bất cập. Luật công chứng còn nhiều quy định chưa phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế về hành nghề công chứng. Quy định

về tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên trong Luật công chứng vẫn còn chung chung hoặc chưa dự liệu được hết một số vấn đề bất cập (chưa quy định các chính sách ưu đãi phù hợp để phát triển các Văn phòng công chứng tại các địa bàn vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; quy định về việc thực hiện công chứng ngoài trụ sở chưa cụ thể; tên gọi và việc thay đổi tên gọi Văn phòng công chứng còn bất cập…).

Các quy định liên quan đến công chứng trong Bộ luật dân sự, Luật đất đai, Luật nhà ở, luật doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành có điểm chưa đồng bộ với Luật công chứng (Khái niệm văn bản công chứng, quy định về tiêu chuẩn, điều kiện người làm chứng, quy định về chấm dứt tư cách công chứng viên hợp danh của Văn phòng công chứng…).

Pháp luật chưa có tính dự báo

Hiện nay, việc xây dựng chính sách, pháp luật của nước ta nói chung và chính sách, pháp luật về công chứng nói riêng còn theo hướng “thiếu gì bổ sung nấy" chứ chưa có tầm nhìn xa, dự báo được sự phát triển của kinh tế, xã hội trong thời gian dài phía trước. Vì thế mới có chuyện văn bản luật ra đời chưa được bao lâu thì đã phải ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế, hoặc văn bản để hướng dẫn, giải quyết những vướng mắc phát sinh. Mặt khác, khi xây dựng văn bản pháp luật là đáp ứng được về mặt lý luận, nhưng để triển khai trên thực tế cần “xây dựng kế hoạch, lập đề án cụ thể. Tuy nhiên, hiện nay, việc thực hiện này chưa được đồng bộ, dẫn đến việc văn bản luật đã có nhưng phải một thời gian dài mới có quy hoạch cụ thể.

Ý thức pháp luật của người dân chưa cao

Người dân không có thói quen chủ động tìm hiểu quy định pháp luật nói chung và pháp luật về công chứng nói riêng nên mặc dù cơ quan có thẩm quyền đã tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công chứng nhưng sự hiểu biết pháp luật về công chứng của người dân chưa được cao, là kẽ hở để nạn “cò” công chứng vẫn còn chỗ để tồn tại.

Ý thức của công chứng viên chưa tốt

Công chứng viên là người trải qua quá trình tìm hiểu, học hỏi và quá các kỳ thi tuyển chọn sau đó mới được hành nghề công chứng, là người có kiến thức pháp luật về công chứng. Tuy nhiên một số công chứng viên (đặc biệt là các công chứng viên làm việc tại các Văn phòng công chứng) vẫn cố tình làm sai (cho thư ký đi gặp khách hàng lấy chữ ký rồi về chứng, mang dấu ra khỏi Văn phòng công chứng, công chứng treo....) nhằm mục đích kiếm lợi nhuận, thu phí cao hoặc vì lý do quen biết nào đó nên đã nhắm mắt cho các sai phạm đó và vẫn thực hiện công chứng như thường. Hoặc một số công chứng viên còn làm theo lối mòn, luật cũ vẫn áp dụng, không chịu cập nhật các văn bản luật mới, không tham gia các lớp bồi dưỡng công chứng viên...

Công tác quản lý nhà nước về công chứng còn lỏng lẻo.

Thành phố Hà Nội hiện có 122 tổ chức hành nghề công chứng, bao gồm 10 Phòng công chứng và 112 Văn phòng công chứng. Không thể phủ nhận các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn thành phố Hà Nội đang phát triển theo chiều hướng tích cực, đáp ứng tốt nhu cầu công chứng của người dân. Tuy nhiên, thực tế vẫn tồn tại tình trạng vô tình hoặc cố ý làm sai quy định tại một số tổ chức hành nghề công chứng. Từ đó thấy rằng việc quản lý của nhà nước về công chứng còn lỏng lẻo.

Trong chương này, tác giả đã nêu được thực trạng pháp luật hiện hành về công chứng, chứng thực ở Việt Nam cũng như thực trạng xã hội hóa về công chứng, chứng thực ở Thành phố Hà Nội. Qua đó đánh giá pháp luật hiện hành về thực trạng xã hội hóa về công chứng, chứng thực ở Thành phố Hà Nội.

Phân tích và tìm ra được những hạn chế, những bất cập về pháp luật cũng như về thực hiện pháp luật, xác định nguyên nhân tồn tại. Đây là cơ sở để tác giả tiếp tục xem xét đề xuất các giải pháp hoàn thiện ở Chương 3 của luận văn.

Chƣơng 3

GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ CÔNG CHỨNG, CHỨNG THỰC VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ XÃ HỘI HOÁ HOẠT ĐỘNG CÔNG CHỨNG, CHỨNG THỰC Ở THÀNH PHỐ HÀ NỘI HIỆN NAY

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, những hạn chế còn tồn tại trong quá trình thực hiện xã hội hoá hoạt động công chứng ở thành phố Hà Nội hiện nay, cũng như trên cơ sở các quy định của pháp luật nói chung, pháp luật về công chứng nói riêng, chúng ta cần thực hiện một số biện pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về công chứng, chứng thực và nâng cao hiệu quả xã hội hoá hoạt động công chứng. Điều đó cũng có nghĩa là làm tốt hơn nữa các kết quả mà quá trình xã hội hoá hoạt động công chứng mang lại và khắc phục những hạn chế còn tồn tại trong quá trình này. Xây dựng những biện pháp cụ thể và thực hiện chúng nhằm góp phần xây dựng hoạt động công chứng hoàn thiện, ngày càng phát triển, đáp ứng được nhu cầu công chứng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xã hội hiện đại. Một số biện pháp đó là:

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xã hội hóa dịch vụ công chứng, chứng thực – qua thực tiễn thành phố hà nội (Trang 73 - 76)