Mặt khách quan của tội phạm

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tội phá hoại chính sách đoàn kết trong luật hình sự Việt Nam (trên cơ sở số liệu thực tiễn ở Tây Nguyên) (Trang 36 - 42)

2.1. Tội phá hoại chính sách đoàn kết trong Bộ luật hình sự năm 1999

2.1.2. Mặt khách quan của tội phạm

Mặt khách quan của tội phạm là những biểu hiện bên ngoài của tội phạm. Bao gồm những biểu hiện của tội phạm diễn ra hoặc tồn tại bên ngoài thế giới khách quan [21]. Hay nói cách khác nó là mặt bên ngoài của tội phạm.

Hành vi khách quan của tội phạm nói chung được biểu hiện bằng hành động hoặc không hành động và mối quan hệ nhân quả của chúng. Tức là bao gồm hành vi nguy hiểm cho xã hội; hậu quả của hành vi; mối quan hệ nhân quả giữa hành vi nguy hiểm cho xã hội và hậu quả do hành vi này gây ra và các dấu hiệu khác…

Đối với tội phá hoại chính sách đoàn kết thì hành vi khách quan luôn được thể hiện bằng hành động. Trong mặt khách quan của tội này, chỉ có dấu hiệu hành vi khách quan mà không có dấu hiệu hậu quả. Bởi vì hậu quả của tội phá hoại chính sách đoàn kết không mang tính xác định. Hơn nữa chỉ riêng hành vi khách quan của tội này đã phản ánh đầy đủ bản chất nguy hiểm cho xã hội.

Theo quy định tại Điều 87 của Bộ luật hình sự năm 1999, thì hành vi khách quan của tội phá hoại chính sách đoàn kết gồm các hành vi sau:

a) Gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa nhân dân với lực lượng vũ trang, với chính quyền nhân dân, với các tổ chức xã hội;

b) Gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam;

c) Gây chia rẽ giữa người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, chia rẽ các tín đồ tôn giáo với chính quyền nhân dân, các tổ chức xã hội;

Như vậy bất kỳ người nào có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, thực hiện một, một số hay tất cả các hành vi nêu trên với mục đích nhằm chống chính quyền nhân dân, thì bị coi là tội phạm phá hoại chính sách đoàn kết và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình nghiên cứu lý luận và thực tiễn áp dụng pháp luật về tội phá hoại chính sách đoàn kết ở Tây Nguyên cho thấy chủ thể của tội phá hoại chính sách đoàn kết thường sử dụng các hình thức phạm tội chủ yếu với các hành vi sau:

1. Hành vi gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa nhân dân với lực lượng vũ trang, với chính quyền nhân dân, với các tổ chức xã hội

Ở Tây Nguyên, đặc trưng của hành vi này là các chủ thể của tội phạm thường thực hiện dưới sự chỉ đạo của một, một số đối tượng ở bên nước ngoài, có thể là người nước ngoài hoặc có thể là người Việt Nam sống lưu vong ở nước ngoài.

Các đối tượng ở ngoài nước tiến hành chỉ đạo từ xa thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời cung cấp tiền bạc, lương thực, thực phẩm, tài liệu, phương tiện để tuyên truyền, kích động, dụ dỗ, lôi kéo những đối tượng đang sống ở Tây Nguyên, nhằm mục đích tiến tới gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân với nhau, giữa nhân dân với lực lượng vũ trang, với chính quyền nhân dân, với các tổ chức xã hội.

Các đối tượng trong nước, sau khi nhận được sự tài trợ từ các đối tượng ngoài nước, thì thường lợi dụng các sự kiện trọng đại trong nước, khu vực, quốc tế như: Đại hội Đảng các cấp, diễn đàn, hội nghị, ngày lễ lớn để nói xấu, xuyên tạc, bịa đặt, khơi mào nhằm tạo ra những xích mích, những vấn đề còn mâu thuẫn, uẩn khúc trước đó giữa các tầng lớp nhân dân trong làng, xã, thôn, buôn, ấp, bản với nhau; giữa nhân dân với lực lượng vũ trang; giữa nhân dân với chính quyền nhân dân và với các tổ chức xã hội; Lợi dụng sự sơ hở, thiếu

sót trong việc áp dụng, thực thi pháp luật của chính quyền nhân dân, lực lượng vũ trang để chia rẽ, cô lập giữa nhân dân với chính quyền nhân dân, làm cho nhân dân có cái nhìn xấu về chính quyền, phá vỡ sự đoàn kết trong mặt trận tổ quốc Việt Nam.

Hình thức hoạt động chủ yếu là các đối tượng trong và ngoài nước lợi dụng khiếu kiện đông người để gây rối trật tự công cộng ở các địa bàn trọng điểm, vận động đồng bào dân tộc thiểu số tham gia biểu tình, đập phá công sở, đánh đập cán bộ, đòi thả những người tham gia biểu tình trước đó đã bị bắt giữ, để từ đó tiến hành thành lập nhà nước cho riêng mình.

Ví dụ:

Sau vụ biểu tình, gây rối đầu tháng 02 năm 2001, ở Tây Nguyên, một số đối tượng Fulro sống lưu vong ở nước ngoài do Ksơ Kơk cầm đầu liên tục điện thoại chỉ đạo những đối tượng cốt cán trong tổ chức đề ga ở Đắk Lắk để tuyên truyền cho cái gọi là: “Nhà nước Đề ga độc lập”, kích động những người nhẹ dạ cả tin trong đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên tham gia lực lượng phản động, biểu tình, đập phá công sở, bắt bớ cán bộ, phá hoại chính sách đoàn kết của dân tộc, chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong số đó có đối tượng cầm đầu là Y Kuơ Byă cùng một số đối tượng khác dưới sự chỉ đạo của Y Kuơ Byă, chúng thành lập bộ khung lãnh đạo mới của chính quyền Đề ga ở Đắk Lắk để cùng tổ chức và thực hiện. Y Kuơ đã tham gia và tổ chức nhiều cuộc hội họp với những đối tượng cầm đầu giao nhiệm vụ cho từng thành viên nhằm tuyên truyền sâu rộng trong dân nơi chưa gây dựng được lực lượng. Với những thủ đoạn như trên, đến giữa năm 2004, các đối tượng này đã phát triển được lực lượng ở 17/19 huyện thành phố trong tỉnh. Trong một số cuộc họp chúng thường xuyên liên lạc ra nước ngoài với Y Doen Buôn đáp và Y Mut Mlô là những tên trùm Fulro ở nước ngoài để báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo.

Đáng chú ý là cuộc họp do Y Hét Niê Kđăm tổ chức vào tháng 2 năm 2006 tại buôn M’Bhim, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, với nội dung: “Là kế hoạch cụ thể”. Sau khi hình thành bộ khung lãnh đạo của tổ chức Đề ga, các đối tượng ráo riết hoạt động liên tục liên lạc sang Mỹ xin ý kiến của Ksơ Kơk đồng thời ra sức tập hợp lực lượng, phát tán tài liệu phản động, chuẩn bị lương thực, thực phẩm và các phương tiện để chuẩn bị biểu tình gây bạo loạn. Các đối tượng đã dùng cuốc, thuổng, gậy gộc, cung, nỏ tự chế và xe cày (Công nông) kéo đến trụ sở Uỷ ban nhân dân xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk phá phách tài sản, đòi bắt cán bộ, đòi thả một số đối tượng mà trước đó đã tham gia bạo loạn, biểu tình bị bắt giữ. Sau đó, các đối tượng mở rộng diện hoạt động lên trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk để đòi yêu sách, nhưng đã bị lực lượng vũ trang ngăn chặn.

2. Hành vi gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ các dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng dân tộc Việt Nam

Qua thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật hình sự về tội há hoại chính sách đoàn ở Tây Nguyên cho thấy các đối tượng phản động trong và ngoài nước thường cho rằng Nhà nước ta phân biệt, đối xử bất bình đẳng giữa các dân tộc cùng sống trên một lãnh thổ (Địa bàn); chèn ép một số dân tộc thiểu số, không cho tư do hội họp, tự do ngôn luận, tự do lựa chọn ngành nghề hay học hành…; ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục, kinh tế, cơ sở hạ tầng, y tế… để phục vụ cho người Kinh; lấy đất của người dân tộc thiểu số để chia cho người Kinh sử dụng. Từ đó các đối tượng kích động tư tưởng ly khai, tự trị đối với người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, chúng đòi đất, nhà cửa, đòi đuổi người Kinh về đồng bằng, chúng cho rằng Tây Nguyên là của chúng… Chúng còn lập danh sách những người dân tộc thiểu số bị tù đày, sau những cuộc biểu tình bị bắt giữ và có hành vi khác, để gửi ra nước ngoài nhằm nói xấu chế độ, nói xấu Nhà nước ta. Chúng cho rằng Nhà nước ta vi

phạm nhân quyền. Mục đích các đối tượng này tuyên truyền lan rộng cho những người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên để gây hằn thù, kỳ thị, gây chia rẽ giữa người Kinh với người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, giữa những người dân tộc thiểu số với nhau.

Ví dụ:

Từ tháng 11 năm 2006, một số đối tượng Fulro sống lưu vong ở Mỹ đã móc nối, liên lạc và chỉ đạo số đối tượng Fulro trong nước phục hồi, phát triển hình thành cái gọi bộ khung Fulro cấp xã và liên xã tại 4 xã ở các huyện gồm có huyện Chư Sê, huyện Chư Pah, tỉnh Gia lai và xã Ea Sol huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk. Chúng phong cho Kpal làm thôn trưởng, Siu Tinh làm thôn phó Fulro. Các đối tượng này đã lôi kéo được 27 người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên cùng tham gia vào tổ chức Fulro. Chúng cấp giấy chứng nhận cho những người đã nộp tiền cho chúng. Đồng thời lập danh sách những người dân tộc thiểu số mà chúng cho rằng Nhà nước ta không cho đi học; những gia đình có đất mà Nhà nước thu hồi sử dụng vào mục đích công cộng, quốc phòng, an ninh; những người bị đi tù để gửi ra nước ngoài nhằm vu cáo nhà nước Việt Nam đàn áp dân tộc, đàn áp tôn giáo, tập trung tuyên truyền thành lập nhà nước Đề ga của người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân, làm ảnh hưởng an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương hai tỉnh là Gia Lai và Đắk Lắk.

3. Hành vi gây chia rẽ giữa người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, chia rẽ các tín đồ tôn giáo với chính quyền nhân dân, các tổ chức xã hội

Từ trước đến nay, với các thủ đoạn như chia để trị, dùng người Việt trị người Việt đã được thực dân Pháp và đế quốc Mỹ áp dụng sâu rộng ở nước ta, nhằm thôn tính nước ta. Để đạt được mục đích đó, các đối tượng này ráo riết tìm đủ mọi cách lật đổ chế độ Nhà nước ta. Trước tiên, chúng không ngừng

phao tin bịa đặt, nói xấu chế độ, cho rằng Nhà nước ta chèn ép không cho tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo; không cho xây dựng chùa chiền, miếu mạo, nhà thờ; quan tâm, ưu tiên phát triển một số tín đồ, tôn giáo; chèn ép không cho tôn giáo mà các đối tượng đang theo hoạt động; các đối tượng này còn bịa đặt Nhà nước ta ban hành chính sách ưu tiên những người không theo đạo được làm trong các cơ quan nhà nước, giữ các vị trí chủ chốt trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…, còn những người theo tôn giáo thì không được đề bạt giữ chức vụ chủ chốt trong các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, thậm chí còn không được tuyển dụng….

Chúng tiến hành phao tin, bịa đặt mọi lúc mọi nơi và kết hợp nhiều biện pháp song song với nhau. Công cụ và cách thức mà chúng sử dụng triệt để là đưa các thông tin lên các phương tiện thông tin đại chúng. Các đối tượng này lợi dụng một số kênh dùng tiếng đồng bào dân tộc thiểu số để phát tán. Việc tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng đã được các đối tượng phản động sử dụng một cách triệt để. Chúng không những chỉ tiến hành trong nước mà tiến hành cả ở nước ngoài.

Ngoài các chiêu thức đó ra, chúng còn thể hiện sự quan tâm bằng cách giúp đỡ vật chất, thăm hỏi, động viên tinh thần, tài trợ học hành, tài trợ trốn đi nước ngoài để thực hiện được mục đích của mình… Chúng luôn tìm cách tạo ra sự đố kị, gây hiềm khích giữa những người theo tôn giáo với những người không theo tôn giáo, giữa các tín đồ tôn giáo với nhau, giữa những người cùng theo một tôn giáo với nhau…

Mặt khác chúng còn tiến hành nhiều hoạt động tuyên truyền tôn giáo thông qua các hoạt động củng cố giáo hội, nghi lễ cũng như hệ thống quản lý của mỗi tôn giáo nhằm lấy tôn giáo gây sức ép với Nhà nước khi có thời cơ.

Bằng tất cả các thủ đoạn trên, mục đích cuối cùng của chúng nhằm gây chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa các tín đồ tôn

giáo với chính quyền nhân dân, với các tổ chức xã hồi. Rồi chúng đi đến mục đích cuối cùng là chống lại chính quyền nhân dân, thành lập nhà nước Đê ga độc lập ở Tây Nguyên.

Ví dụ:

Sau khi xin ý kiến chỉ đạo của một số đối tượng đang sống ở nước ngoài, đến tháng 02 năm 2008, Y Thim B’đap đã tuyên truyền, lôi kéo Y Tim Mlô và một số đối tượng khác ở địa bàn huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk tham gia tổ chức Fulrô. Y Thim đã tổ chức hội họp thành nhiều đợt. Tại các cuộc họp, Y Thim đã cung cấp các thông tin, tài liệu mà Y Thim nhận được từ nước ngoài với nội dung như Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không cho tự do tín ngưỡng, tôn giáo; phân biệt đối xử không bình đẳng giữa người không theo tôn giáo với người theo tôn giáo, giữa các tôn giáo với nhau. Y Thim đã phô tô danh sách những người dân tộc thiểu số sống ở Đắk Lắk được học hành đầy đủ mà chúng cho rằng Nhà nước ta không tuyển dụng, không bố trí công ăn việc làm…để gửi ra nước ngoài nhờ Liên hiệp quốc can thiệp. Trong lúc Y Thim đang tổ chức hội họp, phát tán tài liệu, tuyên truyền, kích động, thì bị phát hiện và ngăn chặn.

4. Hành vi phá hoại việc thực hiện chính sánh đoàn kết quốc tế

Thực tế đến thời điểm này, ở Tây Nguyên, các cơ quan chức năng chưa xử lý đối tượng nào về hành vi phá hoại việc thực hiện chính sách đoàn kết quốc tế. Như vậy, trong các hành vi khách quan của cấu thành tội phạm được liệt kê tại điều 87 của Bộ luật hình sự, thì hành vi phá hoại việc thực hiện chính sánh đoàn kết quốc tế ít xẩy ra hơn, thậm chí ở Tây Nguyên không xẩy ra.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tội phá hoại chính sách đoàn kết trong luật hình sự Việt Nam (trên cơ sở số liệu thực tiễn ở Tây Nguyên) (Trang 36 - 42)