Mặt chủ quan của tội phạm

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tội phá hoại chính sách đoàn kết trong luật hình sự Việt Nam (trên cơ sở số liệu thực tiễn ở Tây Nguyên) (Trang 44 - 48)

2.1. Tội phá hoại chính sách đoàn kết trong Bộ luật hình sự năm 1999

2.1.4. Mặt chủ quan của tội phạm

Tuy tội phạm là thể thống nhất của bốn yếu tố cấu thành tội phạm (Khách thể của tội phạm, mặt khách quan của tội phạm, chủ thể của tội phạm, mặt chủ quan của tội phạm), nhưng các yếu tố đó vẫn có những nét riêng biệt. Mặt khách quan của tội phạm là mặt bên ngoài của tội phạm, thì ngược lại mặt chủ quan của tội phạm là thái độ, tâm lý bên trong của người thực hiện hành vi phạm tội [21], là đặc điểm tâm lý bên trong của cách xử sự có tính chất tội phạm, xâm hại đến khách thể được bảo vệ bằng pháp luật hình sự (Mặt bên trong của tội phạm) và được biểu hiện qua yếu tố lỗi, động cơ, mục đích phạm tội. Trong đó lỗi được phản ánh trong tất cả các cấu thành tội phạm. Lỗi là dấu hiệu không thể thiếu trong bất cứ cấu thành tội phạm nào. Về nội dung, người thực hiện hành vi gây thiệt hại cho xã hội bị coi là có lỗi nếu hành vi đó là kết quả sự lựa chọn của các chủ thể trong khi các chủ thể này có đủ điều kiện khách quan và chủ quan để lựa chọn và xử sự khác phù hợp. Còn về mặt nhận thức lỗi, là thái độ tâm lý diễn biến bên trong của chủ thể thực hiện tội phạm đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình và đối với hậu quả do hành vi đó gây ra, biểu hiện dưới hai dạng là cố ý hay vô ý.

Đối với tội phá hoại chính sánh đoàn kết, thì yếu tố lỗi bao giờ cũng là lỗi cố ý trực tiếp. Được thể hiện ở chỗ người phạm tội nhận thức rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi có thể làm phương hại đến độc lập chủ

quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, làm phương hại sự đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, gây nguy hại đến sự tồn tại và vững mạnh của chính quyền nhân dân nhưng vẫn quyết tâm thực hiện và mong muốn thực hiện, không những thế mà người thực hiện còn mong muốn hậu quả xẩy ra.

Trong mặt chủ quan của tội phá hoại chính sách đoàn kết, ngoài yếu tố lỗi còn phải đề cập đến yếu tố mục đích của chủ thể. Mục đích đặt ra chỉ có ở các tội với lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội trong trường hợp cố ý trực tiếp nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi do mình thực hiện, thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội và mong muốn hậu quả xảy ra.

Đối với tội phá hoại chính sách đoàn kết thì mục đích chống chính quyền nhân dân của người thực hiện hành vi phạm tội là mục đích bắt buộc. Mặc dù có người có hành vi gây chia rẽ dân tộc, tôn giáo, nhưng họ lại không có mục đích chống chính quyền nhân dân. Cũng có người do trình độ học vấn thấp nên không hiểu biết hoặc có hiểu biết nhưng nhận thức chưa đầy đủ hoặc hiểu không đúng về chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, họ thiếu ý thức mà có những hành động, lời nói, việc làm có hại cho sự đoàn kết dân tộc nhưng họ lại không có mục đích chống chính quyền nhân dân thì hành vi này không thể coi là phạm tội phá hoại chính sách đoàn kết. Chính vì vậy khi xử lý, áp dụng hay nghiên cứu đối với tội này cần phải chứng minh chủ thể thực hiện hành vi phạm tội là vì mục đích chống chính quyền nhân dân. Đây là dấu hiệu bắt buộc của mặt chủ quan của tội phá hoại chính sách đoàn kết.

Mục đích phạm tội là tình tiết cần phải chứng minh trong trường hợp phạm tội cố ý trực tiếp. Hành vi phạm tội do cố ý trực tiếp là hành động ý chí nên bao giờ cũng do một động cơ nào đó thúc đẩy và nhằm mục đích nhất định. Việc làm rõ mục đích phạm tội giúp các cơ quan tiến hành tố tụng đánh

giá, xác định đúng tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội đối với hành vi phạm tội, tạo cơ sở cho việc cá thể hóa trách nhiệm hình sự và hình phạt. Trong trường hợp luật quy định mục đích là dấu hiệu định tội hoặc là tình tiết định khung hình phạt thì việc làm rõ mục đích tạo cơ sở cho việc định tội, định khung đúng.

Đối với tội phá hoại chính sách đoàn kết được quy định tại Điều 87 của Bộ luật hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì mục đích là dấu hiệu bắt buộc trong định tội. Mục đích chống chính quyền nhân dân là mục đích phải có đối với tội này. Muốn xác định hành vi đó có phạm tội phá hoại chính sách đoàn kết hay không thì phải căn cứ vào mục đích cụ thể. Biểu hiện của hành vi phạm tội và mục đích cụ thể giúp ta xác định được khách thể trực tiếp của tội này. Cần chú ý trong nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia đều có mục đích chung là chống chính quyền nhân dân. Nhưng đối với tội phá hoại chính sách đoàn kết ngoài mục đích đó ra còn có mục đích riêng là uy hiếp hoặc xóa bỏ sự tồn tại và vững mạnh của chính quyền nhân dân. Như vậy khi định tội, đối với tội này cần căn cứ vào động cơ, mục đích như: Một người có hành vi nói xấu Nhà nước, xuyên tạc chế độ xã hội chủ nghĩa, nếu mục đích nhằm gây chia rẽ tín đồ tôn giáo với chính quyền thì phạm tội phá hoại chính sách đoàn kết mà tác giả đang đề cập, nếu cùng hành vi đó nhưng mục đích của người phạm tội nhằm kích động người khác trốn đi nước ngoài thì phạm vào tội trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân.

Phân biệt sự khác nhau và mối quan hệ giữa mục đích chung và mục đích cụ thể có ý nghĩa rất quan trọng trong việc điều tra, truy tố và xét xử và có ý nghĩa cho việc chứng minh mục đích của tội phạm. Mục đích gồm mục đích chung và mục đích cụ thể là đối tượng cần phải được chứng minh là vấn đề cần được làm rõ trong việc định tội phá hoại chính sách đoàn kết. So với các đối tượng chứng minh khác việc chứng minh mục đích phạm tội đối với

tội phá hoại chính sách đoàn kết là hết sức phức tạp và khó khăn. Mục đích là dấu hiệu của mặt chủ quan của tội phạm này, là diễn biễn trạng thái tâm lý bên trong của người thực hiện hành vi phạm tội nên không thể nhận thức bằng các giác quan giống như nhận thức về mặt khách quan của tội phạm mà phải bằng sự phân tích tổng hợp qua hoạt động tư duy để rút ra và xác định được. Kết luận về mục đích của tội phá hoại chính sách đoàn kết thể hiện đậm nét ở dấu ấn chủ quan của chủ thể chứng minh. Do đó để kết luận bảo đảm tính khách quan, chính xác ngoài kinh nghiệm cần phải chú trọng nắm vững căn cứ để xác định mục đích.

Hành vi phạm tội phá hoại chính sách đoàn kết là hành động ý chí, nên hành vi đó phản ánh mục đích mà người phạm tội nhằm đạt tới. Trong công tác xử lý, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không thể tìm mục đích của tội phạm này trong ý thức người phạm tội mà căn cứ vào hành vi cụ thể của người thực hiện hành vi phạm tội để xác định.

Đối với tội phá hoại chính sách đoàn kết, bản thân hành vi đã thể hiện mục đích chống chính quyền. Như vậy đối với tội này khi làm rõ được hành vi coi như mục đích đã được chứng minh. Nó khác với một số tội trong nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia. Vì trong nhóm tội này có một số tội hành vi khách quan không phản ánh mục đích chống chính quyền, nhà làm luật đã ghi rõ dấu hiệu mục đích ngay trong điều luật: “Nhằm chống chính quyền…”, “nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, “hoặc gây phương hại cho an ninh lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Trước đây có một số quan điểm cho rằng để xác định mục đích phản cách mạng của người thực hiện hành vi phạm tội thì phải căn cứ vào hành vi và nhân thân của người phạm tội. Quan điểm này, hiện nay được nhiều người coi là quan điểm truyền thống và được ghi nhận làm tài liệu giảng dạy… Theo tác giả thì quan điểm trên đến thời điểm này, vẫn đúng nhưng chưa đủ. Vì nếu

hiểu hành vi và nhân thân một cách giản đơn thì sẽ dẫn đến sai lầm trong nhận thức và áp dụng pháp luật. Nếu quá nhấn mạnh vào khía cạnh nhân thân của người phạm tội, thì dễ dẫn đến suy diễn trong kết luận dẫn đến định tội sai. Trường hợp này họ thường quy việc nếu người có nhân thân xấu họ thường phạm tội, người có nhân thân không xấu thì họ không phạm tội. Cho nên chỉ khi chứng minh được mục đích chống chính quyền nhân dân, thì người thực hiện hành vi phạm tội mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phá hoại chính sách đoàn kết. Để chứng minh được mục đích chống chính quyền nhân dân cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phân tích đánh giá tổng hợp những hành vi trong mặt khách quan và nhân thân người phạm tội… Vì mục đích chống chính quyền nhân dân nó nằm trong suy nghĩ của người phạm tội nếu không căn cứ vào những tình tiết khách quan thì khó chứng minh, nếu như người phạm tội ngoan cố, trốn tránh khai báo.

Tóm lại dấu hiệu mục đích chống chính quyền nhân dân đã phản ánh đầy đủ nhất về tính chất của tội phạm. Điều đó giúp chúng ta nhận biết được tội phá hoại chính sách đoàn kết với các tội khác.

Khi thực hiện mục đích là chống chính quyền nhân dân thì những người phạm tội thường hay hình thành nhóm người đồng phạm. Tức là đa phần tội phá hoại chính sách đoàn kết do nhiều chủ thể cùng thực hiện tội phạm và có chung một mục đích đó là chống chính quyền nhân dân. Việc xác định đồng phạm dựa trên cơ sở chứng minh tội phạm có cùng mục đích phạm tội là chống chính quyền nhân dân.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tội phá hoại chính sách đoàn kết trong luật hình sự Việt Nam (trên cơ sở số liệu thực tiễn ở Tây Nguyên) (Trang 44 - 48)