Các nhân tố chủ quan

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xây dựng đội ngũ công chức hành chính nhà nước ở tỉnh thanh hóa trong giai đoạn hiện nay (Trang 32 - 35)

- Tuyển dụng công chức hành chính nhà nước: Tuyển dụng công chức hành chính nhà nước là khâu quan trọng quyết định tới chất lượng của đội ngũ công chức. Nếu công tác tuyển dụng được thực hiện tốt thì sẽ tuyển được những người thực sự có năng lực, phẩm chất bổ sung cho lực lượng công chức. Ngược lại, nếu việc tuyển dụng không được quan tâm đúng mức thì sẽ không lựa chọn được những người đủ năng lực và phẩm chất bổ sung cho lực lượng này. Nhưng không phải tất cả những người trong đội ngũ công chức hành chính nhà nước đều được tuyển chọn thông qua thi tuyển mà còn có những công chức do chuyển ngành từ sau chiến tranh, do bổ nhiệm, bầu và phê chuẩn.

- Đào tạo, bồi dưỡng công chức hành chính nhà nước: Đào tạo, bồi dưỡng là một hoạt động, xét về mặt hình thức, nó không gắn với hoạt động quản lý, điều hành, nhưng nó giữ vai trò bổ trợ và trang bị kiến thức để người công chức có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu trong thực thi công vụ. Đào tạo, bồi dưỡng quyết định trực tiếp tới chất lượng của công chức hành chính nhà nước. Trong chiến lược xây dựng đội ngũ công chức hành chính nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc, thì công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức hành chính nhà nước càng trở nên cấp bách và phải được tiến hành liên tục.

Đào tạo, bồi dưỡng công chức hành chính nhà nước nhằm trang bị kiến thức để người công chức có đủ năng lực, tự tin thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và đáp ứng được yêu cầu của công việc. Đào tạo, bồi dưỡng không chỉ giới hạn ở đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị, mà cần đặc biệt quan tâm tới đào tạo nâng cao kỹ năng, kỹ xảo thực hiện công việc và những kiến thức có liên quan đến công việc của người công chức, góp phần tạo nên tính chuyên nghiệp của đội ngũ công chức trong thực thi nhiệm vụ.

Điều quan trọng hơn là việc cần phải xác định chính xác nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng; đối tượng cần được đào tạo, chương trình và phương thức đào tạo phù hợp với từng loại đối tượng công chức. Nhu cầu đào tạo được xác định dựa trên sự phân tích, đánh giá công việc, trình độ của đội ngũ công chức và nhu cầu về cán bộ của từng cơ quan, tổ chức.

- Sử dụng đội ngũ công chức hành chính nhà nước: Sử dụng đội ngũ công chức hành chính nhà nước là một khâu rất quan trọng trong công tác quản lý cán bộ, công chức của Đảng và Nhà nước ta. Trong những năm qua chúng ta đã có nhiều tiến bộ trong việc sử dụng đội ngũ công chức hành chính nhà nước. Tuy nhiên, so với thực tiễn hiện nay, đây vẫn là khâu còn bộc lộ nhiều hạn chế. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị sử dụng công chức cần quán triệt

sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về vấn đề này. Đặc biệt là phải nắm bắt được các chủ trương mới, hiểu rõ và thực hiện đúng các quy định của Nhà nước, mặt khác, cần thấy rằng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, các chủ trương, chính sách và chế độ đối với công chức phải luôn được đổi mới, hoàn thiện. Dù ở hoàn cảnh nào, việc sử dụng đội ngũ công chức hành chính nhà nước cũng phải xuất phát từ mục tiêu lâu dài, đem lại hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của công vụ; phục vụ nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị và địa phương. Bởi vậy, trong sử dụng phải đảm bảo thực sự dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể, tránh lãng phí chất xám - sự lãng phí lớn nhất mà hiện nay nước ta đang gặp phải.

- Đánh giá thực hiện công việc của công chức hành chính nhà nước: Đánh giá mức độ hoàn thành công việc không chỉ là cấp trên đánh giá cấp dưới mà còn là việc tự đánh giá mức độ hoàn thành công việc của từng công chức và sự đánh giá của cấp dưới đối với cấp trên. Đánh giá thực hiện công việc nhằm xác định kết quả làm việc cụ thể của từng cá nhân công chức trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Đồng thời, xác định nhu cầu đào tạo và phát triển công chức, nội dung đào tạo và những vấn đề khác. Phân tích và đánh giá thực hiện công việc còn là cơ sở cho việc tuyển chọn, bố trí, sử dụng công chức. Bên cạnh đó còn là cơ sở cho việc trả thù lao lao động, xếp hạng công chức và tạo động lực cho công chức phát triển.

- Phân tích công việc trong các cơ quan hành chính nhà nước: Phân tích công việc là quá trình thu thập thông tin và phân tích đánh giá về công việc trong các cơ quan hành chính nhà nước. Kết quả phân tích công việc là xây dựng được bản mô tả công việc, bảng tiêu chuẩn chức danh công chức đối với từng loại công việc và hệ thống tiêu chuẩn đánh giá việc thực hiện công việc của công chức. Với vai trò như vậy, phân tích công việc là cơ sở cho việc tuyển dụng công chức và cũng là cơ sở cho việc đánh giá mức độ hoàn thành công việc của công chức, giúp cho việc hoạch định chính sách về

đào tạo, nâng cao chất lượng công chức, là một trong những cơ sở để xếp hạng công việc và thực hiện thù lao lao động công bằng, hợp lý...

Nếu không thực hiện hoặc thực hiện không tốt việc phân tích công việc trong các cơ quan hành chính nhà nước thì sẽ là một trong những nguyên nhân dẫn tới hàng loạt các vấn đề bất cập nảy sinh trong quản lý như: đánh giá không hợp lý, thiếu công bằng; mâu thuẫn nội bộ; sự phối hợp giữa các cá nhân và bộ phận trong một tổ chức không tốt; giảm sút động lực lao động của công chức…

- Tạo động lực cho đội ngũ công chức hành chính nhà nước: Tạo động lực cho công chức được hình thành trong quá trình làm việc. Để tạo động lực cho công chức trong thi hành công vụ, chúng ta cần thực hiện hiệu quả việc bố trí công việc phù hợp với khả năng, trình độ của công chức; đánh giá đúng, công bằng kết quả công việc được giao của công chức; đổi mới cơ bản chính sách đãi ngộ về vật chất đối với công chức hành chính nhà nước.

Ngoài ra còn phải tạo động lực cho công chức hành chính nhà nước về mặt tinh thần. Đó là việc trọng dụng nhân tài, tạo điều kiện để người có đức, có tài phát triển và phát huy hết khả năng để cống hiến cho dân, cho nước. Khuyến khích công chức nâng cao nhiệt tình cách mạng, lòng yêu nước, yêu nghề, say mê công tác, tự rèn luyện nâng cao trình độ các mặt, giữ gìn phẩm chất đạo đức. Khen thưởng kịp thời những công chức có thành tích xuất sắc trong công tác, trong nghiên cứu khoa học. Hoàn thiện công tác tổ chức ở đơn vị, tạo bầu không khí dân chủ, tôn trọng, tin tưởng, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau trong tập thể.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xây dựng đội ngũ công chức hành chính nhà nước ở tỉnh thanh hóa trong giai đoạn hiện nay (Trang 32 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(144 trang)