- Dân số
Năm 2010, dân số của tỉnh là 3,4 triệu người (lớn thứ 3 trong cả nước), chiếm xấp xỉ 34,6% dân số vùng Bắc Trung Bộ và 4,4% dân số cả nước. Mật độ dân số bình quân gần 332 người/km2, gấp 1,6 lần mật độ dân số trung bình của vùng (207 người/km2) và 1,3 lần mật độ dân số trung bình cả nước (255 người/km2). Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm xuống dưới 1% năm 2010. Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 7 dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc Kinh chiếm tỷ lệ cao nhất, khoảng 84,75%, tiếp đến là dân tộc Mường chiếm 8,7%, dân tộc Thái chiếm 6%, còn lại là các dân tộc khác như H’Mông, Dao,....
Thanh Hóa có cơ cấu dân số tương đối trẻ, sức khỏe tốt. Đây là nguồn nhân lực chủ yếu sẽ được huy động vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong 10 - 15 năm tới. Trình độ học vấn của người dân cũng ngày càng được nâng cao. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở đúng độ tuổi; 473 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó 69 trường mầm non, 343 trường tiểu học, 56 trường trung học cơ sở và 5 trường trung học phổ thông.
Sự phân bố dân cư ở Thanh Hóa rất không đều giữa các vùng, các khu vực. Hầu hết dân cư sinh sống ở địa bàn nông thôn. Sự phân bố dân cư giữa các huyện và các vùng trong tỉnh cũng không đều; huyện có số dân cao nhất là Quảng Xương với 281.315 người (chiếm 7,7% dân số toàn tỉnh); huyện có dân số ít nhất là Mường Lát và Quan Sơn chỉ chiếm gần 0,9 % dân số toàn tỉnh. Mật độ dân số cao nhất ở thành phố Thanh Hóa (3.365 người/km2), thấp nhất là huyện Quan Sơn (37 người/km2) và huyện Mường Lát (39 người/km2
).
- Nguồn nhân lực
Nguồn nhân lực của Thanh Hóa khá dồi dào. Dân số trong độ tuổi lao động của tỉnh năm 2010 chiếm 65,5% tổng dân số; số lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân là 2.109 ngàn người, chiếm 89,0% lao động trong độ tuổi, trong đó phần lớn là lao động nông lâm nghiệp, chiếm tới 66,9% tổng số lao động xã hội; lao động công nghiệp và xây dựng chiếm 16,0% và lao động khu vực dịch vụ là 17%; tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn trong tỉnh mới đạt 80,4%.
Những năm gần đây chất lượng lao động ở Thanh Hóa đã được cải thiện một bước, trình độ văn hóa của lực lượng lao động ngày được nâng cao. Tỷ lệ lao động không biết chữ và chưa tốt nghiệp phổ thông giảm, số lao động tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông ngày càng tăng. "Số lao động được đào tạo tăng đều qua các năm từ 19,6% năm 2000 lên 27% năm 2005; 31,5% năm 2007 và đạt 38% năm 2010. Tuy nhiên hầu hết số lao động đã qua đào tạo tập trung ở các thành phố, thị xã và các thị trấn huyện lỵ" [72].